Trẻ con thường rất tinh ý và nhanh nhạy trong mọi tình huống. Chúng có thể thấy và bắt chước mọi thứ cha mẹ làm, gồm cả cách kiếm tiền, tiêu tiền hay cách nhìn nhận về tiền bạc.
Dạy trẻ biết về giá trị của đồng tiền ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp chúng biết chịu trách nhiệm khi trưởng thành, khi mà chúng có thể gặp phải những thách thức tài chính trong tương lai.
1. Rèn luyện thói quen tiêu dùng thông minh ngay tại nhà
Mỗi gia đình luôn phải chi trả một khoản tiền tương đối lớn cho các hóa đơn điện, nước, internet và các dịch vụ khác hằng tháng. Quả thực, những hóa đơn ấy có thể trở thành gánh nặng bất cứ lúc nào nếu gia đình bạn không biết tiết kiệm ngay từ điều nhỏ nhặt nhất.
Hãy yêu cầu trẻ vào mỗi tối phải tắt hết bóng điện không cần thiết, rút hết thiết bị không sử dụng và kiểm tra cẩn thận tất cả các vòi nước xem có bị rò rỉ hay không.
Những hành động tưởng chừng vô cùng đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giúp trẻ góp công tiết kiệm tiền cho gia đình mà còn giúp chúng hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm các nguồn năng lượng.
2. Giảng giải cách tạo các quỹ ngân sách đơn giản
Thời điểm thích hợp để hướng dẫn trẻ tạo các quỹ tiền khác nhau chính là lúc cho trẻ tiền tiêu vặt.
Cha mẹ có thể dạy con chia khoản tiền đó thành hai phần, một phần cho các bữa ăn ở trường và phần còn lại để tiết kiệm. Đến dịp lễ tết hay kỷ niệm, cha mẹ hãy để trẻ dùng chính số tiền tiết kiệm được để mua quà tặng cho bạn bè, người thân.
3. Cho trẻ thấy có nhiều trò chơi thú vị không tốn tiền
Hầu hết, chúng ta thường nghĩ cách để gắn kết gia đình là đi mua sắm, đi xem phim, ăn nhà hàng,... nhưng tất cả những cách đó đều tốn khá nhiều chi phí. Đừng tạo ra áp lực cho chính bản thân mình khi mà lúc nào cũng có ý nghĩ phải đáp ứng được những hoạt động đó cho gia đình ít nhất là mỗi cuối tuần.
Cha mẹ có thể lập kế hoạch cho các hoạt động không tốn nhiều chi phí như cùng nhau nấu ăn tại nhà hoặc đi cắm trại , có thể cắm trại ngay trên sân vườn nhà mình.
4. Rèn luyện chi tiêu có trách nhiệm
Hãy dạy trẻ phân biệt giữa "Cần" và "Muốn" bằng cách để trẻ học từ các lựa chọn tài chính của chúng. Nếu trẻ khăng khăng đòi mua một món đồ chơi kém chất lượng rẻ tiền, hãy để chúng mua. Nếu món đồ chơi đó bị hỏng, đừng nói kiểu như "Mẹ đã nói rồi mà". Thay vào đó, hãy khiến trẻ nhận ra sai lầm của mình. Có như thế, trẻ sẽ có ý thức hơn về quyết định của mình và sẽ tiến bộ hơn.
5. Dạy trẻ nguyên tắc "chi tiêu, tiết kiệm và sẻ chia"
Theo nguyên tắc này, trẻ có thể tự chia khoản tiền tiêu vặt của mình thành ba phần: Một phần cho chi tiêu như là mua đồ dùng học tập, một phần tiết kiệm như là cho một món đồ chơi đắt tiền đã để mắt đến, phần còn lại cho sẻ chia ví dụ như quyên góp quần áo mà đã mặc chật.
6. Chia sẻ với trẻ các trải nghiệm về tiền bạc
Hãy tâm sự với trẻ về công việc đầu tiên bạn làm hoặc cách mà bạn làm để mua được ngôi nhà đâu tiên hay chiếc xe hơi đầu tiên, hay thậm chí là cách bạn đã keo kiệt và tiết kiệm để có tiền đi mua sắm.
Nghe các trải nghiệm cả tốt lẫn xấu sẽ giúp trẻ hiểu biết cách xử lý tài chính thông minh quan trọng như thế nào.
7. Nói chuyện về đầu tư và các cách tiết kiệm cho tương lai
Trẻ con thường chỉ có thể suy nghĩ những việc gần ngay trước mắt. Nên cha mẹ hãy dạy trẻ biết suy nghĩ về lâu về dài, đặc biệt khi liên quan đến tiền bạc. Hãy định nghĩa đầu tư một cách thật đơn giản để trẻ hiểu, ví dụ nói chuyện về việc mua bảo hiểm nhân thọ hay gửi tiền tiết kiệm để cho sự nghiệp học hành của trẻ sau này,...
Đừng do dự nói chuyện tiền bạc với trẻ. Học quản lý tiền bạc là một quá trình liên tục, kể cả đối với hầu hết những người đã trưởng thành. Dù cha mẹ có trang bị cho trẻ những thói quen tài chính thông minh nào thì chúng đều có thể mang theo suốt cuộc đời.