Hai mũi đào từ hướng Bắc và hướng Nam của nhánh trái hầm đã “hợp long” với độ chính xác tuyệt đối, dấu mốc quan trọng của hạng mục đường găng tiến độ, tiến tới đưa toàn dự án hoàn thành trước 30/4/2024.
Tại buổi lễ, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, trước đây, trong quá trình đào hầm mũi thi công hầm từ phía Nam đã gặp đới địa chất yếu, khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Đới địa chất này phần lớn là đá phong hóa mạnh, có thể bẻ vụn bằng tay, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra nguy cơ đất đá đổ sập.
Để khắc phục tình trạng này, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động mời chuyên gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Ban Quản lý Dự án 85 của Bộ và đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật cùng thống nhất biện pháp xử lý như tăng cường kết cấu chống đỡ, thi công vòm ngược và điều chỉnh biện pháp thi công. Để bù đắp tiến độ, Công ty tổ chức thi công 3 ca/ngày, xuyên lễ, Tết. Việc thông hầm Núi Vung có ý nghĩa rất quan trọng để thuận tiện điều phối nhân sự, phương tiện, vận chuyển vật tư, vật liệu đi xuyên qua hầm mà không phải đi vòng bằng đường công vụ.
Theo Công ty cổ phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km được thi công theo phương pháp NATM của Cộng hòa Áo. Công nghệ này giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống. Với việc làm chủ công nghệ NATM cùng với đội ngũ nhân lực của Tập đoàn Đèo Cả có kinh nghiệm và năng lực, nhiều khó khăn trong thi công do địa chất của hầm Núi Vung đã được khắc chế và chinh phục.
Đây là công trình hầm xuyên núi có quy mô lớn và phức tạp nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Đối với công trình hầm, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 sẽ hoàn thiện 1 ống hầm, phục vụ khai thác với 2 làn xe 2 chiều, vận tốc 80 km/h.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn của Tập đoàn Đèo Cả và đơn vị thi công trong thực hiện dự án hầm Núi Vung; qua đó, đã đạt dấu mốc quan trọng trong đường găng tiến độ, đó là thông hầm để tiến tới hoàn thành toàn dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, thời điểm triển khai thi công, dự án tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là gặp địa chất yếu. Thế nhưng với sự phối hợp, hỗ trợ từ các địa phương và với năng lực, kinh nghiệm đã triển khai nhiều công trình hầm như: Đèo Cả; Cù Mông và Hải Vân, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động tổ chức khảo sát địa chất bổ sung để đánh giá lại và phối hợp Ban Quản ý dự án 85, các đơn vị tư vấn thiết kế thống nhất điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, điều chỉnh biện pháp thi công, kết cấu chống đỡ để đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.
Trong quá trình thi công các khối lượng còn lại, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị, Ban Quản ý dự án 85, Công ty cổ phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà thầu thi công không được chủ quan, tiếp tục nỗ lực, tổ chức thi công hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng, đưa dự án vào khai thác sử dụng trước 30//4/2024.
Trước mắt, đến cuối tháng 12/2023, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ thông tuyến khoảng 21 km (từ Km92 - Nút giao Phan Rang đến Km113 - nút giao với Tỉnh lộ 709 thuộc huyện Thuận Nam) để phục vụ cho người dân lưu thông thuận tiện, đây cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng công trình.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). Từ những ngày đầu triển khai dự án, liên danh nhà đầu tư đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả đã rất quyết liệt đàm phán với Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất từng điều khoản hợp đồng, tháo gỡ vướng mắc về phương thức huy động vốn từ các nguồn vốn đa dạng là trái phiếu, cổ phiếu; đặc biệt là thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và việc này khác với phương thức chỉ thu xếp vay vốn từ các ngân hàng như trước đây. Nhờ đó, mặc dù ký hợp đồng BOT cuối cùng nhưng Cam Lâm – Vĩnh Hảo lại là dự án đầu tiên thu xếp đủ các nguồn vốn triển khai thực hiện.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đến nay, đoạn tuyến từ Km92+260 – Km134 do Đèo Cả thực hiện, khối lượng đạt khoảng 65%; đoạn Km54 – Km92+260 do Công ty 194 thực hiện, khối lượng đạt khoảng 55%. Dự kiến đến 30/42024 sẽ hoàn thành toàn tuyến.