Gửi tiết kiệm - kênh đầu tư tốt nhất
Gửi tiết kiệm được đánh giá là kênh đầu tư sinh lời an toàn nhất hiện nay.
Chị Linh ở Đống Đa, Hà Nội có hơn 2 tỷ đồng và đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Bình thường, sang đầu năm chị sẽ rút số tiền này để đầu tư vào các kênh khác như chứng khoán hay góp tiền mua nhà. Nhưng năm nay, chị vẫn quyết định chưa rút tiền ra ngay mà vẫn để tiết kiệm. Theo chị Linh gửi tiết kiệm vào thời điểm này vẫn là an toàn nhất. Tuy nhiên, sau đó chị vẫn băn khoăn chưa biết sẽ sử dụng khoản tiền đó thế nào.
"Gửi tiết kiệm hưởng lãi suất khá an toàn, nhưng nhiều dự báo sau Tết lãi suất sẽ giảm nên tôi muốn đầu tư vào kênh khác có thể sinh lời hơn. Số tiền hơn 2 tỷ đồng, nếu mua một mảnh đất vùng ven có tốt hơn các kênh đầu tư khác hay không?", chị Linh phân vân.
Gửi tiết kiệm, theo chuyên gia, là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay. Năm 2023 cũng sẽ là năm các dòng tiền tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, lãi suất nhiều ngân hàng hiện nay đã vượt 10%/năm, nên đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận ổn trong năm 2023.
Mua vàng - Kênh đầu tư bền vững?
Vàng cũng là kênh đầu tư khá an toàn và hiệu quả.
Mặc dù không "sốt xình xịch" như những tháng đầu năm nhưng trong năm 2022, vàng vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 9,1%, đạt gần 66,5 triệu đồng/lượng.
Nếu tính ở thời điểm đầu tháng 3/2022, khi vàng miếng SJC ghi nhận mức giá tăng kỷ lục lên 74 triệu đồng/lượng, tức tăng 12,4 triệu đồng/lượng, tương ứng hơn 20% thì sóng vàng năm nay cũng khá mạnh. Tuy nhiên, so với mức giảm khoảng 30 USD/ounce so với đầu năm, xuống 1.798 USD/ounce của vàng thế giới, vàng trong nước "đi quá đà". Sự khan hiếm nguồn cung là nguyên nhân đẩy giá trong nước cao hơn thế giới từ 13 - 20 triệu đồng/lượng tùy theo thời điểm. Thế nên dù đã giảm gần 8 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh hồi tháng 3 nhưng đa số chuyên gia đều cho rằng vàng quá rủi ro để đổ tiền vào lúc này.
Trong bối cảnh hiện nay giá vàng rất khó dự đoán, có thể giảm trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư có tâm lý muốn bắt đáy thị trường nhưng sự thật vẫn không biết đâu là đáy nên cần cẩn trọng.
Bất động sản khó đoán định
Bất động sản vẫn được xem là kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất.
Trong năm 2022, dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có chính sách thắt chặt tín dụng, bất động sản rơi vào ảm đạm. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Lượng giao dịch giảm hơn 50%. Tỷ lệ hấp thụ trung bình chỉ đạt 43%.
Thời điểm đầu năm 2022, thị trường bất động sản thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn năm 2021 do tác động vết "dầu loang" từ kết quả phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm lập đỉnh cuối năm 2021. Tuy nhiên, càng về cuối năm, bất động sản càng giảm mạnh. Chuyên gia cho rằng kênh này hiện thích hợp để đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn và đặc biệt không nên "lướt sóng" kiếm lời.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM lại cho rằng, về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao. Vì thế khi tìm kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nhà đầu tư nên nghĩ đến bất động sản.
Theo ông Châu, thời gian gần đây, lãi suất, lạm phát tăng đã khiến thanh khoản bất động sản giảm và tâm lý thị trường bị xáo trộn. Điều hoang mang nhất là người mua khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong các kênh đầu tư hiện tại bất động sản vẫn được "gọi tên" là nơi trú ẩn an toàn nhất với dòng tiền, được nhà đầu tư quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn coi bất động sản là kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nếu đặt bàn cân với chứng khoán, tiền ảo…
Thận trọng với chứng khoán
Trong năm 2022, chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất trên thế giới, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 34% so với hồi đầu năm.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT HĐQT Công ty cổ phần AZfin Việt Nam cho rằng, 2022 và dự báo trong năm 2023, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường, đặc biệt tâm lý nhà đầu tư vẫn dao động, song chứng khoán vẫn được dự báo tốt hơn nhờ một số yếu tố hỗ trợ chính.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Việc kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế sẽ là điểm sáng để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế cũng đang được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tập trung giải quyết.
"Bên cạnh đó, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn nhất so với các nước trong khu vực. Tôi tin thị trường chứng khoán hút dòng tiền hơn trong thời gian tới", ông Phục nói.