Các dự án tăng tốc đẩy nhanh tiến độ
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải tại cuộc họp, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị có tổng chiều dài là 480,5 km qua địa bàn các tỉnh Nam Định (5,2 km), Ninh Bình (24,5 km), Thanh Hóa (98,8 km), Nghệ An (87,9 km), Hà Tĩnh (107,14 km), Quảng Bình (124,41 km), Quảng Trị (32,53 km); được chia thành 10 dự án thành phần thuộc 2 giai đoạn. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 06 làn xe cao tốc, phân kỳ đầu tư 04 làn xe với bề rộng nền đường 17m.
Trong đó, giai đoạn 1 (2017–2020) có tổng chiều dài là 221,2 km gồm 5 dự án thành phần (1 dự án đầu tư PPP và 4 dự án đầu tư công): Dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt.
Giai đoạn 2 (2021-2025) có tổng chiều dài là 259,3 km gồm 5 dự án thành phần đầu tư công qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị: Dự án Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP.
Trong 5 dự án thành phần của giai đoạn 1, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) đã hoàn thành vào đầu năm 2022; 4 dự án còn lại đang triển khai thi công, trong đó đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 (dài 63,37 km- thực hiện 86,7% giá trị hợp đồng) dự kiến hoàn thành ngày 30/4/2023; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km- thực hiện 58,65% giá trị hợp đồng) và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km- thực hiện 63,4% giá trị hợp đồng) hoàn thành vào quý III/2023; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dài 49,3 km-thực hiện 25,0% giá trị hợp đồng) hoàn thành vào quý II/2024.
Về các dự án thuộc giai đoạn 2, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 189,43/259,12 km đạt 73%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công và đang tiếp tục thực hiện để bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng vào quý II năm 2023. Các địa phương hiện đang lập phê duyệt phương án di dời hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công để di dời trong quý II năm 2023.
Trong 5 dự án giai đoạn 2 (từ Hà Tĩnh tới Quảng Trị), hiện đã có 8/9 gói thầu xây lắp đã ký kết hợp đồng xây lắp, còn lại 1 gói thầu thuộc dự án Vũng Áng-Bùng dự kiến sẽ ký hợp đồng ngày 6/02/2023.
Công khai minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, sự đồng thuận, hưởng ứng, vào cuộc tích cực của người dân.
Thủ tướng cho biết, hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 đã nhanh hơn so với giai đoạn 1, nhưng vẫn còn vướng mắc. Do vậy, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khẩn trương giải quyết các vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và địa phương sau khi đi kiểm tra thực địa các dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Diễn Châu – Bãi Vọt thuộc giai đoạn 1 và dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi trong giai đoạn 2. Ảnh: VGP.
Vấn đề thứ hai là nguyên vật liệu cho các dự án. Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương cần rà soát lại, nếu địa phương này không đủ nguyên vật liệu thì liên hệ với các địa phương khác để xử lý các vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà thầu.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguyên vật liệu cho các dự án, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các sai phạm, không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và để họ lợi dụng để nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Thủ tướng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Thủ tướng đã yêu cầu mỗi gói thầu trong giai đoạn 2 ít nhất phải khoảng 50 km. Từng cảnh báo vấn đề này cách đây 1 năm, và đề nghị Bộ Công an vào cuộc để làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Với các đơn vị tư vấn, Thủ tướng yêu cầu tránh tình trạng "ăn xổi ở thì" như cao tốc chỉ làm 2 làn đường, vừa làm xong đã phải làm lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; cao tốc ít nhất phải có 4 làn xe hoàn chỉnh với các nút giao, điểm dừng, làn dừng…
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi". Thủ tướng cho rằng, các dự án giai đoạn 2 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu này, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu sửa đổi quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Trước hết để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt, đủ năng lực, tâm huyết, tránh tình trạng nhà đầu tư, nhà thầu đã có công trình tốt trong thực tế nhưng lại không được tham gia các dự án với lý do không đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí.
"Không cài cắm, lợi ích nhóm, làm sao để người làm được ngẩng cao đầu mà làm, công khai, minh bạch, không phải chạy vạy gì cả", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.