Trong một chuyến dã ngoại cùng các bạn, một nữ du học sinh người Trung Quốc đã vô tình đào được một củ "nhân sâm". Vì quá vui mừng nên cô gái đã đem về phòng và ăn thử xem loại củ quý giá này có hương vị như thế nào.
Hí hửng vì "nhân sâm" từ trên trời rơi xuống
Sự việc éo le này diễn ra vào ngày 06 tháng 12 năm 2023, khi cô gái người Trung Quốc tên Tiểu Nghệ đăng ảnh lên mạng xã hội khoe rằng mình vô tình đào được một củ "nhân sâm" trong khuôn viên trường đại học nơi cô đang du học. Vì nghĩ rằng bản thân đang ở Hàn Quốc - xứ sở của nhân sâm nên cô gái không mảy may nghi ngờ. Thậm chí cô gái còn ăn thử và chia sẻ rằng vị của nó ban đầu có phần hơi đắng nhưng sau thấy khá thanh mát và ngon.
Cô gái ăn thử một miếng "nhân sâm" và khen ngon. Ảnh: Baijia Hao
Bài viết của cô gái sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Bên cạnh những bình luận cho rằng cô gái đã gặp may khi tự nhiên nhặt được "bảo bối" thì cũng có nhiều người cảm thấy hoài nghi về nguồn gốc của "củ nhân sâm" này. Sau khi bài viết được chia sẻ rộng rãi, một vị bác sĩ trung y sau khi nhận ra đây không phải nhân sâm đã hoảng hốt để lại bình luận rằng: "Nhổ ra ngay, đấy không phải nhân sâm, ăn vào có thể chết người".
Đáng tiếc là Tiểu Nghệ không kịp đọc được bình luận cảnh báo này. Bởi vì ngay sau khi ăn xong "nhân sâm", cô gái đột nhiên cảm thấy mệt mỏi nên đã lên giường nằm nghỉ rồi lịm đi. Khi tỉnh dậy, cô gái bàng hoàng khi phát hiện ra mình đã "bất tỉnh" hơn 17 tiếng đồng hồ.
Lúc tỉnh dậy thấy cả người vã mồ hôi lạnh, lên đọc bình luận trên mạng mới biết mình vừa đi một vòng "quỷ môn quan".
Hoá ra, "nhân sâm" mà Tiểu Nghệ vô tình đào được thực chất là rễ của cây Thương Lục. Cây có tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb, thuộc họ thương lục (Phytolaccaceae)
Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, rễ củ mập trông khá giống nhân sâm nên khiến nhiều người lầm tưởng.
Ảnh minh hoạ
Ăn nhầm Thương lục, nữ sinh bị ngộ độc
Theo những thông tin từ sách đông y, cây thương lục chứa độc tố ở tất cả các phần của cây (các nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng độc chất này là phytolaccatoxin). Nếu như phải tiếp xúc với một lượng lớn chất độc này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tê ở môi và lưỡi, toát mồ hôi, mắt giãn đồng tử, tiết nhiều nước bọt, cơ bị co giật, đau bụng, buồn nôn và nôn, liệt cơ hô hấp, hạ huyết áp, tim đập nhanh, mất ý thức,…. Nếu không được sơ cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ cao tử vong.
Rất may mắn cho Tiểu Nghệ vì mặc dù bị ngộ độc củ của cây thương lục nhưng không quá nặng. Cô gái sau đó đã nhanh chóng tới bệnh viện để được sơ cứu và không nguy hiểm tới tính mạng.
Vụ việc cảnh tỉnh nhiều người không nên ăn hay sử dụng những loại củ không rõ nguồn gốc tránh tiền mất tật mang.
Cô gái sau khi tỉnh dậy đã tới bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khoẻ. Ảnh: Sohu
Sau khi "tai qua nạn khỏi" cô gái chia sẻ trải nghiệm nhớ đời của mình nhưng cũng không quên pha trò rằng "có lẽ tổ tiên phù hộ". Nhiều người cũng để lại bình luận hài hước rằng:
"Chắc các cụ nhà cô gái này gánh cháu gái còng cả lưng".
"Tổ tiên: Cả dòng họ nhà tôi chỉ có 1 sinh viên đại học này thôi nên xin diêm vương tha mạng!"
Việt Nam cũng có những trường hợp ngộ độc thương lục
Tại Việt Nam, từng có rất nhiều trường hợp người dân tưởng nhầm củ thương lục là nhân sâm nên đã đem đi ngâm rượu.
Báo Lao Động từng đưa tin, ngày 17 tháng 05 năm 2023, sở y tế Lào Cai từng tiếp nhận 3 người đàn ông phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc do uống rượu ngâm củ thương lục. Rất may cả ba được sơ cứu kịp thời nên không có trường hợp nào tử vong.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết, thương lục là loại cây có chiều cao trung bình khoảng 1,5m. Thân cây hình trụ nhẵn, không có lông, ít phân nhánh có màu xanh lục hoặc pha đỏ tím. Lá to, mọc so le với phiến lá hình trứng tròn, có cuống.
Rễ củ thương lục mập, có nét giống củ nhân sâm nên dễ nhầm lẫn. Quả mọng, có màu đỏ tím. Trong Đông y, cây thương lục có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh nhưng phải dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.