Không có chỗ để cố định
Nguyên tắc cơ bản để giữ nhà gọn gàng là mọi vật dụng đều có chỗ riêng và luôn được đặt về đúng chỗ đó. Nếu một món đồ không có vị trí cố định, bạn sẽ có xu hướng để nó ở bất cứ mặt phẳng nào đang trống, cũng là cách nhanh nhất để căn nhà trở nên bừa bộn.
Một mẹo nhỏ giúp cải thiện vấn đề này là nếu món đồ đó bạn không dùng 4-5 lần mỗi tuần, hãy cất nó vào khoang chứa kín thay vì để trên mặt bàn hay kệ. Ngược lại, với những đồ thường xuyên sử dụng, hãy chuẩn bị một khay hoặc khu vực chuyên biệt để bạn dễ dàng đặt chúng về vị trí cũ sau mỗi lần dùng.
Không chia ngăn khi lưu trữ
Một sai lầm phổ biến là sử dụng ngăn kéo lớn mà không chia nhỏ bên trong. Việc phân chia không gian lưu trữ thành các ô nhỏ giúp bạn định vị rõ từng món đồ và duy trì trật tự lâu dài. Lời khuyên là hãy đầu tư vào các hộp ngăn nhỏ hoặc tấm chia ngăn để sử dụng tối ưu diện tích.
Ngoài ra, bạn nên tận dụng không gian theo chiều dọc ví dụ như lắp thêm giá phía trên tủ hoặc kệ treo trên cánh cửa. Những khu vực như gầm giường, tường phòng giặt hay nhà tắm cũng có thể trở thành kho lưu trữ hiệu quả nếu như bạn biết cách bố trí.
Không trả đồ về chỗ cũ ngay sau khi dùng
Ngay cả khi bạn đã có vị trí cố định cho từng món đồ, mọi chuyện sẽ không hiệu quả nếu bạn không trả chúng về đúng chỗ sau khi sử dụng. Việc để đồ lung tung sau mỗi lần dùng sẽ nhanh chóng khiến nhà cửa trở nên bừa bộn.
Lời khuyên là bạn hãy sử dụng các thiết bị hỗ trợ như khay kéo tầng, hộp đựng có bánh xe hoặc đĩa xoay để dễ tiếp cận những món đồ nằm sâu trong tủ. Sự tiện dụng là yếu tố quyết định bạn có muốn cất đồ đúng chỗ hay không.
Kệ, bàn thiếu điểm neo kết nối
Bạn từng sắp xếp các vật trang trí trên kệ hoặc bàn và nhận thấy chúng cứ rối mắt, thiếu liên kết, đó là do chúng thiếu một điểm neo để gắn kết với nhau. Một mẹo rất đơn giản là hãy đặt toàn bộ các vật nhỏ trên cùng một khay, thớt gỗ hoặc tấm đế. Khi đó, thay vì nhìn thấy 5-6 món riêng lẻ, mắt bạn sẽ chỉ thấy một nhóm vật thống nhất.

Khay trang trí giúp lưu trữ các món đồ nhỏ trở nên gọn gàng (Ảnh: IT).
Ngoài việc tạo cảm giác gọn gàng hơn, cách làm này còn giúp giới hạn số lượng đồ bày biện. Ví dụ bạn sẽ chỉ để vừa đúng những món phù hợp trên khay ở bồn rửa tay thay vì lấp kín cả mặt bàn.
Không phân biệt vùng sử dụng thường xuyên và ít sử dụng
Một sai lầm lớn là đặt những món đồ ít dùng vào vị trí dễ thấy, dễ lấy. Ngược lại, những vật hay dùng lại bị dồn lên cao hoặc bị chôn sâu trong tủ. Hãy đổi ngược lại, ưu tiên sự thuận tiện cho các vật dụng sử dụng hàng ngày.
Với các khu vực như nhà bếp, phòng khách hay lối vào vốn được sử dụng thường xuyên nên được giữ gọn gàng, dễ thao tác. Các món đồ dùng vài tháng mới lấy một lần như chăn mùa đông dự phòng, vali hoặc đồ trang trí lễ tết nên được chuyển về các khu vực ít sử dụng như tầng gác mái, phòng khách phụ hoặc gầm giường.
Bố trí khu vực thả đồ không đúng chỗ
Vị trí khu vực thả đồ rất quan trọng nhưng lại thường bị thiết kế sai. Nhiều người để một chiếc khay ở gần cửa ra vào, nhưng thực tế họ lại thường vứt chìa khóa ở bàn ăn hoặc bếp. Hệ thống lưu trữ hiệu quả không nên ép buộc thói quen mới mà phải thích nghi với thói quen cũ.
Hãy quan sát thói quen thực tế của bạn và mọi người để bố trí phù hợp. Nếu bạn hay để túi ở ghế sofa, hãy lắp móc treo gần đó. Nếu bạn thường treo áo khoác ở ghế phòng ăn, hãy gắn móc tường cạnh đó. Thiết kế nên phục vụ hành vi, chứ không ép hành vi theo thiết kế.
Mua hộp đựng trước khi biết mình cần gì
Nhiều người thấy các hộp đựng đẹp mắt là mua về ngay, nghĩ rằng chỉ cần sắp đồ vào là sẽ gọn gàng. Nhưng nếu không xác định trước bạn sẽ lưu trữ cái gì, kích cỡ ra sao, thì việc mua hộp chỉ khiến bạn thêm rối rắm. Hãy dọn dẹp trước, phân loại và kiểm kê số lượng vật dụng, sau đó mới đo đạc tủ, ngăn kéo và mua đúng loại hộp phù hợp. Tổ chức không gian hiệu quả không bắt đầu bằng việc mua sắm mà là bắt đầu bằng việc hiểu rõ nhu cầu.
Sử dụng quá nhiều lưu trữ mở
Các hệ kệ mở trông rất đẹp trên ảnh mạng xã hội, nhưng thực tế lại rất khó duy trì sự gọn gàng. Chúng dễ biến thành nơi bày bừa hơn là lưu trữ thực tế. Nếu bạn không thuộc tuýp người ngăn nắp bẩm sinh, đừng cố ép mình sử dụng kệ mở.
Thay vào đó, hãy áp dụng quy tắc 80/20: 80% vật dụng nên để trong không gian đóng (tủ, ngăn kéo), 20% để ngoài trưng bày. Sự cân bằng này vừa đảm bảo công năng, vừa giữ cho không gian không quá rối mắt.
Giữ lại những món đồ không cần thiết
Chúng ta thường có xu hướng giữ lại các món đồ để dành, dù không còn dùng nữa từ hộp đựng iPhone đến quần áo không còn vừa. Dù có được sắp xếp gọn gàng, chúng vẫn chiếm chỗ của những thứ cần thiết.
Hãy tự hỏi nếu bây giờ chưa có món này, bạn có bỏ tiền ra mua lại không? Nếu món đồ bị hỏng, bạn có cố sửa hoặc thay thế không? Nếu câu trả lời là không, có lẽ bạn nên loại bỏ nó.