Doanh nghiệp

Cách kinh doanh thành công của Taylor Swift

Ở tuổi 33, ngôi sao nhạc pop Taylor Swift là một trong những doanh nhân lĩnh vực giải trí có ảnh hưởng nhất thế giới, theo WSJ.

Cô nắm quyền kiểm soát bản quyền các bài hát của mình thay vì các hãng âm nhạc, sẵn sàng đối đầu với những gã khổng lồ, như cuộc chiến với Spotify và bán được số lượng album kỷ lục. Cô duy trì lòng trung thành của người hâm mộ bằng cách trò chuyện trực tuyến với họ.

Các chuyến lưu diễn của Taylor Swift có sức hút tới mức hệ thống bán vé online Ticketmaster quá tải, sập trang web. Hiện "Eras Tour" của cô được dự đoán là tour diễn lớn nhất mọi thời đại với tiềm năng thu về hơn một tỷ USD.

Trong khi những ngôi sao khác như Rihanna tích cực kiếm tiền ở nhiều lĩnh vực khác thì Taylor Swift tập trung vào công nghiệp giải trí. Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm về quản lý được WSJ đúc kết từ những vấp ngã và thành công của Swift.

Taylor Swift đến dự Lễ trao giải Grammy thường niên lần thứ 65 vào 5/2 tại Los Angeles. Ảnh: AP

Taylor Swift đến dự Lễ trao giải Grammy thường niên lần thứ 65 vào 5/2 tại Los Angeles. Ảnh: AP

Đội ngũ tinh gọn

Trong khi nhiều nghệ sĩ trong ngành công nghiệp âm nhạc trao hoạt động kinh doanh cho người ngoài thì Swift vẫn thích trực tiếp điều hành. Công ty 13 Management của cô có đội ngũ nhân viên tinh gọn. Công việc kinh doanh được tham gia hỗ trợ bởi những người thân thiết từ gia đình đến một số bạn tâm giao.

Cô thường tránh thuê người quản lý, môi giới và luật sư bên ngoài để tiết kiệm chi phí vận hành. Trong khi đó, văn phòng công ty gói gọn trong nhà chứa máy bay riêng của cô ở Nashville, Tennessee.

Đi từ căn bản đến phức tạp

Năm 11 tuổi, trong khi mẹ và em trai đợi trong xe, Swift đến gõ cửa từng hãng thu âm ở Nashville để mời họ nghe thử đĩa CD ghi âm các bài hát karaoke của cô. Khi điều đó không thu hút được sự quan tâm, Swift đã mua một cây đàn guitar 12 dây và luyện tập hàng giờ mỗi ngày.

Cùng với đó, cô bắt đầu tập sáng tác. Hai năm sau, các bài hát gốc của cô đã giúp đạt thỏa thuận phát triển với RCA Records.

Nắm bắt cơ hội

Trước khi phát hành một album, các nghệ sĩ nhạc đồng quê chưa có tiếng thường biểu diễn tại khoảng 200 đài phát thanh trên khắp nước Mỹ vì đánh giá của những đài này góp phần đưa chúng vào bảng xếp hạng các ca khúc. Nếu một bài hát của họ nhận được sự ủng hộ, nó sẽ tiếp tục được phát sóng nhiều lần và leo lên bảng xếp hạng, khiến hãng thu âm quyết định phát hành phần còn lại của album.

Rick Barker, người đã đưa Swift đi chặng đầu tiên của chuyến lưu diễn trên đài phát thanh năm 2006 và sau đó trở thành quản lý của cô, cho biết hành trình gian nan này có thể làm mất tinh thần và ảnh hưởng tới nhiều nghệ sĩ.

Trong một lần đến đài phát thanh K-FROG ở Riverside (California) trình diễn, Barker đã được nhắc nhở rằng đừng làm phiền các giám đốc chương trình bận rộn về việc xin cho Swift lên sóng.

Tuy nhiên, khi chơi bài "Tim McGraw" trong phòng thu của đài, đến đoạn có lời rằng "một ngày nào đó bạn sẽ bật radio của mình lên", Swift liếc nhìn Barker và thay nội dung thành "một ngày nào đó bạn sẽ bật K-FROG". Sự nhanh trí này của cô đã phát huy tác dụng, nhà đài lập tức muốn giới thiệu Swift với thính giả.

Taylor Swift biểu diễn Tim McGraw tại Lễ trao giải Academy of Country Music năm 2007. Ảnh: AP

Taylor Swift biểu diễn "Tim McGraw" tại Lễ trao giải Academy of Country Music năm 2007. Ảnh: AP

Xây dựng và huy động khán giả

Swift đã sớm gây dựng lực lượng người hâm mộ trực tuyến của mình, đầu tiên là trên Myspace, sau đó là Tumblr, Instagram và TikTok. Các nền tảng cho phép cô ấy đưa âm nhạc đến người nghe yêu thích nhanh hơn đài phát thanh. "Khi nhìn thấy mọi người trên Myspace, cô ấy xem đó như một địa điểm biểu diễn. Cô chơi nhạc cho hàng ngàn người hâm mộ mỗi đêm", Barker nói.

Trong thời gian nghỉ chờ quảng cáo tại K-FROG, Swift đã thông báo cho người hâm mộ trên Myspace rằng cô sẽ có mặt trên đài này. Đường dây điện thoại của đài sau đó tràn ngập các cuộc gọi cảm ơn đã phát bài hát của Swift.

Việc Swift tiên phong sử dụng mạng xã hội hiện được coi là chìa khóa cho mối quan hệ của nghệ sĩ với người tiêu dùng. "Cách cô ấy sử dụng công nghệ để tạo kết nối đích thực với người hâm mộ đã định hình ngành công nghiệp âm nhạc hiện đại theo nhiều cách", Lucian Grainge, Giám đốc điều hành Universal Music Group, hãng thu âm và nhà xuất bản của Swift bình luận.

Chăm chút đối tác

Các CEO, giám đốc chương trình đài phát thanh và đối tác kinh doanh khác mô tả trí nhớ nhạy bén của Swift với các chi tiết về vợ/chồng và con cái của họ. Họ nói rằng vẫn còn giữ những tấm thiệp cảm ơn viết tay của cô ấy.

Một số người thân cận với Swift cho biết cô ấy hoặc một thành viên trong đội ngũ sẽ lưu những thông tin quan trọng về đối tác để Swift và mọi người để xem lại trước khi họ gặp lại ở lần sau.

Tom Poleman, Giám đốc phát sóng của iHeartMedia mô tả rằng Swift biết mọi người cô gặp đã dừng ở đâu trong cuộc trò chuyện lần trước. "Làm điều đó ở một tuổi trẻ như vậy là đáng nể - để tham gia vào việc xây dựng mối quan hệ không chỉ với người nghe mà còn với đối tác kinh doanh", ông nói.

Giữ bản thân luôn tươi mới

Một phần quan trọng tạo nên sức mạnh lâu dài của Taylor Swif là đổi mới bản thân, theo các nhà điều hành âm nhạc. Rod Essig, Đại diện của Swift trong những năm đầu cho biết không có bản thu nào giống nhau, các buổi biểu diễn cũng không bao giờ giống nhau. "Mọi người vì thế rất thích thú", ông nói.

Khi Swift quyết định phát hành album nhạc pop đích thực đầu tiên của mình, cô đã mời họ tham gia "Secret Sessions", được tổ chức tại những ngôi nhà khác nhau của cô, nơi cô chơi những bài hát chưa được phát hành từ album "1989." Album này đã đưa Swift lên một tầm cao mới về doanh số bán hàng và danh tiếng.

Tạo đòn bẩy cho mình

Khi doanh số bán hàng tăng vọt vài tuần sau khi phát hành "1989" năm 2014, Swift đã rút toàn bộ các bài hát khỏi nền tảng âm nhạc Spotify. Cô ấy đã chiến đấu với gã khổng lồ này, yêu cầu Spotify chỉ cung cấp "1989" cho những người nghe trả phí.

"Những thứ có giá trị nên được trả tiền", cô viết trong một bài xã luận cho WSJ. "Theo quan điểm của tôi, âm nhạc không nên miễn phí và dự đoán của tôi là các nghệ sĩ cá nhân và nhãn hiệu của họ một ngày nào đó sẽ quyết định mức giá của một album", cô nhận định.

Để khắc phục mối quan hệ, Giám đốc điều hành Spotify Daniel Ek đã bay tới Nashville nhiều lần để nói chuyện với Swift. Nhưng mãi cho đến ba năm sau, trước khi phát hành album "Reputation", cô mới đồng ý phát hành lại các bài hát trên Spotify. Đến thời điểm đó, "1989" đã bán được 10 triệu bản trên toàn thế giới. Việc tránh phát hành miễn phí đã giúp thúc đẩy doanh số này.

"Tôi không nghĩ Spotify đã làm gì để thuyết phục Taylor. Cô ấy rất độc lập và tự quyết định nhiều việc một mình", Ek bình luận. Nhận ra rằng có một lượng khán giả rất lớn trên Spotify nhưng Swift đã không phát hành album "Reputation" trên các dịch vụ trực tuyến trong 3 tuần đầu ra mắt để tối đa hóa doanh số bán hàng. Album này đã trình làng với vị trí số 1 trên bảng xếp hạng album Billboard 200, bán được nhiều bản hơn 41% so với tổng số của 199 album khác.

Phá vỡ tiền lệ

Vào năm 2018, Swift đã ký một thỏa thuận với Universal cho phép cô sở hữu bất kỳ bản nhạc nào mà cô thu âm. Nhưng sáu album đầu tiên của cô vẫn thuộc nhãn hiệu độc lập là Big Machine. Dù cố gắng nhiều lần nhưng cô vẫn không mua lại được bản quyền của chúng. Vì vậy, cô quyết định phát hành lại phiên bản mới để có bản quyền của chính mình.

Và kết quả là không nghệ sĩ nào từng làm mà thành công bằng cô với cách thức này. Swift bổ sung các bài hát chưa phát hành vào các album và khuyến khích người hâm mộ mua phiên bản mới.

Cô vận động người hâm mộ tham gia, giải thích lý do quyền sở hữu lại quan trọng. Các dịch vụ phát trực tuyến và đài phát thanh cũng ủng hộ và thay thế các phiên bản album cũ do Big Machine giữ bản quyền thành phiên bản mới thuộc bản quyền của Swift. Theo một phân tích của WSJ, các phiên bản mới của các album như "Fearless" và "Red" thậm chí kinh doanh thành công vượt xa phiên bản cũ của chúng với tỷ lệ 3 trên 1.

(theo WSJ)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm