Ngày 21/9, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) đã khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cạo tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh, dự kiến cụm trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2023.
Cụ thể, dự án 3 cụm trang trại heo Hải Đăng được xây dựng với tổng diện tích hơn 66 ha, quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt, khi đi vào vận hành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 280.000 heo/năm, đóng góp khoảng 1.080 tỷ doanh thu/năm.
Còn dự án trang trại heo Tân Châu được xây dựng với diện tích 12 ha, quy mô chăn nuôi 18.000 heo thịt, công suất đạt gần 45.000 con/năm, đóng góp doanh thu khoảng 260 tỷ đồng/năm.
4 dự án này nằm trong chiến lược xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 nái vào năm 2030.
Với định hướng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín, BaF cũng đang bán lẻ thịt thương hiệu thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và Meat shop. Hệ thống này hiện có gần 60 cửa hàng và 250 Meat Shop, dự kiến mở rộng lên 100 cửa hàng và 1.000 Meat Shop trong năm 2023.
Tầm nhìn đến 2030, Siba Food đang hướng tới trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.500 cửa hàng Siba Food và 15.000 Meat Shop.
Đầu tháng 9 vừa qua, BaF cho ra mắt them sản phẩm chế biến bao gồm xúc xích BaF, giò lụa, giò sống được làm từ 100% thịt sạch BaF.
Đại diện BaF cho biết 6 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào từ diễn biến xung đột Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh chăn nuôi của BaF vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ cơ cấu đàn ổn định, các trại mới được đưa vào vận hành.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên được kiểm toán, trong kỳ công ty BaF cung cấp cho thị trường hơn 140.000 heo giống và thịt, mang lại doanh thu 620 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ 2021.
Năm 2023, BaF đặt kế hoạch xây dựng tổng sản lượng heo nái đạt 65.000 con, sản lượng heo thịt thương phẩm bán ra thông qua các kênh đạt khoảng 1,56 triệu đầu heo/năm.
CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) dự báo mô hình 3F (Feed - Farm – Food) sẽ góp phần cải thiện doanh thu và lợi nhuận của BaF bởi doanh nghiệp này vừa tăng năng suất của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Tây Ninh và mở rộng mảng chăn nuôi heo với dòng tiền ổn định từ các giao dịch trái phiếu sắp tới.
Ngoài ra với mô hình này, BaF có thể hưởng lợi từ nhu cầu heo hơi và giá thịt heo phục hồi trong năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các hoạt động du lịch, trường học và nhà máy mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 sẽ giúp tăng lượng tiêu thụ thịt heo.
VCSC cho rằng giá thịt heo sẽ tăng hoặc duy trì quanh mức giá hiện tại trong ngắn hạn do dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn hoặc do nhu cầu tăng, nguồn cung giảm. Do đó, các công ty chăn nuôi lớn có khả năng thích ứng trong môi trường giá thức ăn chăn nuôi tăng cao sẽ hưởng lợi.
Ngoài ra, VCSC nhận định những đợt phát hành trái phiếu trong năm 2022 sẽ mang lại nguồn tiền mặt lớn cho BAF để đầu tư vào xây dựng nông trại chăn nuôi heo. BAF đang lên kế hoạch cho hai đợt phát hành trái phiếu cho International Finance Corp (IFC) và hai đợt phát hành trái phiếu khác cho các nhà đầu tư đại chúng trong năm 2022.
Tổng giá trị phát hành khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng và số vốn huy động sẽ chủ yếu tài trợ cho việc mở rộng nông trại chăn nuôi heo, theo BAF.
Tính đến cuối tháng 8, BAF đã thực hiện 1 đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi cho IFC (trị giá 600 tỷ đồng) và một đợt phát hành cho các nhà đầu tư đại chúng (trị giá 300 tỷ đồng) trong khi hai đợt phát hành còn lại vẫn đang chờ thực hiện.
Tính đến hiện tại, BAF đã công bố kế hoạch chi tiết đối với số vốn huy động từ đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi cho IFC (xây dựng 6 nông trại chăn nuôi heo mới, nâng tổng công suất chăn nuôi của BAF lên gần gấp đôi).
Ban lãnh đạo cho biết mục đích sử dụng chính của nguồn vốn huy động từ tất cả các đợt phát hành trái phiếu là dùng cho việc xây dựng các nông trại nuôi heo mới.
Do đó, VCSC dự báo phần lớn của khoản huy động 900 tỷ đồng từ các đợt phát hành trái phiếu còn lại cũng sẽ được sử dụng để xây dựng nông trại.
Dù đứng trước nhiều cơ hội, BaF vẫn phải đối mặt với rủi ro khi giá thức ăn chăn nuôi đầu vào (ngô) tăng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các công ty chăn nuôi và đòn bẩy tài chính tăng từ việc phát hành trái phiếu.