Không dễ để biết phải ứng xử thế nào khi không hài lòng với công việc. Liệu bạn sẽ vượt qua được tâm trạng đó? Hay bạn nên dành thời gian và công sức tìm kiếm một công việc khác và mạo hiểm đi đến một nơi mà có thể cũng không tốt hơn? Nhưng nếu có 5 dấu hiệu dưới đây thì bạn không nên ở lại tổ chức hiện tại.
Môi trường làm việc độc hại
Khi đi làm, bạn có cảm thấy hài lòng về bản thân và công việc không? Có phải công việc đang cản trở sức khỏe tinh thần của bạn, làm gián đoạn giấc ngủ hoặc khiến bạn thiếu kiên nhẫn với những người thân yêu?
Nếu bạn bị nói xấu hoặc thấy mình đang phàn nàn với gia đình và bạn bè về công việc của mình thì đó cũng là dấu hiệu về một môi trường làm việc độc hại, nơi bạn không thể thay đổi được sếp hoặc văn hóa công ty.
Nhưng trước khi bắt đầu tìm việc mới, đầu tiên hãy tự xem lại lời nói và hành động chính mình để xác định bạn có đang góp phần tạo nên sự độc hại đó không. Các dấu hiệu bao gồm việc bạn ngồi lê đôi mách hoặc phàn nàn, nhìn thấy ý định tiêu cực đằng sau mọi quyết định, thể hiện thái độ không tốt hoặc đặt rào cản ngăn cản người khác hoàn thành mục tiêu của họ.
Nếu như vậy, trước tiên hãy điều chỉnh hành vi của mình để xem những thay đổi của bản thân có giúp môi trường làm việc xung quanh tốt hơn không. Còn khi bạn không làm bất cứ điều gì trong số đó, hãy cố gắng tìm ra điều gì khiến văn hóa công ty trở nên độc hại để xem có thể góp phần khắc phục được không. Nếu bạn cảm thấy vấn đề đã ăn sâu vào gốc rễ và không có khả năng thay đổi, việc rời khỏi đó là lựa chọn tốt nhất.
Các giá trị của bạn bị xâm phạm
Nếu bạn cảm thấy thất vọng với công việc, có khả năng ít nhất một trong các giá trị của bạn đang bị xâm phạm. Ví dụ, nếu việc ăn tối cùng gia đình là quan trọng với bạn nhưng sếp liên tục làm gián đoạn vì những nhu cầu không khẩn cấp. Đó là hành vi xâm phạm giá trị.
Cách tốt nhất để hiểu liệu các giá trị của bạn có bị xâm phạm hay không là xác định và sau đó phân loại chúng. Chỉ định cho mỗi giá trị theo thang từ 1 đến 5, với 1 là bạn không hoàn toàn chấp nhận công việc xâm phạm nó, đến 5 là chấp nhận mỗi ngày. Với các giá trị bị đánh giá từ 1 đến 3, hãy xem có cách khắc phục.
Như với bữa tối cùng gia đình, có lẽ hãy nói với sếp rằng bạn sẽ không rảnh trong giờ ăn tối và chỉ có thể sẵn sàng sau đó cho những nhu cầu khẩn cấp. Nếu họ từ chối, có thể công việc không còn phù hợp với các giá trị của bạn nữa.
Không thể phát huy kỹ năng
Hầu hết mọi người muốn kỹ năng của mình được sử dụng và tạo ra ảnh hưởng trong tổ chức. Hãy suy nghĩ về những kỹ năng bạn có và những kỹ năng bạn sẽ cần phát triển để thăng tiến trong sự nghiệp.
Ví dụ, nếu bạn muốn sử dụng các kỹ năng của mình để giải quyết vấn đề nhưng không có cơ hội, nên xem xét liệu bạn có thể đề xuất được giao cho công việc phức tạp hơn hoặc tham gia các cuộc họp thảo luận về những vấn đề này không?
Hoặc nếu bạn muốn quản lý một nhóm, liệu có khả năng chuyển sang vai trò lãnh đạo vào một thời điểm nào đó không? Nếu bạn đang trả lời không cho những loại câu hỏi này, bạn có thể đang trì trệ trong sự nghiệp.
Thiếu cơ hội tỏa sáng
Hoàn thành công việc chỉ là một phần tạo nên thành công lâu dài và thăng tiến. Nếu sếp trao cho bạn cơ hội được thể hiện thông qua làm việc trong các dự án nổi bật hoặc liên chức năng, những người khác có thể nhìn thấy các kỹ năng và năng lực của bạn, giúp bạn tỏa sáng.
Khi mọi người biết bạn là ai và có khả năng làm những gì, bạn đang tạo ra nhận thức về thương hiệu của bản thân. Khi thương hiệu của bạn phát triển, bạn sẽ được công nhận về sự đóng góp cho thành công của công ty.
Khả năng tỏa sáng đó kết hợp với kết quả xuất sắc có thể dẫn đến những cơ hội mới hoặc thăng chức. Nhưng nếu sếp luôn làm lơ, không bao giờ cho bạn trình bày với người quản lý hoặc đồng nghiệp của mình hoặc tham gia vào các cuộc họp cấp cao hơn, không thể xây dựng nhận thức về thương hiệu cá nhân cho bạn. Điều này sẽ khiến bạn khó phát triển hơn.
Bạn thấy thiếu năng lượng
Khi bạn thức dậy vào sáng thứ hai, bạn có sợ phải đi làm không? Hầu hết mọi người đều muốn những ngày cuối tuần kéo dài hơn, nhưng nếu bạn từng là người vượt trội và bây giờ chỉ đang làm ở mức tối thiểu, rất có thể bạn đang cảm thấy không hài lòng.
Khi bạn không còn cảm thấy thú vị hay thất vọng với công việc hàng ngày, có thể nó không còn phù hợp với bạn nữa. Nếu bạn không thể làm gì để tái tạo năng lượng cho bản thân, chẳng hạn như giơ tay ủng hộ một dự án mới thú vị hoặc tìm cách kết nối với công việc bạn đang làm thì một công việc mới có thể là cách tốt nhất để khơi dậy niềm đam mê với công việc trong bạn.
(theo Harvard Business Review)