Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.
Chúng ta nói được với nhau, giải thích được cho nhau mọi thứ trên đời một cách dễ dàng và đầy thuyết phục. Kể cả những thứ chúng ta hiểu rất ít và thậm chí là cả những thứ chúng ta thực ra không hiểu gì. Đó chính là tư duy ngụy biện.
Xin hãy trung thực với mình! Thử hỏi có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều tốt không vì mục đích cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì noi gương người tốt việc tốt.
Nói cách khác, một người tốt hoặc xấu không phải vì người khác tốt hoặc xấu, mà vì các lợi ích mà hành động tốt hoặc xấu có thể mang lại cho chính người đó.
Dưới đây là 9 câu “ngụy biện” kinh điển mà rất nhiều người trong số chúng ta vẫn thường dùng, chứng minh rằng “thói quen ngụy biện” dần dần đã trở thành “tư duy” mất rồi. Việc của bạn là hãy soi kỹ bản thân, nếu mắc phải hãy nhanh chóng sửa đổi để bản thân tiến bộ hơn.
1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, cớ gì không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của đối phương? Việc này cũng giống như là khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại bốp chát: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”
2. “Nó bắt trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết lại bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”. “Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai. Hai sai không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.
3. “Có làm được gì cho đời đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.
4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Lại một hình thức “lạc đề”. Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại cứ phải công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?
5. “Nếu không hài lòng thì biến ra chỗ khác”
Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn đề, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.
6. “Những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ”
Câu khẩu hiệu vơ đũa cả nắm này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ?
7. “Ai mà chẳng thế...Xã hội thiếu gì... Đầy người như thế...."
Vì đầy người vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì người ta xả rác bừa bãi, nên tôi cũng xả rác. Vì người ta thế nọ nên tôi cũng thế kia. Bạn như một cái máy photocopy, làm theo mọi thứ của đám đông, bất cần biết hành vi đó đúng hay sai.
8. Tại sao anh dám nói chúng tôi sai”
Kiểu lập luận chụp mũ này nghe đơn thuần ít ai nhận ra nó là một lời ngụy biển đẳng cấp. Khi là một cuộc tranh luận giữa các cá thể mà dùng các đại từ chung như “chúng tôi” thế này, thế kia… trong khi chưa có được sự thống nhất của tập thể, hoặc là tập thể không hề có chung quan điểm với người nói.
Câu nói này không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện chụp mũ cho những người khác cũng giống như mình. Rồi lấy cái số đông “chúng tôi” đó để lôi kéo, chèn ép và bịt miệng đối phương.
9. “Giả sử anh là họ thì anh có làm được không mà đã nói…”
Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.
Tất nhiên trên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Sự ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của chúng ta.
Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm lý tranh đấu, hiếu thắng và không hề tôn trọng người đối diện. Thêm vào đó, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.