Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 16-9, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.234,03 điểm, giảm 11.63 điểm so với phiên trước; HNX ở mức 272,88 điểm, giảm 6,81 điểm. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất trong tuần.
Thanh khoản thị trường cải thiện so với những phiên trước, trong đó sàn HoSE đạt hơn 15.510 tỉ đồng, HNX đạt 1.623 tỉ đồng…
Diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần gây bất ngờ cho các nhà đầu tư, khi chỉ số VN-Index giảm mạnh vào cuối phiên, thay vì phục hồi như kỳ vọng.
Không lao dốc liên tục như các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu... nhưng thị trường Việt Nam cũng ghi nhận một tuần giao dịch hết sức ảm đạm. Các chỉ số và cổ phiếu trên sàn biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng bất chấp việc HoSE cho phép giao dịch lô lẻ. Đến phiên cuối tuần, thị trường đột ngột giảm mạnh vào cuối phiên khiến tâm lý các nhà đầu tư bị đè nặng trong những ngày nghỉ.
Tính trong 5 ngày giao dịch tuần qua, VN-Index giảm 1,18%, tương đương mất 14,75 điểm; HNX-Index giảm 4,13%, mất 11,75 điểm.
Đến thời điểm này, hầu hết các nhà đầu tư vẫn đang "gồng lỗ" sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường từ vùng 1.500 điểm vào đầu tháng 4 đến tháng 6. Dù vậy, thị trường chứng khoán ở thời điểm này vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn so với những kênh đầu tư khác.
Thị trường chứng khoán lại "đỏ lửa" trong phiên giao dịch cuối tuần, nhiều cổ phiếu giảm giá sâu
Tại hội thảo "Chuyển mình cùng thị trường" do Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) phối hợp với FiinGroup vừa tổ chức, các chuyên gia phân tích đã lý giải vì sao chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tích cực so với vàng, USD.
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu Dịch vụ thông tin tài chính Fiin Group, cho rằng với những nhà đầu tư trẻ, năng động ở thời điểm hiện tại, việc mua và nắm giữ vàng trong thời gian dài không phải là sự lựa chọn. Tỉ giá USD/VNĐ cũng không thật sự hấp dẫn khi đã ở vùng giá cao và tăng nhiều so với năm trước. Riêng bất động sản, với chủ trương nắn dòng tiền tập trung vào các kênh sản xuất - kinh doanh và nhà nước tiếp tục kiểm soát những lĩnh vực đầu tư rủi ro thì bất động sản cũng không thật sự khả quan.
"Nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác, thời điểm này có thể nói chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, triển vọng. Dù nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến nay nhưng tín hiệu tích cực là lượng tiền lớn vẫn nằm trên tài khoản" - bà Hồng Vân phân tích.
Theo dữ liệu của một số công ty chứng khoán, tính đến cuối quý II/2022, lượng tiền lớn khoảng 70.000 tỉ đồng vẫn nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư chứng khoán. Nếu so với thanh khoản thị trường thời gian gần đây, mỗi ngày giao dịch khoảng 10.000 tỉ đồng, thì lượng tiền vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư và chưa giải ngân là số tiền rất lớn.
Theo khảo sát của ACBS, lượng tiền lớn trong tài khoản nhà đầu tư đang tìm kiếm, chờ đợi cơ hội để quay trở lại thị trường. Cơ hội lúc này sẽ hướng vào những cổ phiếu, ngành có câu chuyện tăng trưởng ở phía trước; cổ phiếu, ngành chưa được thị trường chú ý thời gian qua và mức giá chưa tăng tương xứng… Chẳng hạn, điện, dược phẩm, bán lẻ… là những ngành được đánh giá sẽ có lợi nhuận dự kiến tăng tốc hoặc phục hồi đáng chú ý từ nay đến cuối năm.