Ngày 16/3, Chính phủ Vương quốc Anh thông báo theo Dự luật An toàn Mạng, lãnh đạo các công ty công nghệ có thể bị truy tố hoặc thậm chí phạt tù chỉ 2 tháng sau khi dự luật được thông qua thay vì 2 năm như dự thảo trước đó. Dự luật này sẽ được trình lên Nghị viện Anh xem xét, thảo luận vào ngày 17/3 và có thể chính thức trở thành luật trong năm 2022.
Bộ Kỹ thuật số, Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Anh (DDCMS) đã đồng ý đưa vào 66 khuyến nghị đối với dự luật này do một liên ủy ban đề xuất vào năm 2021. Theo đó, dịch vụ mạng xã hội, công cụ tìm kiếm và các nền tảng khác sẽ phải chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em, giải quyết các hoạt động trái phép và cấm các nội dung như khiêu dâm cực đoan và cổ súy hành vi tự gây thương tích.
Cũng theo phiên bản mới của dự luật, quản lý cấp cao tại các công ty công nghệ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tiêu hủy bằng chứng, không thực hiện phỏng vấn hoặc cung cấp thông tin sai lệch trong phỏng vấn với cơ quan quản lý Internet Anh Ofcom, và cản trở hoạt động của Ofcom tại văn phòng công ty.
Bên cạnh khả năng phạt tù quản lý cấp cao của các công ty công nghệ, Ofcom còn có quyền phạt các công ty này 10% doanh thu toàn cầu hàng năm nếu không chấp hành luật.
Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Anh Nadine Dorries. Ảnh: Reuters/Tom Nicholson.
Bộ trưởng DDCMS Nadine Dorries tuyên bố: “Các công ty công nghệ chưa phải chịu trách nhiệm đầy đủ khi nội dung độc hại và hành vi tội phạm vẫn tồn tại rộng rãi trên các nền tảng họ quản lý… Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ để sự hạnh phúc và ngây thơ của nhiều thế hệ trẻ em phụ thuộc vào quyền lực không được kiểm soát của các thuật toán”.
Meta, YouTube, Twitter và TikTok đều đã hứng chịu nhiều chỉ trích do để nội dung độc hại tồn tại và được chia sẻ trên nền tảng của mình. Các công ty này đều từng nhiều lần cho biết đang nỗ lực hết sức để đối phó với tình trạng này, nhưng các nhà lập pháp ở cả châu Âu và Mỹ vẫn duy trì thái độ ngờ vực và mong muốn có thêm biện pháp quản lý các mạng xã hội.