Bất động sản

Ba vấn đề cải cách đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai

 (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trong phiên thảo luận Chuyên đề 1 tại Diễn đàn Kinh tế 2022 sáng ngày 18/9, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đánh giá những nội dung sửa đổi của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ mang lại những tác động tích cực đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống của người dân.

Trong đó, có ba vấn đề cải cách đột phá luật sẽ mang lại tác động tích cực: Công tác quy hoạch được đổi mới cả về nội dung và hình thức; công tác định giá đất hay mở rộng hơn nữa là công tác kinh tế và tài chính đất đai; và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu.

Liên quan đến hệ thống tài chính đất đai, có hai nội dung được đưa ra thảo luận tại phiên họp chuyên đề 1: Giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với giá thị trườngcải cách hệ thống thuế sử dụng đất phù hợp với mức thu nhập của người lao động, người dân, đồng thời sử dụng công cụ thuế, để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ đất đai, có đất nhưng không đưa đất vào sử dụng để đất hoang hóa.

“Đất đai là tiền đề, là yếu tố cấu thành của bất động sản. Do đó, các yếu tố kinh tế và pháp lý đất đai luôn là cơ sở, nền tảng, có vai trò quyết định đối với các hoạt động phát triển tác động trực tiếp, tạo ra những biến động của thị trường bất động sản.

Việc thay đổi cơ chế quản lý đất đai từ sử dụng các mệnh lệnh hành chính áp đặt sang cơ chế thị trường không chỉ chống thất thu, hạn chế tiêu cực, tham nhũng mà còn cho phép lựa chọn được nhà đầu tư bất động sản có năng lực sử dụng đất đai tốt nhất”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh chụp màn hình).

Trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết 11 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương đều là các vấn đề cốt lõi. Trong đó, có ba nhóm vấn đề ưu tiên và quy hoạch là một trong những công cụ quan trọng nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức, xác định lại vị thế của công tác này để quy hoạch mang được quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức đặc biệt, quý giá và quan trọng này.

Đồng thời, công tác quy hoạch đổi mới giải quyết được công bằng, bình đẳng cho các bên. Nói đúng ra là đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các thế hệ, giải quyết nhu cầu sử dụng đất, giải quyết các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Công cụ này cũng thể hiện được tính dân chủ khi các cơ quan, tổ chức Nhà nước và người dân đều có thể tham gia.”

Nội dung thứ hai là định giá đất đai, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn nhận thức khác nhau và khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết - thực tiễn. Nếu việc định giá đất đai được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường – xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước – người dân có đất bị thu hồi và doanh nghiệp, qua đó giải quyết được hàng loạt các bất cập hiện nay như đầu cơ, thổi giá, sử dụng đất đai không hiệu quả, hay trường hợp có quá nhiều đất nhưng không sử dụng,…

Vấn đề cuối cùng là Nhà nước có thể giám sát nguồn lực thông qua dữ liệu đất đai. “Chúng ta quản lý nguồn lực lớn như vậy nhưng chúng ta có nắm được số lượng, chất lượng về mặt kinh tế hay không? Chúng ta thiếu thông tin, thiếu đánh giá, thiếu giám sát.

Bởi vậy, vấn đề thông tin dữ liệu đất đai, thông qua chuyển đổi số lĩnh vực này càng sớm càng tốt. Người dân có thể tiếp cận được thông tin đất đai một cách công bằng, công khai và bình đẳng.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm