Trong ngành nước, thông thường chia doanh nghiệp thành 2 nhóm. Một là các công ty phân phối nước (thường là các doanh nghiệp có mạng lưới phân phối nước sạch trực thuộc quản lý của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố), hai là các công ty có nhà máy nước hay chính là các công ty sản xuất nước sạch.
Nguồn: Báo cáo SSI
Ngành nước có đặc thù về tính phân mảnh, không liên thông, tức là nhà máy và thị trường cung cấp chỉ ở một phạm vị địa lý nhất định, dẫn đến thực tế ở mỗi địa phương lại có nhà cung cấp khác nhau. Có thể là nhà nước hoặc tư nhân.
Trong ngành nước, vốn không nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Một số cái tên tiêu biểu có thể kể tới trong ngành nước đầu tư hàng loạt nhà máy lớn từ Bắc vào Nam như Aqua One Group, REE Corp, DNP Holding....
Trong đó, REE và DNP đã niêm yết trên sàn chứng khoán nên những thông tin về kết quả kinh doanh được công khai và dễ tiếp cận hơn.
"Đại gia" ngành nước - REE
REE đích thực là một "đại gia" trong ngành khi nắm trong tay cổ phần rất nhiều công ty nước sạch như CTCP đầu tư nước sạch Sông Đà, CTCP cấp nước Nhà Bè, CTCP cấp nước Thủ Đức,...
REE tham gia ngành Nước từ năm 2004 khi nhận thấy tiềm năng lớn từ quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh tại TP.HCM vào đầu thập niên 20 của thế kỷ 21 với khoản đầu tư đầu tiên vào Nhà máy Nước B.O.O Thủ Đức - nhà máy xử lý nước với công suất thiết kế là 300.000 m3 /ngày.
Hiện nay, mảng Nước của Tập đoàn hiện đang được tiếp tục phát triển và quản lý bởi Công ty TNHH Nước sạch REE (REE Water) – một công ty con sở hữu 100% bởi REE.
Nguồn: BC thường niên 2021 REE
Từ 2004 - 2021, REE đã đẩy mạnh đầu tư vào mảng Nước với danh mục bao gồm 4 nhà máy sản xuất nước, 3 công ty phân phối nước, 1 công ty nước chuỗi và 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ và thi công cải tạo các dự án nhà máy nước (Công ty TNHH TK Cộng).
Nguồn: BC thường niên 2021 REE
Số liệu trên BCTC hợp nhất các năm của REE cho thấy hiệu quả của mảng kinh doanh nước sạch.
Cụ thể, cùng với điện, mảng nước sạch mang lại cho REE lợi nhuận lớn trong các năm. Lợi nhuận gộp từ mảng điện, nước những năm trước chỉ đóng góp khoảng 20% đến 27% vào tổng lợi nhuận gộp hợp nhất của công ty. Trong năm 2021 con số này đã tăng lên 58% và thậm chí đến 80% 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng hợp từ BCTC hợp nhất của REE
Biên lợi nhuận gộp mảng hạ tầng điện nước của REE cũng rất khả quan khi liên tục cao trên 30%, thậm chí năm 2021 đạt gần 44% và nửa đầu năm 2022 lên tới 61%.
Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP)
Một đại diện sáng giá đáng được nhắc tên trong ngành nước là Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP).
Theo thông tin trên báo cáo thường niên 2021 của Nhựa Đồng Nai, họ giới thiệu DNP là nhà đầu tư tư nhân ngành nước số 1 Việt Nam. Hiện tại DNP đang cung cấp nước tại 11 tỉnh thành, thoát nước và vệ sinh môi trường tại 5 tỉnh thành.
Năm 2017, DNP Water là công ty con do DNP nắm 70% cổ phần ra đời, chuyên đầu tư, kinh doanh trong mảng nước sạch.
DNP Water hiện sở hữu trực tiếp và gián tiếp 13 công ty trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh nước sạch với tổng công suất trên 1 triệu m3/ngày đêm như Nhà máy nước sạch Bắc Giang, Nhà máy nước sạch Nhị Thành (Long An), CTCP sản xuất kinh doanh Nước sạch 3 Hà Nội, CTCP cấp thoát nước Bình Thuận, CTCP cấp thoát nước Tây Ninh,....
Doanh thu nước sạch năm 2021 của DNP Water là 1.012 tỷ đồng. Chỉ sau 5 năm, doanh thu mảng nước sạch và vệ sinh môi trường đã tăng trưởng gấp 10 lần so với năm 2017.
Báo cáo thường niên DNP
Bức tranh không chỉ có những gam hồng lợi nhuận
Mặc dù cả REE và DNP đều có được biên lợi nhuận tốt từ việc kinh doanh nước sạch và thể hiện tham vọng tiếp tục mở rộng trong ngành nước nhưng như những doanh nghiệp khác trong ngành, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Như đã trình bày ở phần đầu, doanh nghiệp ngành nước chia thành 2 nhóm : Nhóm 1 cung ứng và Nhóm 2 sản xuất (nhà máy sản xuất nước sạch).
Nếu hiệu quả hoạt động của các công ty nhóm 1 phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân cư tại khu vực phân phối thì hiệu quả hoạt động của nhóm 2 lại phụ thuộc vào chất lượng nước mặt khai thác.
Tất nhiên không loại trừ những yếu tố như giá bán, tác động của dịch bệnh,... nhưng 2 nhân tố trên đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chất lượng mặt nước khai thác được DNP Water đánh giá là rủi ro lớn nhất trong ngành nước, vì dưới tác động của ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu, các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất đang bị sức ép suy giảm lớn cả về chất lượng và khối lượng.
Nước ô nhiễm đẩy chi phí xử lý thành "nước sạch", đội giá thành sản xuất lên cao.
Theo Trung tâm Nghiên Cứu Môi trường Cộng đồng, khoảng 70% nước thải từ các khu công nghiệp không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Đặc biệt là các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp và làng nghề, nhiều nơi ô nhiễm tới mức nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Đồng Nai… trong bối cảnh tỷ lệ nước thải được xử lý còn khá thấp.
Theo UNICEF, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang đứng ở top 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan.
Tác động của biến đổi khí hậu đang gây nên hạn hán, lũ lụt, bão, nước biển dâng đều tác động đến tài nguyên nước. Nước biển dâng, xâm nhập mặn làm cho nguồn cung cấp nước bị nhiễm mặn như tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
Tác động do bão, lũ nên các vùng trũng thấp bị ngập lụt gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Hạn mặn dẫn đến cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm nước sông, suối, kênh, rạch như ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước đầu năm 2020 đã chỉ ra chất lượng nước mặt ở thượng nguồn các lưu vực sông của Việt Nam còn tương đối tốt. Tuy vậy, ô nhiễm và suy thoái chất lượng nước tiếp tục xảy ra ở nhiều đoạn, tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu.
Chất lượng nước thô xấu làm tăng chi phí xử lý nước và đòi hỏi công nghệ xử lý hiện đại hơn. Suất đầu tư nhà máy, công trình cấp nước có thể cao hơn tại các vùng cấp nước an toàn do yêu cầu kéo ống dài hơn, đầu tư thêm về giải pháp...
DNP nhận định, khi giá trị đầu tư cho các công trình cấp nước còn cao và mất thời gian dài để hoàn vốn, trong khi giá nước được quyết định bởi chính quyền địa phương, rủi ro trữ lượng và chất lượng nguồn nước suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả và hoạt động liên tục của các nhà máy nước.
Về tỷ lệ thất thoát nước, tỷ lệ thất thoát nước ở Việt Nam được đánh giá vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 21% - 22% so với mức bình quân của các nước phát triển (15%), một phần do hệ thống phân phối nước sạch khá cũ kỹ.
Tuy nhiên, với cả REE và DNP, điểm chung là có tỷ lệ tỷ lệ thất thoát nước trung bình thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thất thoát trung bình của ngành nước tại Việt Nam. Với DNP tỷ lệ này trong năm 2021 là 11,2%, còn REE dao động không vượt quá 17%.