Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank mùa 5 mới đây đã chính thức trở lại sau nhiều sự chờ đợi của người hâm mộ. Năm nay, Shark Tank mùa 5 bổ sung thêm nhiều luật chơi hứa hẹn sẽ khiến các cuộc cạnh tranh đầu tư trở nên hấp dẫn hơn so với các mùa trước như Golden Ticket (vé vàng).
Với Golden Ticket, các nhà đầu tư sẽ chi tiền trực tiếp trên sân khấu Shark Tank để giành quyền đàm phán với các startup. Các startup sẽ nhận được số tiền ghi trên Golden Ticket bất chấp việc có đàm phán “chốt deal” thành công hay không.
Mở màn Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank mùa 5 là ông Lê Lưu Dũng cùng startup Jungle Boss, chuyên kinh doanh mảng du lịch mạo hiểm, khám phá hệ thống hang động tại vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ông Dũng đến Shark Tank để kêu gọi 12 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần công ty. Trong cơ cấu cổ đông, ông Dũng chiếm 80% cổ phần công ty và một cổ đông còn lại chiếm 20%.
Hiện tại, Jungle Boss đang cung gấp khoảng 80 sản phẩm du lịch mạo hiểm với mức độ phù hợp đa dạng cho nhiều độ tuổi khác nhau. Sản phẩm đang mang lại doanh thu lớn nhất cho Jungle Boss ở thời điểm hiện tại là tour khám phá Hố sụt Kong (chi phí khoảng 35 triệu đồng/tour 5 ngày 4 đêm, bao gồm 1 ngày học kỹ năng).
Về số lượng khách du lịch, mỗi ngày Jungle Boss được đón tối đa 10 khách và các tour du lịch được thực hiện theo cách “cuốn chiếu”, khởi hành liên tục để các khách du lịch gặp nhau. Như vậy, theo lý thuyết, Jungle Boss có thể phục vụ tối đa khoảng 3.600 khách một năm.
Kênh bán hàng của Jungle Boss hiện tại chủ yếu là kênh online (chiếm 90%). 10% còn lại được bán thông qua hệ thống đối tác ở Việt Nam và quốc tế. Lượng khách quốc tế đến với Jungle Boss chiếm khoảng 90% và 10% còn lại là khách Việt. Dù vậy, sau dịch COVID-19, khách Việt vươn lên chiếm 90% tỷ trọng khách của Jungle Boss. Ông Dũng kỳ vọng lượng khách quốc tế sẽ tăng trở lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Năm 2018, Jungle Boss có doanh thu 18 tỷ và lợi nhuận 4 tỷ. Năm 2019 là năm kinh doanh bùng nổ nhất của Jungle Boss với doanh thu gần 23 tỷ và lợi nhuận 5 tỷ trước khi COVID-19 ập đến.
Shark Bình và Shark Phú rất quan tâm đến khả năng gia tăng quy mô của Jungle Boss. Về vấn đề này, ông Dũng cho rằng cơ hội nằm ở việc Jungle Boss đang triển khai nhiều sản phẩm với mức giá thành cao hơn giai đoạn đầu của startup này.
Trong khi đó, Shark Liên đặt ra câu hỏi về vấn đề làm sao để tăng được doanh số trong khi vẫn duy trì được hệ sinh thái tự nhiên. Xuất thân là một nhà bảo tồn thiên nhiên, ông Dũng khẳng định đây là một khía cạnh được quan tâm của Jungle Boss. Bên cạnh đó, để Jungle Boss có thể hoạt động, đề án kinh doanh đệ trình lên cơ quan quản lý của startup này cũng cần nêu rõ các biện pháp sẽ triển khai để bảo vệ môi trường, ví dụ như hệ thống nhà vệ sinh đặc thù, thức ăn, rác thải đều do chính Jungle Boss vận chuyển ra – vào hang động.
Trong chương trình, ông Dũng cũng cho biết Jungle Boss đang lên kế hoạch triển khai dịch vụ dù lượn tại Phong Nha Kẻ Bàng hay glamping (cắm trại cao cấp). Đây cũng sẽ là một cơ sở để tăng mức doanh thu và hiệu quả khai thác. Hiện tại, ông Dũng nói rằng Jungle Boss mới chỉ khai thác được mốc 30% công suất như kỳ vọng.
Shark Hùng Anh, trong lần đầu tiên xuất hiện ở Shark Tank, đặt ra câu hỏi về nguồn khách quốc tế. Ông Dũng cho biết khách quốc tế đến từ Châu Âu (Anh, Hà Lan, Đức, Đan Mạch) và Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).
Do Jungle Boss có tỷ xuất lợi nhuận tốt và hoàn toàn có thể tái đầu tư để phát triển, Shark Phú thắc mắc về động lực gọi thêm vốn của startup này. Ông Dũng nói rằng một trong những lý do muốn gọi thêm vốn là để tăng quy mô thông qua mở rộng mô hình tại các địa phương khác đồng thời hướng đến mục tiêu doanh thu 60 tỷ vào năm 2023 và 100 tỷ vào các năm tiếp theo.
Sau khi nghe trình bày về các con số tài chính, Shark Phú vẫn cho rằng Jungle Boss không cần gọi thêm vốn đầu tư. Bên cạnh đó, startup này cũng không phù hợp với hệ sinh doanh của ông, Shark Phú ra quyết định không đầu tư. Shark Liên cũng đưa ra quyết định tương tự.
Shark Hùng Anh là người đầu tiên đưa ra lời mời đầu ở mức 20 tỷ cho 45% cổ phần (định giá pre-money khoảng 24 tỷ). Shark Hưng cũng “ra deal” 12 tỷ cho 28,5% cổ phần (định giá pre-money 30 tỷ). Mặc dù cho rằng Jungle Boss có mức định giá cao hơn so với thông lệ ngành tổ chức tour, Shark Bình vẫn “mạnh dạn” đưa ra lời mời đầu tư 12 tỷ cho 25% cổ phần (đình giá pre-money 36 tỷ).
Ngay sau khi Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư, Shark Hùng Anh điều chỉnh lại đề nghị của mình thành 20 tỷ đổi lấy 30% cổ phần (định giá 46 tỷ). Ông Hùng Anh khẳng định kinh nghiệm của ông ở mảng digital marketing có thể giúp Jungle Boss tiếp cận được với tập khách hàng nước ngoài.
Đến đây, Shark Hưng chi 100 triệu đồng cho Golden Ticket để giành quyền thương thuyết với Jungle Boss. Tỏ ra rất quan tâm đến startup “hàng hiếm” này, Shark Hùng Anh cũng sử dụng Gold Ticket. 2 Shark liên tục tăng gía trị của Golden Ticket sau đó để chốt lại bằng mức giá 400 triệu đồng của Shark Hưng.