TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia) đề nghị ngoài đáp ứng nhu cầu về vốn cần hỗ trợ thêm chính sách đảm bảo nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp - Ảnh: L.HIỂN
Phát biểu tại hội thảo thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, trong khuôn khổ diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2020 tổ chức chiều 18-9, tiến sĩ Trần Du Lịch ví von các quyết sách của Quốc hội triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội như là xe cấp cứu: thay vì có đèn để được chạy ưu tiên, tài xế cho rằng phải đảm bảo an toàn nên cứ chạy từ từ, giữ an toàn là chính. Do đó quyết sách vào thực tế là chậm.
Có cùng nhận định này, PGS - TS Nguyễn Trúc Lê - hiệu trưởng trường đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội - cho rằng triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh chưa được như kỳ vọng.
Tính đến tháng 9, tổng số tiền hỗ trợ mới đạt 55.500 tỉ đồng/350.000 tỉ đồng, như vậy mới đạt 16%. Doanh nghiệp khó khăn tiếp cận chính sách, điển hình là hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỉ đồng từ ngân sách trong 2 năm 2022-2023. Số tiền hỗ trợ lãi suất mới chỉ đạt 13,5 tỉ đồng.
Doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ này vì phải đáp ứng nhiều điều kiện và thủ tục, thêm nữa cũng e ngại sẽ bị thanh tra, kiểm tra sau này.
Hay Nghị định 15 về giảm 2% thuế giá trị gia tăng nhưng doanh nghiệp phải lập hai hóa đơn và tách riêng hóa đơn cho mặt hàng có thuế suất 8% thì mới được giảm thuế. Bất cập này sau 8 tháng mới được tháo gỡ.
Dù các chính sách hỗ trợ cũng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng đối tượng đang gặp khó khăn nhất trên thị trường, theo ông Lịch là các hộ kinh doanh. TP.HCM có 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại - dịch vụ bị tổn thương rất lớn. Việc tiếp cận vay vốn không được nên phục hồi rất chậm. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần rà lại hệ thống chính sách để có tháo gỡ kịp thời.
Ưu tiên lớn nhất cần tháo gỡ để thúc đẩy và phục hồi phát triển cho nền kinh tế, theo ông Lịch là vấn đề vốn. Từ nay đến cuối năm, tín dụng tăng khoảng 4%. Khoản tín dụng này không nhiều nên phải được bơm vào những nơi cần vốn như lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực có tính lan tỏa nhanh.
Mặt khác phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là giải pháp cung ứng vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng ngân hàng thương mại.
"Một thời gian rất dài, thị trường tài chính Việt Nam chỉ dựa vào ngân hàng thương mại. Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán có góp phần cung ứng vốn cho doanh nghiệp. Nhưng gần đây có sự cố, nên sự cố phải được sớm giải quyết" - ông Lịch khuyến nghị.
Ngoài tiếp cận vốn, ông Lịch nhận định doanh nghiệp mong mỏi bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động. Như ở TP.HCM, chỉ có 8% lao động trong khu công nghiệp có nhà ở, phần còn lại rất bấp bênh, bất an.
Các chính sách an sinh xã hội cho người lao động phải được bổ sung thêm để xây dựng cho người lao động ở khu công nghiệp có nhà ổn định. Đây là giải pháp căn cơ bền vững, chứ không chỉ phải hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian ngắn.