Startup Trung Quốc sở hữu công nghệ giúp giảm chi phí sản xuất tàu vũ trụ
Mới đây, một startup Trung Quốc có tên SpaceTai đã tìm ra hướng đi mới, có thể giúp ích cho các đơn vị muốn kinh doanh thương mại ngành hàng không vũ trụ như SpaceX, Blue Origin hay Thaispace.
Cụ thể, trang Asia Nikkei đưa tin startup SpaceTai của Trung Quốc đã phát triển động cơ và tên lửa sử dụng công nghệ in 3D cho ngành công nghiệp vũ trụ thương mại, với mục đích giảm chi phí sản xuất xuống dưới 1/5 mức trung bình hiện nay.
Mặc dù chỉ mới được thành lập vào tháng 3/2021, song SpaceTai tuyên bố họ có thể sản xuất hơn 90% các bộ phận được sử dụng trong tên lửa bằng máy in 3D của riêng mình, điều này sẽ cắt giảm chi phí sản xuất.
Các công ty Mỹ như SpaceX của Elon Musk, Rocket Lab and Relativity Space, Skyrora và Orbex của Anh, nằm trong số những công ty đang phát triển công nghệ in 3D để sản xuất tên lửa.
SpaceTai đang phát triển một động cơ tên lửa có tên "xiaoyi", sử dụng oxy lỏng và nhiên liệu dầu hỏa làm chất đẩy. Công ty tuyên bố rằng hiệu suất động cơ của họ vượt trội so với công nghệ chu trình tạo khí thường được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại.
Chi phí sản xuất tàu vũ trụ có thể trở thành rào cản với các doanh nghiệp
Chưa rõ liệu Thaispace có đạt được thành công trong tương lai hay không, nhưng ngành du lịch hàng không vũ trụ rõ ràng là một hướng đi tiềm năng, và hiện chưa được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới khai thác.
Bằng chứng là mới có những tỷ phú hàng đầu thế giới như Elon Musk, Jeff Bezos hay Richard Branson tham gia vào lĩnh vực này với những SpaceX, Blue Origin hay Virgin Galatic.
Trong một báo cáo hồi năm 2020, ngân hàng UBS ước tính giá trị thị trường của ngành du lịch vũ trụ - tính chung hai mô hình dịch vụ chính là suborbital và orbital, có thể đạt đến 3 tỷ USD vào năm 2030.
Gần hơn, công ty tư vấn hàng không vũ trụ Northern Sky Research (NSR) đã đưa ra một dự báo cụ thể hơn. Theo đó, NSR tin rằng dịch vụ du hành suborbital sẽ thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Cụ thể, đến năm 2028, NSR cho rằng mô hình suborbital sẽ có giá trị thị trường khoảng 2,8 tỷ USD với tổng doanh thu trong thập kỷ tới khoảng 10,4 tỷ USD. Còn dịch vụ orbital sẽ có giá trị khoảng 610 triệu USD, tổng doanh thu trong 10 năm tới khoảng 3,6 tỷ USD.
Tiềm năng là vậy, nhưng hiện thị trường này vẫn chưa có nhiều đơn vị khai thác. Một trong những vấn đề có thể khiến các công ty ái ngại khi nhảy vào thị trường này có thể kể đến chi phí sản xuất tàu vũ trụ.
Tháng 9/2021, chiếc Crew Dragon của SpaceX đã đưa thành công 4 người trong phi hành đoàn từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) quay về trái đất an toàn. Đây là khoảng cách xa nhất mà con người bay khỏi trái đất kể từ khi chương trình Mặt trăng Apollo của Cơ quan hàng không Mỹ (NASA) kết thúc năm 1972.
Đáng chú ý, tờ Global News đưa tin chính Lá chắn nhiệt trên chiếc Crew Dragon đã phải chịu đựng sức nóng khủng khiếp trong quá trình tiến vào khí quyển trái đất. Và để có thể chế tạo thành công chiếc Crew Dragon, đội ngũ SpaceX cùng tỷ phú Elon Musk đã phải mất rất nhiều năm với khoản chi phí khổng lồ.
Cụ thể, năm 2010, tỷ phú người Nam Phi từng tuyên bố sẽ chi khoảng 800 triệu – 1 tỷ USD cho kế hoạch phát triển Crew Dragon và Falcon 9. Trong khi đó, theo báo cáo kiểm toán của NASA, mức phí cho một chỗ ngồi trên Crew Dragon cũng lên tới 55 triệu USD, theo The Verge.
Cũng trong năm 2021, tỷ phú Jeff Bezos cùng ba người khác cũng đã thực hiện thành công chuyến bay ra ngoài vũ trụ trên chiếc New Shepard do Blue Origin, công ty được thành lập bởi chính cựu CEO Amazon thiết kế và phát triển.
Mặc dù mức giá chi tiết cho việc chế tạo New Shepard không được tiết lộ, nhưng chiếc tàu vũ trụ này cũng đã trải qua một hành trình chế tạo và thử nghiệm nhiều phiên bản khác nhau, kéo dài từ năm 2012 cho tới hiện tại, theo The New York Times và Blue Origin.
Điều này chứng minh rằng để có thể chế tạo thành công một chiếc tàu vũ trụ đủ điều kiện đăng ký hoạt động kinh doanh thương mại cần rất nhiều thời gian và chi phí, dù điều này không hề đảm bảo việc chế tạo sẽ thành công.
Miếng bánh hàng không vũ trụ hấp dẫn cả doanh nghiệp Việt
Cuối năm 2021, Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings (Mã: THD) đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace và các nội dung đăng ký doanh nghiệp của Thaispace.
Theo đó, mục tiêu thành lập CTCP Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép. Thaiholdings cũng giao Ban Tổng Giám đốc Công ty hỗ trợ Thaispace xin cơ chế đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngay trong giai đoạn 2026 – 2030.
Tổng vốn điều lệ dự kiến của CTCP Thaispace là 26.688 tỷ đồng. Giá trị góp vốn dự kiến của Thaiholdings là 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng với 5% tổng mức vốn điều lệ của Thaispace.
Công ty này cũng dự kiến huy động vốn từ thị trường chứng khoán Mỹ với kế hoạch IPO trong năm 2022 nếu đủ điều kiện. CTCP Thaispace đặt trụ sở tại tổ 8, khu tái định cư, khu phố 5, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Một số ngành nghề hoạt động chính của Thaispace được thông qua gồm: kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và thế giới;…
Trước đó, Thaiholdings đã thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 30.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có của Thaigroup và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026. 2023. Ngoài ra, họ cũng dự kiến sẽ bán hàng trong lĩnh vực kinh doanh in 3D từ năm 2023.