Hai quý thua lỗ liên tiếp
Nửa cuối năm 2022 là quãng thời gian khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp ngành thép khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá bán thấp, lãi suất và tỷ giá biến động bất lợi.
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) – doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam cả về vốn hóa lẫn sản lượng – chưa công bố báo cáo tài chính nhưng đã ra thông cáo cho biết lỗ sau thuế quý IV ước tính gần 2.000 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát lãi sau thuế hơn 8.400 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2021.
Trong quý I và II/2022, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long lãi hàng nghìn tỷ đồng, lớn hơn tất cả doanh nghiệp thép khác trên thị trường chứng khoán cộng lại. Sang quý III và IV, các khoản lỗ của Hòa Phát cũng đều lớn nhất ngành.
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) từng lỗ ròng 887 tỷ đồng trong quý III/2022 (tức quý IV theo niên độ tài chính của Hoa Sen), nhưng đến quý vừa qua, số lỗ giảm còn 680 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) giảm lỗ từ 567 tỷ còn 410 tỷ. Biểu đồ bên dưới cho thấy Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng giảm lỗ từ gần 419 tỷ còn 356 tỷ. Số lỗ của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS) từ 25 tỷ trong quý III còn 17 tỷ trong quý IV.
Doanh thu và sản lượng đi xuống
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp thép thua lỗ trong quý IV là doanh thu sa sút. Hòa Phát cho biết doanh thu quý vừa qua đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Sen, Nam Kim, VNSteel cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Sản lượng tiêu thụ đi xuống kết hợp với giá liên tục sụt giảm là tác nhân khiến nguồn thu của các doanh nghiệp không còn được như năm trước.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.
Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất ghi nhận sản lượng nhích lên 3%, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Tiêu thụ tôn mạ giảm 22% chủ yếu do thị trường xuất khẩu suy yếu tới 38%. Tình hình bán hàng các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ và ống thép đều ảm đạm khiến sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm hơn 13%.
Nhìn chung, sự suy giảm về sản lượng không làm thay đổi nhiều thứ tự về thị phần. Hòa Phát gia tăng thị phần mảng thép xây dựng và ống thép lên lần lượt 34,8% và 28,5%, giữ vững ngôi đầu toàn ngành.
Thị phần tôn mạ của Hoa Sen giảm từ 35,9% trong năm 2021 còn 28,7% trong năm vừa qua, nhưng vẫn đủ để tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ dẫn đầu thị trường.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), tổng sản lượng thép thô toàn cầu 11 tháng đầu 2022 đạt 1.691 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Worldsteel cũng ước tính nhu cầu thép toàn cầu giảm 2,3% trong năm 2022, còn 1.797 triệu tấn. Bước sang năm 2023, nhu cầu thép được dự báo sẽ phục hồi 1% và đạt 1.815 triệu tấn.
Hòa Phát cho rằng ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Tập đoàn đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Kết phiên đầu năm Quý Mão (27/1), giá cổ phiếu HPG dừng ở 21.500 đồng/cp, tương đương với vốn hóa hơn 125.000 tỷ đồng. Hiện nay HPG là cổ phiếu thép duy nhất có giá trị thị trường nằm trong top 10 sàn HOSE.
Cổ phiếu HSG hiện đang ở mức 14.950 đồng/cp, cao gấp đôi mức đáy hồi giữa tháng 11/2021. Tương tự, NKG cũng đã tăng 113% trong hơn hai tháng qua.