Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%; mức lương tối thiểu (theo tháng và theo giờ) tăng 6% so với năm 2023.
Cũng như những lần tăng lương trước đây, bên cạnh tâm lý phấn khởi khi được tăng lương, đa phần người dân lo ngại giá cả hàng hóa tăng theo, thậm chí nhanh chân tăng trước như một số lần điều chỉnh lương trước đây.
Tăng lương không tác động lớn tới CPI
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, việc tăng lương đã không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 vừa qua.
Cụ thể, CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước chủ yếu là do điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới và nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao vì là tháng hè nên đã tác động vào chỉ số giá điện.
Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm y tế cũng cũng được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới, và chỉ số giá nhóm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng do là cao điểm hè làm chỉ số giá của các nhóm này tăng.
Tuy vậy, nếu tính bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước thì CPI tăng 4,12% vẫn làm trong mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm này là 4 – 4.5%. “Mức lạm phát này phù hợp cho mức độ tăng trưởng kinh tế”, bà Oanh nhìn nhận.
Cũng theo bà Oanh, trước kia, lương tăng thường làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, thậm chí lương chưa tăng mà chỉ có thông tin cũng khiến cho giá cả hàng hóa tăng lên.
Tuy vậy, những năm gần đây, việc này cũng chỉ làm gia tăng kỳ vọng lạm phát, chứ ít xảy hiện tượng tăng giá do Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát và giảm thiểu việc tác động tăng lương như đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là với các mặt thiết yếu là lương thực thực phẩm.
Ngoài ra, việc điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục hay điện sinh hoạt cũng được Chính phủ điều hành nhịp nhàng để tránh làm gia tăng lạm phát và giúp cho kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, công tác thanh tra kiểm tra thị trường cũng được tăng cường. Điều này giúp cho minh bạch thị trường, ổn định giá cả.
“Thực tế, thị trường đã được kiểm soát chặt chẽ hơn so với thời kỳ trước đây, và công tác thanh tra kiểm tra rất tốt. Đây là nguyên nhân giúp không có hiện tượng tát nước theo mưa theo lương như trước đây”, bà Oanh nêu rõ.
Bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4,5%
Còn theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), dù về mặt tổng thể lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ, song áp lực lạm phát đang lớn dần do kinh tế trong nước đã có nhiều điểm sáng về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút FDI, …tạo ra kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu (6 – 6,5%) mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Điều này cũng tạo ra áp lực cho lạm phát trong năm 2024.
Đáng quan ngại, những áp lực và rủi ro bên ngoài như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro tạo nên cú sốc cho lạm phát của thế giới khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Đặc biệt, chủ trương tăng lương cơ bản và lương tối thiểu từ 1/7 cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội. Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
“Chúng ta phải cẩn trọng bởi các yếu tố đầu vào có thể tạo ra vòng xoáy nhất là khi những yếu tố bất định về giá tài sản trong giai đoạn đầu năm như giá vàng, USD hay giá bất động sản một số nơi tại khu vực đô thị lớn đang có xu hướng tăng, cũng tạo ra cho áp lực lạm phát kỳ vọng trong xã hội” ông Việt nêu rõ.
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, ngoài yếu tố chu kỳ lạm phát thường tăng vào cuối năm còn có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, biến động giá cả hàng hóa, lương thực thế giới.
Vì vậy, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều tiết tỷ giá, lãi suất đồng bộ, hài hòa, hợp lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Bộ trưởng cũng yêu cầu theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, rà soát các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn để có giải pháp phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4,5%.
Chủ động phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm.
"Không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến lương thực, thực phẩm, xăng dầu...; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá... Sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống", Bộ trưởng nêu rõ.