Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) vừa báo lãi khoảng 988 tỷ đồng trong năm 2022. Con số trên tăng 27% so với năm trước đó và vượt 29% kế hoạch đề ra. Đây cũng là mốc lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005.
Tương tự, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm cũng thiết lập mức lãi kỷ lục trong năm ngoái. Dược phẩm OPC có lợi nhuận sau thuế hơn 140 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Trong khi đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) lãi hơn 230 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước đó và vượt 10% kế hoạch cả năm.
Một số doanh nghiệp khác cũng có năm kinh doanh thuận lợi. Domesco lãi 200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và lấy lại mặt bằng lợi nhuận trước dịch. SPM ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao nhất từ năm 2015 tới nay.
Nhu cầu tiêu thụ thuốc và các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tăng mạnh sau dịch là nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh thuận lợi. Ngoài ra, những công ty lãi kỷ lục như Dược Hậu Giang, Imexpharm cũng chủ động dự trữ nguyên liệu và thành phẩm để đáp ứng thị trường. Tổ chức kênh phân phối và kết nối khách hàng tốt cũng là nguyên nhân đóng góp lớn.
Khảo sát của Vietnam Report trong tháng 10-11/2022 cho thấy, gần 90% doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên, gần 80% doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh nhu cầu tăng lên, ngành dược nhận được trợ lực lớn từ hệ thống nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử). Kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc. Điều này có thể dễ quan sát thông qua sự mở rộng mạng lưới mạnh mẽ của hàng loạt chuỗi bán lẻ dược phẩm như Long Châu, Pharmacity, An Khang... trong năm vừa qua. Theo kế hoạch, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ này có thể lên đến con số 7.300 trong năm 2025, tương đương 16% thị phần.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của Chứng khoán KIS lưu ý trong trung hạn cạnh tranh trong phân khúc đấu thầu thuốc chất lượng cao sẽ gay gắt. Sau khi thông tư 15/2019 có hiệu lực từ năm 2019, các công ty sản xuất dược nội địa bắt đầu cuộc chạy đua xây dựng dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP. Tuy nhiên, theo trang web GMPC Việt Nam công bố ngày 13/9/2022, chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đạt chuẩn EU-GMP, trong đó chỉ có Imexpharm là doanh nghiệp niêm yết nội địa và có đến 8 doanh nghiệp FDI.
"Chúng tôi cho rằng chiến trường EU-GMP sẽ rất khốc liệt trong trung hạn. Đó không chỉ liên quan đến bài toán về nguồn vốn mà còn cả về chất lượng sản phẩm", nhóm phân tích Chứng khoán KIS bình luận.