Kỹ năng sống

Đi xin việc thực chất là đi "bán mình", bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì hãy "bán" cho đúng giá!

Có thực tế, một bộ phận bạn trẻ ngày nay tốt nghiệp ra trường và cầm hồ sơ đi xin việc với tâm thái của "kẻ ngã cây". Xin việc không phải vì yêu thích lĩnh vực các bạn đang theo đuổi, mà đơn giản chỉ vì: Tốt nghiệp - tìm chỗ làm ổn định cho "đúng quy trình" của một đời người. Đi làm lúc này giống như khoảng thời gian lấp chỗ trống để tránh né số phận thất nghiệp. Không đầu tư, không tìm hiểu kỹ càng, thái độ không hiểu mình, không hiểu người, mơ hồ về yêu cầu của nhà tuyển dụng, khiến các bạn biến công ty của người ta thành cái chợ: Thích thì đến, không thích thì đi. Công ty hàng trăm, hàng nghìn nhân viên, ai cũng à uôm, nghiệp dư như bạn thì thử hỏi công ty ấy sẽ đi về đâu? 

Chưa kể, có bạn còn mang tâm thế "ảo tưởng sức mạnh". Ôm giấc mơ lớn là tốt, nhưng mới bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp đã nhầm tưởng mình là nhân vật tầm cỡ, dẫn đến cách ứng xử không phù hợp là điều rất lố bịch. Sở dĩ nói vậy, bởi có bạn mới ra trường, không kinh nghiệm, đã đòi hỏi mức lương "trên trời" bằng người ta cật lực phấn đấu tới 5 - 10 năm. Bạn quên mất một điều: tòa lâu đài được xây dựng từ những viên gạch nhỏ, giấc mơ lớn bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ. 

Tôi nhớ, trước đây, trong một buổi giao lưu hướng nghiệp, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã có một ví von hết sức xác đáng, đại ý: Đi xin việc thực chất là đi "bán mình", nơi xin việc là thị trường lao động, nhà tuyển dụng thực chất là đi "mua người". Bạn cần là học cật lực, tạo nội hàm cho mình gồm có: kiến thức, kĩ năng, thái độ, khí chất. Hãy thể hiện khả năng của bạn để người ta phải hiểu rõ giá trị của bạn, bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì cho họ biết đúng giá của bạn. Đằng sau thành công bao giờ cũng có bóng dáng của lao động, không thể có con đường nào khác. 

Thực chất, người nào dùng sở trường của mình để làm việc thì chỉ mất 1/3 của cuộc đời để thành “ngôi sao” trong lĩnh vực đó. Nếu làm bằng sở đoản vì không hiểu mình thì cả cuộc đời chỉ là nhân vật trung bình trong lĩnh vực mà mình góp mặt hoặc là thất bại”.

Đi xin việc thực chất là đi bán mình, bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì hãy bán cho đúng giá! - Ảnh 1.

Dưới đây là 6 lời khuyên đúc rút cho những người trẻ đang bắt đầu tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm một công việc chuyên nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp. 

1. Tập làm những việc mà bạn cho rằng dễ, chưa xứng với "vị thế bằng cấp" của mình

Đừng nề hà, đừng cảm thấy khó chịu khi được giao làm những công việc dễ hơn năng lực của bạn. Bạn được tuyển dụng vào làm một kỹ sư phần mềm nhưng chị kế toán nhờ bạn bấm lại dây mạng hay bạn được tuyển dụng làm chuyên viên content marketing nhưng chị lãnh đạo nói bạn đi tổng hợp các website trong ngành ô tô, độ khó không có chỉ tốn nhiều thời gian...

Đôi khi những công việc như vậy giúp chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn và đôi tay của một người thợ. Sau này, "lỡ" trở thành lãnh đạo bạn sẽ thấy rằng kỹ năng đó là cần thiết.

2. Đặt một mục tiêu ngắn, trung hạn vô cùng nhỏ

Những mục tiêu nhỏ và trong khả năng thực hiện, ví dụ: tự mua được chiếc máy tính, được đi ra nước ngoài du lịch/công tác... Khi thực hiện được những mục tiêu nhỏ đó, bạn sẽ có động lực để thực hiện những dự định khác, to lớn hơn. 

Phần lớn nhiều người trẻ đều nghĩ rằng với mức lương của mình hiện tại thì chắc "ba đời" không mua nổi một ngôi nhà, vậy nên không cần phải tiết kiệm. Điều đó vừa đúng vừa không đúng. Đúng ở yếu tố số học. Nhưng lại chưa đúng ở điểm bạn chưa biết dùng hàm số mũ và chưa tính được giá trị thặng dư theo năm tháng.

Mới đi làm tất nhiên không mua được nhà. Nhưng có thể mua được những thứ đơn giản hơn nếu bạn có kế hoạch, dám lập kế hoạch để hướng tới mục tiêu đó. Biết đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, hoàn thành nhiều mục tiêu nhỏ thì mục tiêu to sẽ tự hoàn thành. 

Tôi nhớ rằng mục tiêu nhỏ đầu tiên của mình từ khi bắt đầu kiếm được tiền bằng việc dạy gia sư là có đủ tiền để mua vé máy bay đi Singapore. Trước năm 2004, tôi chưa từng được đi máy bay.

Đi xin việc thực chất là đi bán mình, bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì hãy bán cho đúng giá! - Ảnh 2.

3. Khi đi xin việc, đừng hỏi tôi sẽ được trả bao nhiêu mà hỏi tôi sẽ được làm việc với ai và được làm công việc gì

Năm 2009, khi mới khởi lập công ty được gần một năm, tôi đã gặp 5 - 6 bạn sinh viên mới ra trường ở Hồ Chí Minh và đề nghị mức lương 900 USD. Ưu điểm duy nhất mà tôi cảm nhận trực tiếp được từ bạn là nói tiếng anh khá lưu loát. Tôi là CEO lúc đó mức lương cũng chỉ có 7 triệu đồng.

Đề nghị lương cao không sai. Nhưng nó không nên là điều kiện tiên quyết. Những năm đầu, các bạn nên đặt yếu tố học hỏi, tích luỹ kiến thức, cơ hội thăng tiến lên trên hết. Đừng hi vọng rằng sau 3 năm bạn sẽ thành người giàu có từ lương mình nhận được. Mà hãy hi vọng sau 3 năm bạn sẽ là người có chuyên môn uyên bác từ công việc bạn được làm.

4. Đọc nhiều, tìm hiểu, hoàn thiện các kỹ năng 

Đừng dành thời gian đọc những tin tức vô bổ, vừa mất thời gian vừa đem lại năng lượng không tốt. Thay vì đó, hãy cố gắng trở thành một người toàn diện hơn bằng cách đọc, tìm hiểu nhiều thông tin hữu ích, hoàn thiện các kỹ năng còn yếu và phát triển thêm kỹ năng ở các lĩnh vực mới. 

Hãy gắng cải thiện trình độ thông thạo khi làm việc với văn bản, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng phân tích dữ liệu, không ngừng đưa ra các ý tưởng sáng tạo và khả thi. 

Nên nhớ, rường đại học dạy bạn nhiều điều, nhưng việc học tập sẽ là không bao giờ kết thúc. Trong suốt sự nghiệp của mình, bạn cần phải có được và phát triển những kỹ năng nhất định. 

Đi xin việc thực chất là đi bán mình, bạn xứng đáng với mức lương bao nhiêu thì hãy bán cho đúng giá! - Ảnh 3.

5. Làm những công việc mà bạn chưa từng được đào tạo hay hiểu biết

Các bạn nhìn mà xem, rất nhiều người đã thành công với ngành nghề chả liên quan gì đến tấm bằng đại học của mình. Tôi là một người cực kỳ may mắn khi đến tận bây giờ vẫn được làm công việc về IT mà mình được đào tạo. Nhưng phần lớn không được may mắn như thế. Công việc từ những môn "trái ngành" cho bạn sự trải nghiệm phong phú, kinh nghiệm và sự hiểu biết rộng hơn. Những người làm được việc trái nghề cũng là người có khả năng thích ứng, năng lực sinh tồn cao hơn bình thường.

6. Bắt đầu tìm bạn đời một cách nghiêm túc

14 năm nhìn lại từ bản thân mình và những người bạn quanh mình mới thấy rằng đôi khi tất cả những nỗ lực, những thành công trong sự nghiệp chỉ một chốc một lát tiêu tan vì những thay đổi liên quan đến người bạn đời. Thời thiếu nữ say mê, thời trai trẻ diệu kì ai mà không có những yêu đương lãng mạn. Điều đó cũng tốt cho cảm xúc, cho kỉ niệm.

Nhưng người khôn thì nên có những mục tiêu cụ thể hơn, lí trí hơn để sau này không phải kêu ca: "Số tao nó thế, cái duyên cái số nó chụp lấy nhau". Chuyện tình yêu không giống như chuyện cổ tích đâu. Hãy tìm một người thật giàu trí tuệ và khát vọng mà yêu chứ đừng tìm một người giàu... bố mẹ.

(Bài viết tham khảo Youth Confessions/YBox)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm