1. Bất thường hô hấp ngay cả khi mắc COVID-19 nhẹ
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong số 100 bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 kéo dài, hơn một nửa có dấu hiệu bệnh lý tiểu phế quản trên phim chụp cắt lớp CT. Và ngay cả những người bị COVID-19 nhẹ điều trị tại nhà cũng bị ảnh hưởng tương tự như những người phải nhập viện.
Theo tiến sĩ Alejandro Comellas, chuyên gia cao cấp thuộc Đại học Y Iowa Carver (Mỹ), nghiên cứu bao gồm nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa rõ về nguy cơ cao mắc các vấn đề hô hấp kéo dài, cụ thể: Trong số 100 bệnh nhân mắc COVID-19, 67% không phải nhập viện. Bên cạnh một số người có tiền sử bệnh lý phổi, bao gồm cả bệnh hen và khí phế thũng, thì hầu hết đều không có tiền sử bệnh hô hấp. 3/4 số bệnh nhân là người chưa bao giờ hút thuốc lá, trong khi 2% số người hiện đang hút thuốc.
Tuy nhiên, tất cả đều gặp các triệu chứng như khó thở, ho và mệt mỏi trong hơn 30 ngày sau khi có chẩn đoán mắc COVID-19. Do đó, Comellas và cộng sự đã cho tất cả bệnh nhân chụp cắt lớp CT. Tại thời điểm đánh giá, 1/2 số người đã trải qua thời gian 75 ngày sau chẩn đoán mắc COVID-19, trong khi một số người đã trải qua hơn 6 tháng.
COVID-19 có thể gây tổn thương phổi.
Kết quả cho thấy, 58% có dấu hiệu bị "tắc nghẽn khí" trong phổi, trong số này 57% bệnh nhân đã điều trị COVID-19 tại nhà. Và khi xét tới mức độ "tắc nghẽn khí" thì mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19 dường như không có liên quan, cụ thể: Cả bệnh nhân phải nhập viện và không phải nhập viện đều có mức độ mô phổi bị ảnh hưởng bởi "tắc nghẽn khí" tương tự như nhau. Theo nhóm nghiên cứu, điều này là đáng ngạc nhiên.
Trái lại, khi đánh giá chức năng phổi bằng đo phế dung, kết quả cho thấy không có sự khác biệt với nhóm 106 người trưởng thành khỏe mạnh (được sử dụng để so sánh trong nghiên cứu).
Comellas cho biết: "Nếu chỉ làm các test đánh giá chức năng phổi thông thường, chúng ta sẽ nhận thấy phổi có vẻ hoàn toàn bình thường".
2. Nhận định của chuyên gia
Tiến sĩ Alejandro Comellas cho biết: "Không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19, đường hô hấp của bệnh nhân tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều tháng sau mắc bệnh. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bị "tắc nghẽn khí" trong phổi, đó là tình trạng khi hít vào hoàn toàn bình thường, sau đó không khí bị giữ lại trong phổi một cách bất thường khi thở ra".
Theo các chuyên gia, thông thường, tình trạng "tắc nghẽn khí" xảy ra trong các bệnh lý hô hấp như bệnh hen, khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.
Tiến sĩ Cedric Jamie Rutland, chuyên gia về về phổi thuộc Hiệp hội Phổi Mỹ, người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết, "tắc nghẽn khí" thường là dấu hiệu của tình trạng viêm tiểu phế quản.
"Chúng tôi thường xuyên điều trị cho những bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp dai dẳng sau mắc COVID-19, phác đồ điều trị thường bao gồm các thuốc làm giảm tình trạng viêm đường hô hấp như prednisone hoặc corticosteroid dạng hít" – Rutland cho biết thêm.
Theo Rutland, thời gian hồi phục các rối loạn hô hấp này khác nhau giữa các bệnh nhân. Và hiện vẫn chưa rõ bệnh lý ở phổi có tiếp diễn hay không ở một số người.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Comellas cũng cho biết, vẫn chưa rõ liệu những bất thường về đường hô hấp được thấy trong nghiên cứu này sẽ kết thúc hay đó là sự khởi phát của tình trạng bệnh lý mạn tính. Comellas cho rằng có thể cả hai suy đoán trên đều đúng, cụ thể: một số bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, trong khi ở một số bệnh nhân khác sẽ tiến triển thành bệnh mạn tính.
Các nghiên cứu gần đây đã ước tính rằng có tới 30% số người bị nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện các triệu chứng tồn tại trong nhiều tháng sau mắc bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung, mất khứu giác và vị giác, và các triệu chứng hô hấp như khó thở và ho mạn tính.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 bị khó thở, tức ngực sau nhiều tháng
Một giả thuyết được đưa ra là ở một số người, tình trạng nhiễm virus có thể kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, gây ra phản ứng viêm kéo dài trong cơ thể. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn là điều "bí ẩn" vì chưa rõ tại sao chỉ có một số người bị các rối loạn kéo dài, ngay cả khi mắc COVID-19 nhẹ.
Các nhà khoa học cho rằng những bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng về đường hô hấp kéo dài nên được chụp cắt lớp CT để tìm ra các bất thường ở tiểu phế quản và khuyến nghị những bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp sau mắc COVID-19 nên sớm đi khám kiểm tra sức khỏe.