Nexus Q
Nexus Q ra mắt 2012, là thiết bị truyền tải nội dung từ Google Play lên các thiết bị phát hình và tiếng. Sản phẩm có thiết kế hình quả cầu cùng một số cổng kết nối.
Sản phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý nhưng đã thất bại ngay từ khi ra đời bởi hàng loạt nguyên nhân. Thay vì tạo hệ điều hành riêng, Nexus Q chạy một phiên bản Android tùy biến ít tính năng, bị giới hạn do chỉ có thể được điều khiển từ máy tính bảng hoặc smartphone Android qua Wi-Fi. Các dịch vụ trực tuyến cũng chỉ gói gọn trong nền tảng của Google như Google Music, Google Play và YouTube mà không có ứng dụng bên thứ ba như Netflix hay Spotify. Sang năm 2013, Google dần ngừng sản xuất Nexus Q.
Google Glass
Kính thông minh Google Glass được trang bị camera 5 megapixel hỗ trợ quay video độ phân giải HD 720p, hỗ trợ Wi-Fi và Bluetooth, tích hợp tai nghe sử dụng công nghệ truyền âm thanh qua xương. Ở sát gọng kính còn có một màn hình nhỏ, cho phép người dùng xem thông tin.
Google Glass được đánh giá là thiết bị của tương lai, nhưng thất bại do ít tính năng, dễ hỏng, bị lo ngại về nguy cơ vi phạm quyền riêng tư và nhất là mức giá 1.500 USD đắt đỏ khi đó.
Google Project Tango
Nền tảng Tango, ra năm 2014, là nỗ lực đi trước thời đại của Google trong việc đưa AR vào điện thoại. Tuy nhiên, cách tiếp cận sai khiến công nghệ tương tác thực tế ảo này chết yểu.
Cụ thể, Tango yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại phải triển khai phần cứng đắt tiền để mô phỏng và xây dựng mạng lưới không gian 3D. Bản thân công nghệ Tango được khen ngợi, nhưng smartphone hỗ trợ chúng bị đánh giá cồng kềnh, tốn kém và chậm chạp, đồng thời ứng dụng hỗ trợ cũng hạn chế. Cuối cùng, nền tảng bị Google "khai tử" năm 2018, chỉ để lại phần "hồn" là ARCore cho các ứng dụng sau này.
Daydream
Đây là nỗ lực khác của Google trong việc phổ biến công nghệ thực tế ảo VR, AR. Sau thành công của Cardboard giá rẻ, phiên bản Daydream ra đời năm 2016 và được thiết kế cao cấp, cho cảm giác đeo thoải mái hơn. Tuy nhiên, tính năng hạn chế khiến sản phẩm nhanh chóng đi vào quên lãng. Google ngừng sản xuất thiết bị này năm 2019.
Project Ara
Dự án Project Ara của Google đã được nhiều người biết đến với tham vọng xây dựng một điện thoại tùy biến, giúp không phải cố nhồi nhét các tính năng vào trong một thiết bị nhỏ bé. Họ chỉ cần chọn module linh kiện quan trọng nhất và khi cần có thể bổ sung, thay thế tùy theo nhu cầu.
Dù được kỳ vọng là điện thoại của tương lai, Project Ara sớm đi vào quên lãng do việc hoán đổi các module thực tế không đơn giản như ý tưởng, phần mềm khó tương thích, ít nhà sản xuất tham gia làm module. Dự án điện thoại "xếp hình" ra đời năm 2015 và bị khai tử sau đó một năm, khi chưa có bản thương mại nào được tung ra thị trường.