Là doanh nghiệp niêm yết, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo không tự đầu tư, nhưng lại ủy thác cho một cá nhân là chủ tịch hội đồng quản trị công ty để cầm tiền đi đầu tư. Trong ảnh là khu công nghiệp Tân Tạo ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) vừa công bố nhiều tài liệu quan trọng tiết lộ thông tin liên quan các giao dịch chuyển tiền với bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch hội đồng quản trị.
Báo cáo tài chính kiểm toán soát xét bán niên 2022 thể hiện nhiều ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán mới là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS).
Đơn vị kiểm toán cho rằng việc Tân Tạo hạch toán khoản ủy thác đầu tư số tiền 314 tỉ đồng cho cá nhân bà Đặng Thị Hoàng Yến, được ghi nhận vào khoản mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, là chưa phù hợp với quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, do chưa có đầy đủ bằng chứng, chưa được bên nhận vốn đầu tư xác nhận.
Đơn vị kiểm toán cho biết khoản chi uỷ thác đầu tư cho bà Yến phát sinh trong nửa đầu năm 2022 được chi bằng tiền mặt với số tiền hơn 233 tỉ đồng, dẫn đến "không đủ cơ sở căn cứ kiểm chứng đối với các nghiệp vụ này".
Một điểm đáng chú ý nữa là dữ liệu liên quan đến khoản tiền Tân Tạo giao dịch với bà Đặng Thị Hoàng Yến liên tục bị sửa đổi qua 3 lần báo cáo tài chính.
Mặc dù trong báo cáo tài chính bán niên 2022 tự lập công bố lần đầu, Tân Tạo ghi chi tạm ứng cho bà Yến 1.900 tỉ đồng, sau khi dư luận xôn xao lại sửa thành khoản phải thu với bà Yến là 633 tỉ đồng, đến khi có đơn vị kiểm toán xuất hiện thì báo cáo tài chính lại không còn bất kỳ khoản phải thu nào với bà Yến.
Dù vậy theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2022, Tân Tạo giao dịch xấp xỉ 320 tỉ đồng với bà Yến, trong đó có hơn 223 tỉ đồng ủy thác đầu tư.
Theo tìm hiểu, vào đầu tháng 6 năm nay, bà Yến đã thay mặt hội đồng quản trị ban hành quyết định thông qua nội dung điều chuyển tiền giữa công ty với các bên liên quan trong năm 2022. Hạn mức chuyển tiền với mỗi giao dịch không vượt quá 200 tỉ đồng. Hình thức chuyển tiền thông qua việc ký kết hợp đồng vay tiền, hợp đồng mượn tiền.
Báo cáo quản trị năm 2021 cũng cho thấy Tân Tạo giao dịch với bà Yến hơn 268 tỉ đồng qua các hình thức chi tạm ứng và nhận tạm ứng. Trước đó, tờ trình ngày 11-1-2021 của ban tổng giám đốc đã được thông qua về việc thực hiện các giao dịch giữa công ty với các công ty con, các công ty liên kết và các bên liên quan trong năm 2021 và 2022, với hạn mức chuyển tiền không quá 180 tỉ đồng/giao dịch.
Mặc dù bà Đặng Thị Hoàng Yến sống ở Mỹ, Tân Tạo lại nói có ủy thác đầu tư 233 tỉ đồng bằng tiền mặt - Ảnh: B.MAI
Theo dõi thông tin, TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) - nhận định các ý kiến loại trừ của đơn vị kiểm toán cho thấy việc hạch toán của Tân Tạo là sai so với quy định hiện hành, không có cơ sở để xác định đã chi cho bà Yến 233 tỉ đồng tiền mặt hay không.
Thông thường các giao dịch trên 20 triệu đồng phải chuyển khoản qua ngân hàng, chứ không phải chi bằng tiền mặt. Chưa kể, bà Đặng Thị Hoàng Yến đang sống tại Mỹ, việc chuyển số lượng lớn tiền mặt cũng không đơn giản.
"Một vấn đề nữa là tại sao một doanh nghiệp niêm yết không tự đầu tư, mà lại ủy thác cho một cá nhân đi đầu tư, rất ngược đời. Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, cũng như giám sát hiệu quả của việc đầu tư của cá nhân đó?", ông Huân đặt vấn đề.
Cá nhân nhận ủy thác đầu tư lại là người người quan trọng và có quyền quyết định lớn của doanh nghiệp, nên ông Huân cho rằng "có dấu hiệu bất thường".
Về dữ liệu trong báo cáo tài chính của Tân Tạo thay đổi tới 3 lần, ông Huân cho rằng có sự chuyển vốn lòng vòng thiếu minh bạch giữa Tân Tạo và bà Đặng Thị Hoàng Yến, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xác định liệu có hay không việc doanh nghiệp bị "rút ruột".
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cùng quan điểm cần thanh tra các giao dịch giữa Tân Tạo và bà Yến.