Lý do khiến thị trường ‘Mua trước Trả sau" dần xôm tụ
Cách đây chưa lâu, công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam là KMS Technology vừa ra mắt Kaypay – nền tảng ‘Mua trước Trả sau" – Buy Now Pay Later (BNPL). Theo ông Lê Trần Bảo Duy - CEO của Kaypay, sở dĩ họ quyết định ra mắt sản phẩm này bởi thị trường BNPL rất tiềm năng.
Theo nghiên cứu của Kaypay, thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam trị giá khoảng 4.6 tỷ USD, con số khá ấn tượng so với các quốc gia đã phát triển hình thức này trước một vài năm trong khu vực như Indonesia (khoảng 9 tỷ USD) hay Singapore (khoảng 3 tỷ USD).
"Việt Nam có độ trễ nhất định nhưng sẽ đi rất nhanh khi đã bắt kịp xu hướng. Trong vòng 3 năm tới, hình thức mua trước trả sau sẽ trở thành hình thức chi trả phổ biến với người dùng tại Việt Nam", ông Lê Trần Bảo Duy dự đoán.
Và không chỉ KMS Technology mà rất nhiều doanh nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam thấy điều đó. Vậy nên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn và cả startup đua nhau tham gia cuộc chơi.
Đầu tiên là các công ty cho vay tiêu dùng và ví điện tử: họ xem việc mở ra dịch vụ BNPL là để đa dạng hóa giải pháp cung cấp cho đối tác và người dùng, chứ không phải dịch vụ cốt lõi. Cụ thể: Home Credit vừa đầu tư 200 tỷ vào Home PayLater với khách hàng tiêu biểu là Tiki, SmartPay và MoMo cũng mon men tiến vào lĩnh vực này.
Thứ hai là các công ty startup chuyên về BNPL, tức BNPL là sản phẩm chủ lực, cốt lõi của họ. Ngoài Kaypay như đã nói ở trên, chúng ta có thể kể thêm Ree-Pay, Kredivo, Fundiin, Atome…
Còn theo anh Nguyễn Ảnh Cường – Co-Founder kiêm CEO của Fundiin, có hai lý do khiến thị trường BNPL của Việt Nam phát triển chậm hơn các nước khác và chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
"Khi mang mô hình BNPL đi kêu gọi đầu tư, tôi luôn nhận được câu hỏi: liệu anh có thể thu lại tiền từ người tiêu dùng và tránh được nợ xấu không. Khi nhận câu hỏi, tôi không hề ngạc nhiên, vì đó là vấn nạn chung của mảng vay tiêu dùng của Việt Nam trong những năm qua.
Bên cạnh đó, trước đây không phải các doanh nhân Việt Nam không thấy tiềm năng của nó, mà chỉ tại thị trường được nhận định chưa sẵn sàng, đặc biệt ở mặt dữ liệu lịch sử tín dụng", anh Nguyễn Ảnh Cường bày tỏ với chúng tôi.
Ai đang dẫn dắt thị trường?
Trong những tay chơi mà chúng ta vừa kể trên, thì nhóm đầu tiên có lợi thế về nguồn lực tài chính – khách hàng hơn nhóm thứ hai, nhưng vì BNPL không phải là mảng kinh doanh chính của họ nên họ sẽ không đầu tư mạnh. Vậy nên, những đối thủ mạnh trên thị trường ở thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ nhóm thứ hai.
Nếu xét quy mô toàn cầu, thì 2 cái tên Atome và Kredivo đang lấn lướt Ree-Pay, Kaypay và Fundiin.
Atome ra mắt lần đầu tại Singapore vào tháng 12/2019. Đơn vị hiện hợp tác với hơn 10.000 nhà bán lẻ trực tuyến và cửa hàng chính thức tại 10 quốc gia gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.
Tháng 10/2021, ngân hàng Standard Chartered đã ký kết hợp tác chiến lược 10 năm với Atome trị giá 500 triệu USD, cung cấp các dịch vụ tài chính ưu tiên trên thiết bị di động cho người tiêu dùng châu Á, trong đó có Việt Nam. Vào năm ngoái, Advance Intelligence Group - công ty chủ quản của Atome, đã có 4 lần gọi vốn với hơn 400 triệu USD tiền đầu tư.
Định giá Advance Intelligence Group hiện ở mức 2 tỷ USD và là một trong những ‘kỳ lân’ ở Đông Nam Á. Các nhà đầu tư chính của tập đoàn này bao gồm Softbank Vision Fund 2, Warburg Pincus, Northstar, Vision Plus Capital, Gaorong Capital và nhà đầu tư quốc tế EDBI tại Singapore.
Còn Kredivo là nền tảng hỗ trợ cung cấp dịch vụ tín dụng trực tuyến hàng đầu Indonesia. Tại Indonesia, họ có 5 triệu khách hàng và 300 đối tác bán hàng bao gồm sàn TMĐT/app/website và 30.000 điểm online. Kredivo đang là đơn vị dẫn đầu thị trường BNPL với ít nhất 50% thị phần ở hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn của Indonesia.
Kredivo được điều hành bởi FinAccel, có trụ sở chính tại Singapore và là 1 ‘kỳ lân’ nữa của Đông Nam Á. FinAccel được rót vốn bởi các nhà đầu tư hàng đầu như Victoria Park Capital, Mirae Asset, Naver, Square Peg Capital, Telkom Indonesia, Jungle Ventures và một số tổ chức khác.
Fundiin là một startup Việt được thành lập bởi Nguyễn Ảnh Cường (CEO) – cựu Giám đốc đầu tư của Quỹ Vietnam Holding và Võ Hoàng Nam (CTO), vào năm 2020.
Vào tháng 9/2021, Fundiin kết thúc một vòng gọi vốn hạt giống khác trị giá 1,8 triệu USD, được dẫn dắt bởi Genesia Ventures, với sự tham gia của JAFCO Asia, Trihill Capital và các cựu quản lý cấp cao Affirm (Xffirmers), ông Phạm Lê Nhật Quang, cũng như từ các nhà đầu tư hiện tại bao gồm 1982 Ventures, Zone Startups Ventures… Vào tháng 3/2021, Fundiin từng nhận một số vốn đầu tư từ 1982 Ventures, Zone Startups Ventures.
Ree-Pay được thành lập tại Việt Nam và điều hành bởi doanh nhân người nước ngoài tên Dragan Bozic vào năm 2020.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, thì Kaypay hay Atome vẫn là tân binh khi mới chào sân vài tháng gần đây. Hiện tại, cả hai mới chỉ có vài chục đối tác bán hàng trên nền tảng của mình; không thể sánh bằng những tiền bối như Ree-Pay và đặc biệt là cặp đôi Fundiin – Kredivo.
Một điều thú vị nữa là cả Ree-Pay, Fundiin và Kredivo đều đang là đối tác của Haravan. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, dù là một trong những cái tên đầu tiên gia nhập cuộc đua, song Ree-Pay đang cho thấy sự hụt hơi của mình so với Fundiin hay Kredivo. Website của họ trông không được chuyên nghiệp và số lượng đối tác cũng khá khiêm tốn nếu so với Fundiin hay Kredivo.
"So găng" Kredivo – Fundiin
Dù là startup, song vì ra đời khá sớm từ năm 2020 và được dẫn dắt bởi nhà khởi nghiệp giàu kinh nghiệm Nguyễn Ảnh Cường, nên Fundiin đi khá nhanh. Các nhà đầu tư đánh giá rất cao Fundiin, nên ở vòng gọi vốn vào tháng 9/2021 vừa qua như đã kể ở phía trên, họ đã nhanh chóng nhận được cam kết đầu tư vượt nhu cầu và hoàn thành trong vòng 3 tuần sau khi bắt đầu.
Cũng theo chia sẻ của vị CEO này, hiện Fundiin đang có lượng đối tác khách hàng khoảng 300 – lớn nhất nhì thị trường; với những cái tên nổi bật như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Vua Nệm, Unilever, Beauty Box, The FaceShop…
Dù Kredivo mới chỉ vào Việt Nam được khoảng gần 1 năm, nhưng với những kinh nghiệm dày dạng ở thị trường Indonesia cộng với việc lựa chọn hợp tác cùng VietCredit, ‘kỳ lân’ này cũng đi rất nhanh.
VietCredit là công ty tài chính hàng đầu thị trường Việt Nam về thị phần thẻ tín dụng nội địa, họ đang là đối tác chiến lược và nhà tài trợ tài chính chính cho các khách hàng của Kredivo. Ngoài mảng BNPL, cả hai còn phối hợp để ra mắt sản phẩm cho vay tiêu dùng trên app của Kredivo.
Ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc VietCredit, cho hay: "BNPL đang dần trở thành hình thức mua sắm phổ biến ở Đông Nam Á. Đối với thị trường trong nước, tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng còn thấp sẽ mở ra nhiều cơ hội cho VietCredit khi tham gia vào thị trường này. Thái Lan có khoảng 60 triệu dân nhưng có 18 triệu thẻ tín dụng, Việt Nam có 90 triệu dân nhưng mới chỉ có khoảng 6 triệu thẻ tín dụng".
Chiến lược ‘cộng sinh’ của Kredivo đã giúp họ thu hút được khoảng hơn 50 đối đối tác khách hàng và mới nhất có Sendo.
Sendo là một trong những sàn thương mại điện tử đầu tiên của Việt Nam. Năm 2018 cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Sendo, khi đứng thứ 6 trong top 10 sàn thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á (theo iPrice). Hiện tại, Sendo là một trong những sàn TMĐT hàng đầu, phục vụ hàng triệu khách hàng và nhà bán hàng trên toàn quốc mỗi tháng.
Kredivo còn có những đối tác lớn khác như FoodMap, Gotadi, Tuticare, FPT Shop, Cellphone S…
Cũng như tại Indonesia, mục tiêu của Kredivo luôn là liên kết với tất cả các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam. Ngoài Sendo đã làm rồi, họ sẽ có lợi thế khi đến làm việc với Lazada Việt Nam vì họ đang là đối tác của Lazada ở Indonesia, Tiki đang làm việc với Home PayLater – Home Credit và không biết có định thêm đối tác khác hay không, Shopee vẫn chưa có đối tác BNPL một cách chính thức.
"Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Kredivo chọn để scale-up vào năm 2021. Trong tương lai gần, chúng tôi vẫn chỉ sẽ tập trung vào 2 thị trường Indonesia và Việt Nam, chứ không tiếp tục mở rộng ra các nước khác.
Hiện tại, các chỉ số kinh doanh như đối tác bán hàng hay lượng người dùng tại thị trường Việt Nam của chúng tôi vẫn còn nhỏ. Sau hơn 1 năm vừa xây dựng đội ngũ vừa làm quen với thị trường, chúng tôi có 50 đối tác bán hàng và sẽ nhanh chóng đạt đến con số 100. Chúng tôi sẽ tập trung vào ngành TMĐT và không chỉ hợp tác với đối tác – người dùng ở Hà Nội và TP.HCM mà sẽ nhanh chóng mở rộng ra các thành phố lớn khác tại Việt Nam.
Mục tiêu của chúng tôi vẫn là vị trí số 1 thị trường BNPL Việt Nam, như đã làm được ở Indonesia. Cái khó nhất với Kredivo khi scale-up đến Việt Nam là vấn đề ‘giáo dục’ thị trường.
Tệp khách hàng mục tiêu của chúng tôi là những người chưa tiếp cận hoặc chưa có đủ điều kiện để làm các loại thẻ ngân hàng như tín dụng Debit hoặc vay nợ Credit. Chúng tôi phải làm sao để mọi người hiểu được sự khác biệt và tiện dụng của dịch vụ BNPL so với các loại thẻ ngân hàng khác", ông Krishnadas - Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách mảng Phát triển Kinh doanh của Kredivo, cho biết.
Với tất cả những tiềm lực mà mình có, cộng với sự hỗ trợ của VietCredit, Kredivo sẽ là một đối thủ vô cùng đáng gờm trong thị trường BNPL Việt Nam trong thời gian tới. Nhưng, ‘chủ nhà’ Fundiin vẫn có những lợi thế riêng của mình và ‘kỳ lân’ Atome cũng thế.