Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 14/3 ký ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô đến ngày 31/8, bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và bắp sang các nước láng giềng thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu đến ngày 30/6.
Dù vậy, Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko tuyên bố Nga sẽ tiếp tục cấp giấy phép xuất khẩu ngũ cốc cho các thương nhân trong hạn ngạch hiện hành của quốc gia này.
Những động thái trên được triển khai "nhằm bảo vệ thị trường thực phẩm nội địa trước những hạn chế từ bên ngoài", chính phủ Nga khẳng định.
Chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn
Trong một diễn biến khác, tờ Financial Times của Anh ngày 13/3 đưa tin, giới nông nghiệp và các quan chức châu Âu cho rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu và khiến giá lương thực tăng cao.
Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng nhắc nhở về tác động to lớn của cuộc xung đột quân sự này đối với nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm.
Công ty MHP là một trong những nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất ở Ukraine. Chủ tịch điều hành MHP John Rich cho biết, ông lo ngại cho hoạt động gieo trồng vào mùa xuân này. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung nội địa của Ukraine mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật của Ukraine ra thế giới.
"Cuộc xung đột này đã tác động rất lớn đến khả năng cung ứng toàn cầu của Nga và Ukraine. Nếu quân đội Nga tiến vào miền Tây Ukraine, vấn đề lương thực sẽ càng thêm trầm trọng", ông Rich nói.
Theo báo cáo mới nhất của FAO, Nga và Ukraine là những nước sản xuất nông nghiệp và cung cấp phân bón quan trọng nhất trên thế giới. Nga và Ukraine đều là nhà xuất khẩu ròng ngũ cốc. Trong số ba nhà xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương và dầu hướng dương lớn nhất thế giới năm 2021, một trong hai nước sẽ nằm trong số đó, hoặc cả Nga và Ukraine sẽ cùng có tên trong danh sách.
Đồng thời, Nga cũng là quốc gia xuất khẩu phân đạm lớn nhất thế giới, và là nhà cung cấp phân kali và phân lân lớn thứ hai thế giới.
Nguồn cung xuất khẩu của Nga và Ukraine có xu hướng tập trung ở một vài quốc gia, và sự tập trung này cũng sẽ khiến thị trường liên quan dễ bị biến động và ảnh hưởng hơn.
Năm 2020, Nga và Ukraine chiếm hơn 1/4 giao dịch lúa mì toàn cầu. Ảnh chụp màn hình bài báo của Financial Times
Bài báo cho biết, cuộc xung đột quân sự lần này đã dẫn đến việc đóng cửa các cảng của Ukraine, gián đoạn nguồn cung cấp các loại hạt có dầu và chế độ cấp phép xuất khẩu đối với một số loại cây trồng. Những việc này có thể ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật của Ukraine trong những tháng tới.
Chiến sự cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động canh tác và thu hoạch của nông dân Ukraine. Đồng thời, các dịch vụ thiết yếu bị gián đoạn sẽ tác động tiêu cực hơn nữa đến nguồn cung cấp nông sản.
Nguồn cung cấp lương thực từ Nga cũng sẽ bị kìm hãm, điều này sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Đánh giá sơ bộ của FAO cho thấy, 20% - 30% lượng ngũ cốc mùa đông, ngô và hạt hướng dương ở Ukraine đã không được gieo trồng hoặc không thể thu hoạch do xung đột quân sự.
Theo một ước tính khác của FAO, tác động của việc nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu giảm mạnh chỉ có thể được bù đắp một phần bằng nguồn cung các sản phẩm thay thế. Chênh lệch nguồn cung toàn cầu có thể tác động thêm đến chi phí sản xuất, đẩy giá thức ăn và thực phẩm trên thế giới tăng 8% - 22%.
Ảnh chụp màn hình báo cáo của FAO
Theo Financial Times, 1/2 nguồn cung ngô của các nước EU đến từ Ukraine và 1/3 nguồn cung phân bón đến từ Nga. Một nhà cung cấp phân bón lớn khác cho EU là Belarus.
Giảm lệnh cấm xuất khẩu để cứu thị trường nông sản
Tờ Financial Times đưa tin, các quan chức châu Âu tại cuộc họp Bộ trưởng nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 11/3 đã kêu gọi các nước giảm lệnh cấm xuất khẩu để giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm rộng mở.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho biết, theo quan điểm của EU, cuộc khủng hoảng này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón là một kẽ hở rõ ràng của EU. Các chuỗi cung ứng có trụ sở tại Nga và Ukraine có nguy cơ bị đứt gãy do xung đột Nga - Ukraine và việc đóng cửa các cảng.
Ông Planas cho biết thêm, không có vấn đề gì với nguồn cung cấp thực phẩm của Tây Ban Nha, nhưng "có một vấn đề nghiêm trọng với việc cung cấp thức ăn chăn nuôi". 22% nguồn cung ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi của Tây Ban Nha đến từ Ukraine.
Đối mặt với những rủi ro, ông Planas thậm chí còn đề nghị Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các hạn chế về dư lượng thuốc trừ sâu và cây trồng biến đổi gen để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nông sản từ Mỹ và Argentina.
Ông Planas cho biết, Tây Ban Nha "rất lo ngại về sự sẵn có và giá cả của các loại ngũ cốc trong và xung quanh Địa Trung Hải". Ai Cập, Tunisia và Maroc cũng có cùng mối lo về vấn đề này.
Giá ngô kỳ hạn tăng vọt sau khi xung đột Nga - Ukraine leo thang. Ảnh chụp màn hình trang web của Sở giao dịch chứng khoán Chicago (Mỹ)
Theo Financial Times, Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski tiết lộ rằng, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có biện pháp đối với các quốc gia cấm xuất khẩu thực phẩm như Hungary.
Ngoài ra, ngày 21/3, các nước thành viên EU sẽ bỏ phiếu về kế hoạch hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất tăng và xuất khẩu sụt giảm. Có thông tin cho rằng, kế hoạch này sẽ cho phép nông dân trồng cây thức ăn gia súc trên đất bỏ hoang, cũng như nhận được trợ cấp.
Ông Wojciechowski nói: "Không tồn tại nguy cơ thiếu lương thực ở EU".