Xuất thân là kỹ sư xây dựng, anh Sỹ lại ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra. Nhưng mải mê theo đuổi các công trình, dự án khiến chàng trai sinh năm 1989 không thể thực hiện được ước mơ của mình.
Đầu năm 2020, Phạm Viết Sỹ không may bị tai nạn lao động. Sau hơn 3 tháng nằm viện điều trị, anh trở về quê bắt đầu đào ao thả ốc.
Sau thời gian tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo về kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, anh đầu tư hơn 150 triệu đồng thuê 35.000m2, đào 9 ao và mua 150.000 ốc bươu giống ở Thanh Hoá về thả nuôi.
Bắt đầu khởi nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên ốc giống phát triển rất chậm. Không nản lòng, anh lại tìm đến các trang trại lớn làm ăn hiệu quả tại các tỉnh thành khác như Nghệ An, Thanh Hoá để mày mò học hỏi thêm. Đặc biệt, anh Sỹ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ốc bươu do Hội Nông dân huyện Can Lộc tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm. Trời không phụ công người, trong những lần nuôi tiếp theo, nhờ nắm vững kỹ thuật nên ốc dần phát triển và sinh trưởng tốt.
Theo anh Sỹ, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm; nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm các bệnh như đường ruột, sưng vòi… Vì vậy, trước khi thả giống phải xử lý ao nuôi bằng vôi can xi (Dolemit).
Trong quá trình nuôi cứ 10 ngày lại tiếp tục rải Dolemit 1 lần để xử lý ao nuôi giúp ốc khỏe mạnh, nhanh lớn. Nuôi ốc bươu đen cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là bèo cám, bèo hoa dâu, lá sắn, mướp, bầu bí rất rẻ và dễ tìm.
Đặc biệt, ốc bươu đen chịu nhiệt kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng. Còn trong mùa đông, ốc gần như không hoạt động nên người chăn nuôi cần phải giảm bớt nước trong hồ, thả nhiều bèo để giữ ấm cho vật nuôi.
Anh Sỹ cho biết thêm, nuôi ốc bươu đen dễ chăm sóc, không mất nhiều công sức, thời gian thu hồi vốn nhanh. Khi ốc đẻ trứng, cần thu gom các tổ trứng cho vào bể riêng, lắp đặt bóng điện và phun nước hàng ngày tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển, khoảng 20 ngày là bán được.
Nhờ nắm vững các kỹ thuật, hiện nay, gia đình anh đã có 9 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. Tùy thời điểm ốc có giá khác nhau nhưng dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg đối với ốc thịt; 3,5-4 triệu đồng/kg đối với ốc giống; 150.000-250.000 đồng/kg ốc bố mẹ; 2-3 triệu đồng/kg trứng ốc.
Dù mới nuôi nhưng 2 năm qua (2020, 2021) đã mang lại nguồn thu nhập 400 triệu đồng cho gia đình anh, trong đó có 150 triệu đồng từ ốc giống còn lại là ốc thương phẩm.
Hiện nay, ốc bươu đen là món ăn được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao nên đầu ra rất dễ. Cũng vì lẽ đó nên thời gian tới anh Sỹ sẽ tiếp tục mở rộng thêm 3 - 5 ao nuôi.
Theo ông Nguyễn Hữu Hài - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc: Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện trong việc đa dạng hóa cơ cấu con nuôi. Vì vậy, mô hình này cần được xem xét và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.