Sức khỏe

Ăn củ ấu tàu thay cơm, người phụ nữ phải đi cấp cứu

Tóm tắt:
  • Một phụ nữ 56 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi ăn lượng lớn củ ấu tàu, xuất hiện triệu chứng ngộ độc.
  • Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc aconitin, rất nguy hiểm với liều lượng nhỏ có thể gây tử vong.
  • Một nam bệnh nhân cũng bị ngộ độc sau khi sử dụng củ ấu tàu để tăng sức khỏe xương khớp.
  • Triệu chứng ngộ độc bao gồm buồn nôn, tê bì, tụt huyết áp, loạn nhịp tim và có thể nhầm với sốc phản vệ.
  • Chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng củ ấu tàu, chỉ bôi ngoài da để tránh nguy cơ ngộ độc.

Ngày 11/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về một ca ngộ độc nguy hiểm do ăn củ ấu tàu.

Bệnh nhân là nữ, 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, đau bụng, buồn nôn, tê bì môi và chân tay sau khi ăn một lượng lớn củ ấu tàu.

Người nhà cho biết, đây không phải lần đầu bà ăn loại củ này. Trước đó, bà đã ăn nhiều lần, nhưng với số lượng ít hơn và không có biểu hiện bất thường.

Ăn củ ấu tàu thay cơm, người phụ nữ phải đi cấp cứu - 1

Củ ấu tàu (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, lần này, sau khi ăn một lượng lớn củ ấu tàu thay cơm, bà xuất hiện các triệu chứng nêu trên và được gia đình đưa đi cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc aconitin - một chất độc có trong củ ấu tàu. Người bệnh được điều trị tích cực, hồi phục dần và vừa ra viện sau 4 ngày điều trị.

Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân khỏe mạnh ở Nam Định được đưa vào viện trong tình trạng tê bì chân tay, ngất, mất kiểm soát đại tiểu tiện.

Anh gặp tình trạng này sau khi dùng củ ấu tàu (còn gọi là củ ấu tẩu) để tăng cường sức khỏe xương khớp.

Nam bệnh nhân cho biết, từ khi còn trẻ, được bạn bè truyền tai, anh thường xuyên ăn và uống nước củ ấu tàu để tăng sức khỏe, sức chịu đòn, tránh đau khi tập võ.

Thực tế, người bệnh cũng biết củ ấu tàu có độc tính nên mỗi lần chỉ sử dụng một lượng nhỏ, luộc kỹ, ăn củ và uống cả nước. Thậm chí, anh còn có mẹo tự chữa khi bị tê bì sau khi ăn củ ấu tàu, đó là chạy vài vòng hoặc nhờ người tác động lực để toát mồ hôi.

Tuy nhiên, lần này, anh đã chạy nhiều vòng, tự gây nôn… nhưng tình trạng không cải thiện.

Bệnh nhân ngoài tê bì còn thấy choáng váng, ngất, không kiểm soát được đại tiểu tiện.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - cho biết kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất độc aconitin. Bệnh nhân cũng có dấu hiệu tổn thương cơ tim.

Theo TS Nguyên, củ ấu tàu là loài thực vật chứa độc tính aconitin, thuộc nhóm độc bảng A, gây ảnh hưởng lên tim, thần kinh và tiêu hóa. Chỉ với một lượng rất nhỏ cũng có thể gây tử vong. Cụ thể, liều 1mg có thể gây ngộ độc nặng; 2-3mg đủ để khiến một người trưởng thành tử vong.

Aconitin gây ngộ độc rất nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau vài phút, vài giờ sau khi ăn củ, rễ, lá hoặc uống dịch chiết từ cây ấu tàu.

Ngộ độc aconitin thường biểu hiện qua rối loạn tiêu hóa sớm (buồn nôn, đau bụng), sau đó là các triệu chứng thần kinh (tê bì môi, lưỡi, chân tay, chóng mặt) và tim mạch (tụt huyết áp, loạn nhịp, ngừng tim).

Tuy nhiên, các dấu hiệu này rất dễ nhầm với sốc phản vệ. Không ít bệnh nhân khi vào viện đã được điều trị theo phác đồ sốc phản vệ nhưng không đáp ứng.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nêu trên, cần khai thác kỹ tiền sử để có hướng điều trị kịp thời.

Củ ấu tàu (còn gọi là củ gấu tàu, xuyên ô, thảo ô) là một loại dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền, thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp, chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi xương khớp.

Nhiều trường hợp người dân khi đi du lịch, được giới thiệu củ ấu tàu như một đặc sản, thuốc chữa bách bệnh, đã mua về sử dụng, thậm chí nấu cháo ăn và bị ngộ độc.

Ngoài ra, còn có một dạng củ ấu tàu đã qua bào chế để giảm độc tính, gọi là phụ tử chế. Tuy nhiên, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc kể cả khi dùng phụ tử chế.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo củ ấu tàu rất độc, người dân tuyệt đối không nên ăn hoặc uống mà chỉ sử dụng dạng bôi ngoài da, nhằm phòng ngừa nguy cơ ngộ độc nguy hiểm.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự: Yếu tố ‘người nổi tiếng’ là tình tiết tăng

Vụ án kẹo Kera gây chấn động dư luận khi Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố, còn Hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra. Qua vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của người nổi tiếng, KOLS khi tham gia quảng cáo trong thời đại truyền thông số.

Sự việc cấp sai loạt sổ đỏ ở Đà Lạt: Công an Lâm Đồng đang thu thập chứng cứ

Ngày 11/4, đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã phân công cán bộ điều tra, hiện đang thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc cấp sai nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại khu vực khu nhà ở Dinh 1 (còn gọi kho Dinh 1, kho gạo cũ) nằm gần Dinh 1, phường 10, TP Đà Lạt mà Báo PLVN đã phản ánh.

Chuyển giao bắt buộc ngân hàng: Cần hết sức thận trọng!

Việc mua 3 ngân hàng 0 đồng vào năm 2015, về bản chất cũng không khác gì việc chuyển giao bắt buộc lần thứ nhất và đã thất bại nên buộc phải chuyển giao bắt buộc một lần nữa. Vì vậy cần hết sức hạn chế và thận trọng trong việc này, để tránh mất thêm quá nhiều thời gian tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém mà khó lường hiệu quả.