Masayoshi Son, người sáng lập của SoftBank, xem biểu đồ tỷ lệ vốn vay trên giá trị (LTV) của SoftBank 4 lần một ngày. LTV là chỉ số then chốt cho sự quay trở lại của ông trong hơn hai thập niên vừa qua sau khi thua lỗ 70 tỷ USD khi bong bóng dot-com sụp đổ.
Vừa năm ngoái, SoftBank vẫn có tình hình hoạt động khá rực rỡ. "Ông lớn" này không ngần ngại thực hiện các khoản vay dựa trên tài sản đảm bảo là cổ phần của nhiều công ty công nghệ lớn như Alibaba để có vốn rót vốn vào các startup đầy hứa hẹn.
Ngay cả khi SoftBank có một số thất bại lớn trong đầu tư, ví dụ như ở trường hợp của Wirecard AG hay Greensill Capital", lợi nhuận từ các thương vụ khác đủ để bù đắp mọi vấn đề. Gần đây, các vấn đề ngày càng xuất hiện với tần số dày đặc.
Đợt thắt chặt quản lý của chính phủ Trung Quốc với các công ty công nghệ, Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, lạm phát và các yếu tố bất định trên thị trường đã nhấn chìm ông Son và tập đoàn của ông vào một biển rắc rối.
Giá cổ phiếu SoftBank giảm 60% trong năm ngoái, trong khi đó biểu đồ chỉ số LTV cho thấy các khoản nợ của SoftBank ngày càng phình to tương quan với quy mô công ty. Một số nhà nghiên cứu thị trường cảnh báo về khả năng của một đợt yêu cầu bổ sung ký quỹ (margin call) với SoftBank.
"Không có tin tốt nào trong ngắn hạn", ông Tomoaki Kawasaki, một nhà phân tích cao cấp tại Iwai Cosmo Securities, chia sẻ. "Nếu bị yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư cần cẩn trọng với rủi ro tài chính mà SoftBank đang phải đối mặt".
Ông Son biết rõ đây là một khoảng thời gian khó khăn. Hồi tháng 2, ông mô tả SoftBank "đang ở trong một cơn bão mùa đông". Trong quý IV/2021, giá trị ròng của công ty đã giảm 1,55 nghìn tỷ yên (13 tỷ USD) xuống mức 19,3 nghìn tỷ yên. Từ thời điểm đó, mọi thứ thậm chí tiếp tục tệ đi.
Thị trường trao đổi cổ phần mới, một then chốt cho thành công của SoftBank, dần nguội lạnh. Giá cổ phiếu Didi giảm tới 44% hôm 11/3 sau khi thông tin hãng này tạm dừng việc chuẩn bị niêm yết tại Hong Kong. Một bằng chứng cho thấy SoftBank đang cần tiền mặt là quỹ Vision Fund đã bán 1 tỷ USD giá trị cổ phần của sàn TMĐT Hàn Quốc Coupang ở mức chiết khấu hồi tuần trước.
"Bức tranh vĩ mô cho các khoản đầu tư của SoftBank và triển vọng niêm yết không sáng sủa", Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại Asymmetric Advisors, nói. Sự suy giảm giá trị của nhiều khoản đầu tư, bao gồm Alibaba, khiến SoftBank có thể bị margin call, ông nói thêm.
Tỷ lệ LTV của SoftBank đã tăng lên mốc 22% vào cuối năm ngoái từ con số 8,8% ghi nhận vào tháng 6/2020. SoftBank đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ này dưới mức 25%, song việc tiếp tục vay nợ và cổ phiếu của SoftBank, Alibaba sụt giảm khiến LTV có xu hướng tăng.
S&P Global Ratings tính toán LTV của SoftBank (bao gồm một đợt margin call) vào hôm 7/3 lên tới 29%. Nếu con số này vượt qua mức 40%, SoftBank có thể bị hạ điểm tín nhiệm xuống còn BB+.
SoftBank dựa vào vốn vay để duy trì tốc độ đầu tư và hỗ trợ các chương trình mua lại cổ phần. Theo giới chuyên gia, SoftBank cần thêm khoảng 45 tỷ USD tiền mặt trong năm nay và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục bán cổ phần của Alibaba để có thể đáp ứng được yêu cầu.
Từ lâu, SoftBank đã sử dụng hình thức vay có tài sản đảm bảo vì chi phí thấp hơn các hình thức cấp vốn khác. Đến thời điểm tháng 12 năm ngoái, SoftBank đã dùng hơn một nửa cổ phần tại Alibaba, T-Mobile US Inc., Deutsche Telekom AG và mảng viễn thông cuả SoftBank Corp làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Khoản vay có tài sản đảm bảo của SoftBank vào khoảng 54 tỷ USD trong tổng dư nợ 128 tỷ USD, theo Bloomberg.
Mạng lưới tài trợ vốn của ông Son không chỉ gói gọn trong công ty. Ông Son cũng có khoản nợ cá nhân khổng lồ với việc đưa 5,7 tỷ USD cổ phiếu làm tài sản đảm bảo ở khoảng 18 "nhà băng", gồm Bank Julius Baer & Co., Mizuho Bank Ltd. và Daiwa Securities Group Inc.
SoftBank thậm chí có thể cho nhân sự của mình vay tiền như một phần của các chương trình khuyến khích cùng mục đích mua lại cổ phần công ty. Mặc dù có thể đang thực hiện nhiều hình thức gọi vốn, SoftBank vẫn là một công ty đầu tư công nghệ và nhiều khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn. Ví dụ, các khoản đầu tư vào DoorDash, Coupang đã giúp SoftBack bù lỗ cho các khoản đầu tư vào WeWork, Greensill Capital và Wirecard .
Thế nhưng, lợi nhuận cũng không còn đến với SoftBank dễ dàng. Alibaba, khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank, mất 35% giá trị trong năm nay. 20/23 cổ phiếu mà SoftBank đầu tư và niêm yết trong năm 2021 để giảm so với mức giá IPO và chi phí bảo hiểm khoản vay của SoftBank đang tăng lên hơn gấp đôi.
SoftBank không thay đổi chiến lược của mình. Sau khi trả 10 tỷ USD khoản vay tài sản đảm bảo là cổ phần Alibaba, SoftBank đã thu xếp khoản vay mới trị giá 6 tỷ USD vào tháng 12 năm ngoái. Tháng trước, SoftBank yêu cầu các nhà băng đang muốn tham gia vào đợt IPO của Arm cho khoản vay 8 tỷ USD, nguồn tin thân cận nói.
Ông Son lạc quan rằng mùa đông sẽ sớm qua đi. "Chúng tôi sẽ thấy mùa xuân, sớm hay muộn, và chúng tôi đang tiếp tục gieo hạt. Các hạt giống đang phát triển nhanh", ông chia sẻ.