CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay (chỉ sau PV GAS), đồng thời có cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành trong tháng qua.
Kết phiên 27/1, tức ngày giao dịch đầu tiên của năm Quý Mão, BSR bật tăng 6,9% lên 17.000 đồng/cp, tương ứng với giá trị thị trường 52.708 tỷ đồng. So với một tháng trước đó, BSR đã tăng 26,7%.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX) hiện có vốn hóa 48.410 tỷ đồng, giá cổ phiếu PLX cũng đã tăng 24,5% trong một tháng gần đây. Cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) cũng khởi sắc khi đi lên 25,5% trong một tháng, vốn hóa đạt trên 9.900 tỷ đồng.
Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có mức tăng khiêm tốn hơn là 4,9% trong tháng qua. Tuy nhiên trong năm 2022, GAS đã chứng tỏ sự vượt trội khi tăng 8,4%, trái ngược với mức giảm 16% của ngành dầu khí và 18% của VN-Index.
Hiện nay, GAS là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes, và BID của Ngân hàng BIDV.
Triển vọng năm 2023
Trong báo cáo phân tích công bố ngày 27/1 vừa qua, Chứng khoán SSI cho rằng giá dầu có thể giảm từ đỉnh của năm 2022 nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khoảng 80 - 90 USD/thùng trong năm 2023. Nhân tố hỗ trợ giá dầu có thể là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau ba năm phong tỏa Zero COVID, cùng với việc Fed giảm tiến độ nâng lãi suất trong nửa cuối năm.
Ngành khoan dầu có thể hưởng lợi từ hoạt động khoan tích cực hơn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông, mang đến triển vọng tốt hơn cho giá thuê ngày. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông.
Tại Đông Nam Á, tổng hiệu suất hoạt động của giàn khoan JU trên thị trường đạt 90% vào tháng 8/2022, trong khi giá thuê theo ngày ổn định ở khoảng 90.000 USD/ngày trong ba tháng qua, với một số hợp đồng trên 100.000 USD/ngày, theo IHS Markit.
Chứng khoán SSI cho rằng hoạt động E&P (thăm dò và khai thác) của Việt Nam trong những năm tới có thể được hỗ trợ bởi Luật Dầu khí sửa đổi.
Vào tháng 11/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dầu khí sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7/2023), Luật này được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý rõ ràng hơn cho các hoạt động dầu khí, bao gồm cả việc đầu tư mới vào các dự án E&P.
Những thay đổi chính của luật bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi hơn về thuế đối với các nhà đầu tư trong các dự án thăm dò, kéo dài thời gian thực hiện dự án và quá trình thăm dò trong 5 năm, và phân bổ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thành nhà quản lý và nhà đầu tư dự án, giúp rút ngắn quy trình phê duyệt dự án.
Về triển vọng lợi nhuận, SSI cho rằng tác động tích cực của việc giá dầu tăng lên các cổ phiếu thượng nguồn thường có độ trễ so với các cổ phiếu khác. Do đó trong năm 2023, những cổ phiếu thượng nguồn có thể cho thấy diễn biến tích cực sau khi giá dầu lên cao trong năm 2022.
Ví dụ, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling – Mã: PVD) có khả năng sẽ bắt đầu có lãi sau khi chịu lỗ vào năm 2022, nhờ giá thuê ngày của giàn khoan tự nâng và hiệu suất sử dụng cao hơn. Những doanh nghiệp xây lắp như Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (Mã: PVS) có thể phải chờ thêm một thời gian nữa để các dự án dầu khí lớn trong nước khởi động.
Những mã cổ phiếu tập trung vào trung nguồn như PVT có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 chậm hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn duy trì triển vọng lợi nhuận ổn định do nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường. Mặt khác, GAS và BSR sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm do giá dầu bình quân đi xuống mặc dù sản lượng khí bán cho các nhà máy điện có thể vẫn tăng trưởng trong năm 2023.
Những mã cổ phiếu hạ nguồn như PLX cũng có thể có một năm bứt phá mạnh từ mức đáy năm 2022 nhờ chuỗi cung ứng và giá dầu ổn định hơn, tránh được tình trạng lỗ hàng tồn kho trầm trọng như năm 2022.
Về quan điểm đầu tư, Chứng khoán SSI cho rằng PLX và PVD là những lựa chọn hàng đầu khi xét đến khả năng phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ vào năm 2023 từ mức đáy vào năm 2022 và triển vọng dài hạn được cải thiện.