Trước diễn biến giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới sau quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của Fed, thị trường Việt Nam khởi đầu ngày mới trong sắc đỏ, với động thái thăm dò cung cầu tại mức giá thấp nhất trong 2 phiên gần đây. Dù vậy, áp lực bán hạ nhiệt khi chỉ số lùi về dưới 1.200 điểm, từ đó tạo điều kiện cho VN-Index lật ngược tình thế mạnh mẽ ngay khi bước vào buổi chiều.
Kết phiên, VN-Index tăng 4,15 điểm, tương đương 0,34% và đóng của tại 1.214,7 điểm. Thanh khoản đã tăng so với phiên trước với 436 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.
Nhóm VN30 cũng thoát khỏi trạng thái giảm điểm và đóng cửa trên tham chiếu với mức tăng nhẹ 0,74 điểm, tương đương 0,06%. Theo đó, số lượng cố phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 17 cổ phiếu xanh, giúp chỉ số lội dòng như SSI (+2,7%), VIB (+2,3%), GAS (+1,8%), GVR (+1,5%), POW (+1,5%)… Ngược lại, 7 cố phiếu vẫn giao dịch kém sắc là MSN (-1,8%), VCB (-1,1%), VHM (-1%), PLX (-0,9%), VPB (-0,7%), CTG (-0,6%) và SAB (-0,5%).
Diễn biến các nhóm ngành mặc dù còn khá phân hóa, tuy nhiên, sắc xanh cũng dần lan tỏa rộng hơn trong nửa cuối phiên chiều. Đáng chú ý là dấu hiệu tích cực từ nhóm chứng khoán và ngân hàng. Nhóm đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng duy trì giao dịch tốt và liên tục nới rộng mức tăng giá cho đến hết phiên giao dịch.
Tự doanh và tổ chức trong nước chỉ còn bán ròng nhẹ phiên VN-Index bất ngờ đảo chiều
Trong phiên giao dịch vừa qua, khối tự doanh công ty chứng khoán duy trì bán ròng phiên thứ 2 liên tục với giá trị 32,1 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 122,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tự doanh mua ròng 6/18 ngành, bao gồm hai nhóm mua ròng mạnh nhất là thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm FUEVFVND, VCB, MSN, VHM, DXG, NVL, ACB, HPG, VRE, FPT.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu nhóm dầu khí. Top10 mã bị bán ròng gồm VCI, KBC, PLX, MWG, VPB, POW, VND, STB, SSI, IJC.
Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 37,3 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 51 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 6/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm ngân hàng. Top bán ròng có TCB, MBB, VHM, VND, VPB, NLG, GVR, CTG, VIC, HDG.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ. Top mua ròng có MWG, POW, DRC, HPG, REE, FRT, SSI, PNJ, FPT, CII.
Cá nhân trong nước duy trì mua ròng gần 545 tỷ đồng phiên đảo ngược tình thế
Trong phiên VN-Index đảo ngược tình thế vào những phút cuối, NĐT cá nhân tiếp đà mua ròng 544 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng khớp lệnh là 566,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 8/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã: NLG, KDH, VHM, VND, KBC, VCI, CTG, PLX, VPB, TCB.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 10/18 ngành chủ yếu là nhóm tài nguyên cơ bản, bán lẻ. Top bán ròng có: HPG, FRT, DXG, FPT, HCM, GMD, BVH, VNM, ACB.
NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng, tâm điểm nhóm BĐS
Về phía NĐT nước ngoài, họ đẩy mạnh bán ròng 474 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 393,1 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm tài nguyên cơ bản, hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã: HPG, FRT, VIC, HCM, GMD, VCI, GAS, DXG, DBC, LCG.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: NLG, KDH, VHM, VCB, NVL, CII, HDG, OCB, FUEVFVND.