Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán của OCB, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Với kết quả trên, OCB đã đánh dấu chuỗi tăng lợi nhuận năm thứ 6 liên tiếp (2016 – 2021) với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt gần 66% - cao hàng đầu ngành ngân hàng Việt Nam.
Cùng kết quả lợi nhuận ấn tượng, chất lượng tài sản ngân hàng được cải thiện đáng kể với tỷ lệ nợ giảm về mức 0,97% từ mức 1,42% năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 62,1% năm 2020 lên mức 82,7% năm 2021 và tỷ lệ an toàn vốn kết thúc năm thuộc top đầu ngành.
Một trong những nhân tố chính giúp OCB duy trì phong độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua đến từ chiến lược số hóa. "Với OCB, số hóa là cách để tăng tốc và phát triển, vì xét về quy mô, ngân hàng còn khá khiêm tốn. Với công nghệ số, việc tiếp cận khách hàng mới hoặc phục vụ khách hàng hiện hữu qua các kênh vật lý không còn là rào cản, vì thế OCB có thể tận dụng những lợi thế từ công nghệ số để tiếp cận nguồn khách hàng lớn", lãnh đạo OCB chia sẻ.
Đi sâu vào kết quả kinh doanh OCB, hiệu quả mà lợi thế của một ngân hàng số mang lại được thể hiện một cách rõ nét. Trong khi doanh thu năm 2021 tăng tới 11,3% thì chi phí hoạt động chỉ tăng 3,1%, qua đó kéo tỷ lệ CIR giảm từ mức 29,1% của năm 2020 xuống chỉ còn 26,9% - thấp thứ 3 toàn ngành ngân hàng.
Trong năm 2021, OCB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và chuyển đổi số với việc nâng cấp và mở rộng hệ thống OCB OMNI, cung cấp đến khách hàng hàng loạt các tiện ích, công nghệ hiện đại như xác thực khách hàng qua hệ thống nhận diện số eKYC, xác thực thanh toán bằng khuôn mặt FaceOTP, kết nối và tích hợp với hệ thống Vietlott và VietQR.
OCB cũng tập trung đẩy mạnh số hóa các hoạt động nội bộ, trong năm 2021 hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động.
Nhờ tiên phong chuyển đổi số và tiên phong áp dụng mô hình ngân hàng hợp kênh OMNI, trong năm 2021, OCB đã thu hút được 600 nghìn khách hàng mới và hoạt động ngân hàng số đã trở thành kênh chính thu hút khách hàng mới cho OCB, đóng góp 58% số lượng khách hàng mới trong năm. Số lượng giao dịch qua kênh số tiếp tục tăng gấp đôi so với 2020, chiếm 85% số lượng giao dịch toàn hàng trong năm.
Với kết quả này OCB đã được International Finance trao giải thưởng ứng dụng ngân hàng số tốt nhất Việt Nam năm 2021 "Best Digital Banking App in Vietnam - 2021".
Năm 2022, OCB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% - 30%, ROE trên 20%; đồng thời duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông. Để đạt được mục tiêu, ngân hàng xác định chuyển đổi số toàn diện là một trong những phương hướng hoạt động hàng đầu.
‘’Chúng tôi đã xác định số hóa là con đường để phát triển và không còn lựa chọn nào khác, nên chắc chắn cho dù có thách thức, chúng tôi vẫn kiên trì đi tới’’, Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Không chỉ ban lãnh đạo kỳ vọng lớn, giới phân tích cũng đánh giá rất cao chiến lược chuyển đổi số của OCB khi ngân hàng này đã đầu tư lớn vào hệ thống công nghệ lõi từ rất sớm và đã triển khai thành công hệ thống Open API từ cuối 2019
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Open API giúp OCB làm chủ dữ liệu và xây dựng các sản phẩm kết nối với các đối tác tương đối dễ dàng. Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh ra mắt các sản phẩm mới đi kèm với chiến lược marketing mạnh mẽ hơn trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.
VCBS cho rằng OCB đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái các tiện ích xoay quanh ứng dụng OCB OMNI channel với triển vọng gia tăng lượng khách hàng trong tương lai. Nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tài sản tích cực và cải thiện chi phí vốn trong dài hạn khi tập khách hàng tăng lên.
Đồng quan điểm, SSI Research cho biết OCB đang đầu tư vào nhiều dự án, bao gồm xây dựng marketplace cho mảng vay thị trường mua nhà, quy trình phê duyệt tín dụng, chuyển đổi dữ liệu lên đám mây và nâng cấp core banking. Hệ thống core banking mới dự kiến sớm đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm nhanh hơn và cũng như cải thiện hiệu suất kinh doanh.