Khái niệm "Thiên nga đen" là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Thuật ngữ này do Giáo sư kinh tế Nassim Nicholas Taleb, một cựu thương nhân Phố Wall đề xuất và được dùng để nhấn mạnh những sự kiện vượt quá dự đoán bình thường, hiếm có nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tài chính và hệ thống kinh tế toàn cầu.
Cái tên thiên nga đen dựa trên một câu nói cổ xưa rằng loài thiên nga sẽ không có màu đen, thế nhưng vẫn có những bất ngờ khi loài này thực sự tồn tại ở Australia.
Thời gian gần đây khi tình hình chính trị thế giới ngày càng căng thẳng, nhiều người dự đoán đây sẽ là một sự kiện thiên nga đen đối với thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam. Thị trường đã phản ứng ra sao với những sự kiện thiên nga đen như khủng hoảng kinh tế thế giới 2008,... là câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia tham dự talkshow Bí mật đồng tiền tập 10 với chủ đề “Căng thẳng leo thang, mang tiền ra bán”.
Là những người đã sống sót qua nhiều cú sốc lớn, họ có những bài học hay kinh nghiệm gì?
Nhắc đến khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông Phạm Lưu Hưng (Mr. X30), Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết đây là một trong những ký ức đau thương của mình.
“Giai đoạn 2006-2007 tôi đang học thạc sĩ ở Úc. Vào mùa hè năm 2006 khi các bạn về Việt Nam nghỉ hè và quay lại Úc thường kể với tôi rằng “Anh ơi về Việt Nam thôi, về Việt Nam kiếm tiền dễ lắm. Em về có mấy tháng hè đầu tư lãi hết. Cả khóa của tôi học thạc sĩ thời điểm đó sau khi về nước hầu như từ bỏ cơ quan cũ và chuyển sang ngành tài chính hết. Người thì làm cho SCIC, người thì làm cho SSI, người thì làm cho công ty chứng khoán lớn. Chúng tôi là thế hệ năm 2007 và chịu cú sốc mạnh của năm 2008.
Năm 2007 các bạn cũng biết thế hệ sau khi đi học nước ngoài về cũng có chút tiền để đầu tư. Thời điểm đó đầu tư cũng khá là dễ, mua cổ phiếu gì cũng ăn bằng lần kể cả cổ phiếu OTC. Sang năm 2008 là cuộc khủng hoảng đầu tiên tôi từng gặp. Chả có sách vở nào dạy mình về những diễn biến đó. Nhờ cuộc khủng hoảng 2008 đó mà thế hệ 2007 SSI vẫn còn rất nhiều vì đó là thế hệ không thể kiếm tiền nhanh và rời khỏi công ty nhanh được. Đó có thể cũng là tin vui cho sếp cả thế hệ 2007 theo tôi biết còn ở lại công ty rất nhiều”, ông Phạm Lưu Hưng nhớ lại.
“2008 có thể xem là cuộc sụt giảm cực kỳ lớn ở thị trường Việt Nam bởi vì tính từ đỉnh đến lúc thị trường về đáy thì thị trường giảm 75%. Quá lớn! Có rất nhiều cổ phiếu giảm 80-90%. Không nói đầu tư margin mà chỉ cầm cổ phiếu đấy cũng đủ chết rồi chứ không nói margin nữa. Tôi cũng mất tiền nhưng không nhiều”, ông Lã Giang Trung- CEO Passion Investment chia sẻ.
Vị CEO này cho biết có câu chuyện vẫn còn nhớ mãi đến tận bây giờ về 2 nhà đầu tư mất sạch tài sản bởi cú sốc này. Họ là vợ chồng lớn tuổi vừa trở về từ nước ngoài. Khi chứng khoán lập đỉnh năm 2007, họ dùng toàn bộ tài sản mấy chục tỷ để đầu tư và mất toàn bộ vào năm 2008. “Năm 2008 thị trường giảm rất mạnh theo tôi đến từ 2 yếu tố: Thứ nhất là khủng hoảng kinh tế thế giới, thứ hai là định giá thị trường quá cao. P/E của thị trường khoảng 73 lần. Thị trường hiện tại P/E 17 đến 18 lần thì không thể có cú sập 75% như thế được”, ông Trung chia sẻ.
Bổ sung cho ý kiến của ông Trung, ông Hưng cho biết giai đoạn 2005-2006 thị trường tăng rất sốc, có những cổ phiếu P/E 40-50 vẫn là bình thường. Tại thời điểm sơ khai này, thị trường không có những bộ phận nghiên cứu nghiêm túc. Sau cú sập 2008, thị trường mới bắt đầu phát triển. Mọi người bắt đầu đi học CFA, nghiên cứu và trình độ thị trường đi lên, nhiều bộ phận phân tích nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.