Tại một phòng thí nghiệm dưới tầng hầm của Đại học New Mexico, Marcus Garcia đang tìm kiếm trong thùng rác nhựa. Anh lục lọi các chai lọ, mảnh lưới đánh cá, bàn chải đánh răng, cốc có hình Pokemon và G.I. Joe.
"Tìm thấy rồi!", anh kêu lên, giơ lên một đầu pipet (làm từ nhựa, dùng trong phòng thí nghiệm) bị vứt bỏ. Tiến sĩ Garcia, nghiên cứu sinh ngành khoa học dược phẩm, đã phát hiện vật này vào mùa hè năm ngoái cùng đồng nghiệp trên một bãi biển hẻo lánh ở Hawaii. Đầu pipet vẫn nguyên vẹn một cách kỳ lạ dù lẽ ra phải bị phân hủy sau nhiều năm dưới ánh nắng, ozone và đại dương. Thật chua xót, anh nghĩ. Đó là vật mà anh và hàng nghìn nhà khoa học khác sử dụng hằng ngày. Giờ đây, nó trôi dạt lên bãi biển cùng hàng trăm cân rác thải nhựa khác, thứ họ đang thu gom để nghiên cứu, NY Times thông tin.
Garcia cùng làm việc với tiến sĩ Matthew Campen, nhà độc học dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về tác động của vi nhựa lên cơ thể người. Nhóm của họ vừa công bố kết quả gây chấn động trên tạp chí Nature Medicine vào tháng 2/2024: lượng vi nhựa trong mô não con người đã tăng gần 50% trong chưa đầy một thập kỷ, từ năm 2016 đến năm 2024.
"Những hạt nhựa này đang tăng trưởng theo cấp số nhân", tiến sĩ Campen nhận định. "Chúng tích tụ không chỉ trong môi trường, mà còn trong cơ thể chúng ta".
Có lẽ đáng quan ngại hơn cả là những điều họ tìm thấy trong các mẫu não của bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ. Các mô não này chứa hàm lượng vi nhựa cao hơn hẳn so với não của những người không mắc bệnh. Trong các nghiên cứu khác, nhóm cũng đã phát hiện vi nhựa hiện diện ở nhau thai, tinh trùng, sữa mẹ và thậm chí trong phân su của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu mới nhất còn chỉ ra rằng nhau thai của trẻ sinh non chứa nhiều vi nhựa hơn so với trẻ đủ tháng, dù thời gian để tích tụ ngắn hơn.
Dù vậy, vẫn còn những bí ẩn lớn xoay quanh cách vi nhựa tác động lên cơ thể. Tiến sĩ Campen nhấn mạnh rằng bất kỳ chất nào, kể cả nước, đều có thể gây hại ở liều lượng nhất định. Nhưng câu hỏi quan trọng là: bao nhiêu vi nhựa mới thật sự nguy hiểm?

Các hạt nhựa trên đầu ngón tay người. Ảnh: iStock
Để tìm kiếm câu trả lời, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát trên tử thi. Trong phòng thí nghiệm nơi Garcia làm việc, hàng loạt mẫu não, gan và thận được bảo quản trong các tủ lạnh nghiêm ngặt. Từ một lọ được đánh dấu "DB" - viết tắt của "não mất trí nhớ" - Garcia lấy ra một mảnh mô. Chất xám và chất trắng trên mẫu mô trông gần giống như đậu phụ, nhưng sự hiện diện của hàng nghìn hạt nhựa siêu nhỏ tạo ra khác biệt khủng khiếp.
Theo công bố tháng 2/2024, lượng vi nhựa trung bình trong 24 mẫu não người được phân tích tương đương 7 gram - bằng trọng lượng của một chiếc thìa nhựa hoặc 5 nắp chai. Toàn bộ những hạt nhựa này có kích thước siêu nhỏ, chỉ 200 nanomet - thậm chí còn mỏng hơn sợi tóc người đến 400 lần. Chúng gần như trong suốt, khiến việc phát hiện càng thêm khó khăn.
"Chúng tôi chưa biết những mảnh nhựa này có gây bệnh hay không, nhưng tôi không nghĩ ai trong chúng ta lại cảm thấy vui vẻ khi bộ não của mình chứa đầy nhựa", Campen nói với nụ cười nhạt.
Nghiên cứu cũng xác nhận giả thuyết cho rằng những người mắc bệnh mất trí nhớ hoặc Parkinson có hàng rào máu não bị tổn thương, khiến vi nhựa dễ dàng xâm nhập và tích tụ hơn.
Nhựa hiện diện khắp mọi nơi trong đời sống con người: từ đất, nước, không khí đến thực phẩm, quần áo và đồ dùng hàng ngày. Christy Tyler, giáo sư khoa học môi trường tại Viện Công nghệ Rochester, cho rằng vi nhựa di chuyển trong chuỗi thức ăn theo cách chúng ta không ngờ tới – từ thực vật, động vật đến tận cơ thể con người.
Riêng với các mẫu trong não, nhóm của Campen phát hiện rằng nguồn gốc phần lớn đến từ polyethylene – một dạng nhựa phổ biến từ thập niên 1960. Phát hiện này cho thấy những mẩu nhựa này có khả năng được phong hóa từ các món rác thải cũ chứ không phải từ các hạt nhựa mới hoặc "nhựa tươi" hiện đại.
"Ngay cả khi từ hôm nay con người dừng sản xuất nhựa, lượng nhựa chúng ta đã thải ra ngoài môi trường đủ để tồn tại hàng chục, nếu không phải hàng trăm năm nữa", Campen nhận xét.
Theo nghiên cứu, vi nhựa xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ thực phẩm nhiễm bẩn hoặc rác thải phân hủy. Campen cho rằng nhựa tươi, như vụn nhựa từ chai nước hay tấm thớt, có thể ít nguy hiểm hơn do kích thước lớn và dễ bị đào thải. Tuy nhiên, Tracey Woodruff, Giám đốc Chương trình Sức khỏe Sinh sản và Môi trường tại Đại học California, nhấn mạnh rằng ngay cả nhựa tươi cũng có thể rò rỉ hóa chất gây hại như phthalate, bisphenol A hoặc chất chống cháy.
"Nghiên cứu đưa ra những kết quả đáng báo động, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi lớn mà chúng ta cần thêm thời gian để giải đáp", Woodruff cho biết.
Trong khi chờ đợi, nhóm của Garcia vẫn tiếp tục công việc. Các mảnh nhựa được họ thu gom từ bãi biển Hawaii không chỉ được nghiền nhuyễn và thử nghiệm trên động vật để đo tác động, mà còn là lời nhắc nhở cay đắng về di sản nhựa mà nhân loại để lại.
Mỗi vật dụng nhựa quen thuộc – từ chai nước, túi nylon đến đầu pipet trong các phòng thí nghiệm – đều có thể cuối cùng hòa mình vào dòng nước biển, rồi theo dòng chảy trở lại cơ thể chúng ta. Một ngày nào đó, những mẩu nhựa nhỏ bé ấy có thể làm dấy lên những cơn bão lớn trong sức khỏe cộng đồng.
(Theo DW, Nature)