Cây bút David O., người sở hữu hơn 130.000 người theo dõi trên trang The Rich Culture Media, cho rằng: Dưới đây là 6 điều giúp người giàu bảo vệ tài sản và của cải của mình khi đối mặt với thời kỳ suy thoái.
1. Họ cho vay tiền
Khi lãi suất tăng cao, lạm phát cũng thường tăng theo. Đây là lý do tại sao người giàu không gửi tiền tiết kiệm, bất chấp những lãi suất hấp dẫn. Vì nếu thực sự điều chỉnh theo lạm phát, các con số đó chưa chắc đã đồng nghĩa với lợi nhuận. Thay vào đó, người giàu cho vay.
Trong giai đoạn nhạy cảm, những người dám đi vay thường là những người có kỹ năng. Họ là những người kinh doanh biết mình đang làm gì và trân trọng từng đồng tiền vay được từ người khác.
Vì vậy, họ sẽ dùng số tiền đó để đem về lợi nhuận, sau đó trả lãi suất (cao hơn so với lãi suất tiết kiệm). Nhờ thế, người cho vay nhận được nhiều giá trị hơn cho số tiền của họ.
2. Họ mua tài sản giá rẻ
Khi nhận thấy giá trị tài sản bị giảm phát, nhiều doanh nghiệp gặp khủng hoảng cũng bán thanh lý tài sản, người giàu ngay lập tức xuất hiện. Giá điều chỉnh xuống tạo cơ hội cho người giàu mua rẻ, đặc biệt là trong thị trường bất động sản cũng như sở hữu các tài sản trí tuệ.
Việc quy đổi tiền mặt thành tài sản cũng giúp người giàu bảo vệ của cải tốt hơn vì tài sản sẽ không ở mức thấp mãi mãi. Đối với những tài sản có thời hạn sử dụng lâu dài, họ có thể an tâm chờ giá cả tăng vọt trở lại.
3. Họ không bán ra
Người giàu không bán tài sản của họ trong thời kỳ này. Một nhà đầu tư bất động sản thành công ở Mỹ cho biết, những thương vụ duy nhất mà cô hối hận chính là những lần bán ra. Cô cho rằng, nên mua và nắm giữ dài hạn sẽ giúp con đường trở nên giàu có bền vững hơn.
Người giàu thường chỉ bán ra khi họ muốn tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống hoặc trong công việc kinh doanh của họ. Hầu hết họ đều có thói quen nắm giữ tài sản lâu dài, không để tâm tới giá trị lên xuống mỗi ngày theo thị trường. Nếu không có vấn đề gì xảy ra, họ sẽ không bán.
4. Họ thành lập tổ chức phi lợi nhuận
Các tổ chức phi lợi nhuận là một cách tốt để người giàu giảm chi phí trả cho các khoản thuế khổng lồ. Thay vì nộp thuế, họ có thể chi tiêu trực tiếp vào những việc quan trọng về mặt xã hội, hoặc ít nhất là quan trọng đối với họ.
Nhưng hơn thế nữa, nó còn là con đường dẫn dòng của cải mà ít hoặc không phải chịu sự can thiệp. Gần đây, Giám đốc điều hành của Patagonia đã làm điều này.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng các tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu được thành lập vì lợi ích xã hội. Điều này không sai, nhưng hiển nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng không kém là người giàu muốn bảo vệ giá trị tài sản của mình. Kết quả cuối cùng chính là mối quan hệ win-win, tốt cho cả bản thân họ cũng như xã hội.
5. Họ mua các loại hàng hóa đa dạng
Không chỉ thu mua các mặt hàng quý đang được thanh lý giá rẻ, người giàu cũng chi tiền để đa dạng hóa "danh mục hàng hóa" của mình. Vàng và bạc là những ví dụ phổ biến nhất trong số này, nhưng không phải là tất cả.
Trên thực tế, với tình hình đặc biệt của năm 2022, hầu hết các mặt hàng thường được sử dụng đều tăng giá. Ví dụ về những thứ này là dầu thô, ngũ cốc, nguyên vật liệu, v.v. Mọi người sẽ luôn cố gắng duy trì mức sống của họ. Và do đó, tiêu thụ nhu yếu phẩm sẽ không giảm. Thay vào đó, nó sẽ tăng lên khi có nhiều người tranh giành nó hơn.
Suy thoái hay không suy thoái, người ta vẫn phải ăn, phải làm việc, phải sản xuất. Mọi người cần hệ thống sưởi ấm vào mùa đông. Mọi người cần điện thoại của họ được sạc. Các mặt hàng cung cấp năng lượng cho những khía cạnh cơ bản của cuộc sống con người hiện đại vẫn có nhu cầu cao. Do đó, giá của chúng không chỉ không giảm, mà còn tăng lên, rất có lợi cho những người mua tích trữ lượng lớn ngay từ đầu.
6. Họ không cắt giảm chi phí
Nhiều người thường xuyên cắt giảm chi phí trong thời kỳ khó khăn. Và đó là con dao hai lưỡi. Tâm lý chi tiêu dè sẻn sẽ lan ra và khiến doanh thu của chính họ cũng bị ảnh hưởng khi nhiều người khác không muốn bỏ tiền. Do đó, chất lượng cuộc sống bắt đầu đi xuống.
Giảm chất lượng cuộc sống là điều mà hầu hết người giàu đều không muốn đối mặt. Nếu cần phải thay đổi, họ sẽ chọn chiều đi lên và cố gắng phấn đấu để đảm bảo chất lượng cuộc sống của mình ngày một cải thiện. Vì vậy, cắt giảm chi phí thực sự không phải là một điều khôn ngoan đối với họ.
*Theo Rich Culture Media