Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital, BTV Hoàng Nam cho biết Nghị định 65 khi được đưa ra mục tiêu để sửa đổi nghị định 153, cũng có những rủi ro vì chính những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Thế nhưng thời gian qua đã chứng kiến hiện tượng chính những tổ chức phân phối móc ngoặc với nhà đầu tư để mua những chứng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp với mục đích mua được trái phiếu phát hành riêng lẻ, hưởng lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp.
Việc này xảy ra rất nhiều và tiềm tàng rủi ro rất lớn, bởi bản thân những nhà đầu tư đó không hiểu bản chất sản phẩm đầu tư họ mua đem đến rủi ro thế nào.
Vậy nên nghị định 65 đã siết chặt lại một số điều kiện để tránh việc mua bán chứng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo dự báo của nhiều tổ chức, sắp tới việc làm giả hay mua những chứng nhận đó sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn, kỳ vọng giảm bớt được câu chuyện nhà đầu tư cá nhân bình thường lại đi mua trái phiếu, với suy nghĩ đang gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao.
Khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính doanh nghiệp đó.
Theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, việc sửa đổi nghị định 153, những phiên bản đầu tiên tương đối chặt chẽ và nhiều người dự đoán chúng sẽ làm hỏng hết thị trường trái phiếu doanh nghiệp và làm khó cho các tổ chức.
Nhưng các phiên bản sau đến khi ban hành Nghị định 65, các nội dung đã đỡ chặt chẽ hơn ban đầu và nói chung theo quan điểm của ông Hưng, nếu như mình là một nhà phát hành làm việc nghiêm túc với thị trường, làm ăn chân chính và có nhu cầu phát hành thật thì việc sửa đổi Nghị định 153 hay không chúng ta đều có khả năng tuân thủ khá dễ dàng. Kể cả chúng ta có thể chỉ ra 9 điểm mới hay 30 điểm mới gì đó của Nghị định 65, nếu mình làm việc nghiêm túc, kể cả làm theo Nghị định 153 cũng khá đầy đủ rồi.
Về vấn đề nghị định mới này có làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hay không, chuyên gia cho rằng thời điểm này cũng tương đối khó để đánh giá. Như đã đề cập trước đó, quá trình phát hành nếu mình làm việc nghiêm túc, hoàn toàn có khả năng tuân thủ và phát hành được. Nhưng vấn đề bây giờ không phải ở phía nguồn cung mà ở phía cầu.
Sau những diễn biến từ đầu năm đến nay, nhu cầu của người dân và những nhà đầu tư cá nhân đã tương đối khó khăn và xu hướng lãi suất hiện nay đang tăng. Do đó nếu chúng ta phát hành ở thời điểm này với một tâm lý thị trường đang ảm đạm như hiện tại và với một mức lãi suất cao, lấy ví dụ khoảng trên 10%, như vậy là khá rủi ro cho nhà phát hành.
Trong ngắn hạn, nó chỉ giải quyết được những vấn đề như đảo nợ thôi nhưng trong dài hạn chúng ta phải trả lãi suất cao như thế, trong bối cảnh kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại và diễn biến thị trường đang xấu như vậy, đó là vấn đề rất lớn đối với doanh nghiệp bất động sản. Do đó họ cần phải tiếp tục theo dõi thêm việc phát hành có thể diễn ra được mạnh mẽ trong thời gian tới hay không.
Bình luận về Nghị định 65 tác động tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo mới đây của FiinRatings nhận định Nghị định 65 sẽ phần nào giúp giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường trong thời gian tới. Mặc dù vậy, thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn.
Các chuyên gia dự báo quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.