Xã hội

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng

"Đội Hoàng Sa" ở đặc khu Hoàng Sa từ thế kỷ 17

Từ đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã thành lập "Đội Hoàng Sa" để xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa (khai thác tài nguyên, khảo sát đo đạc, xây quốc tự, cắm bia chủ quyền...), với những ngư dân tham gia được chọn lựa từ Cù Lao Ré (nay là đặc khu Lý Sơn, Quảng Ngãi).

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 1.

Binh sĩ bảo an Việt Nam đồn trú tại Hoàng Sa dựng bia chủ quyền của Việt Nam, năm 1938

ẢNH: UBND ĐẶC KHU HOÀNG SA

Thời Pháp thuộc, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại, chính quyền thuộc địa Pháp đã có các hành động củng cố, khẳng định, bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 2.

Nghi lễ chào cờ của đơn vị lính bảo an Việt Nam được cử ra trấn giữ Hoàng Sa, năm 1938

ẢNH: UBND ĐẶC KHU HOÀNG SA

Năm 1938, Pháp đưa các đơn vị bảo an ra đóng quân và xây dựng hải đăng, trạm vô tuyến, khí tượng thủy văn ở đặc khu Hoàng Sa.

Ngày 30.3.1938, Hoàng đế Bảo Đại phê chuẩn việc tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi, đặt vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15.6.1938, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định số 156-S-V thành lập đơn vị hành chính trên quần đảo Hoàng Sa, thuộc tỉnh Thừa Thiên.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 3.

Binh sĩ Việt Nam đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa, năm 1938

ẢNH: UBND ĐẶC KHU HOÀNG SA

Ngày 14.10.1950, chính phủ Pháp chuyển quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Quốc gia Việt Nam.

Năm 1954, Hiệp định Genève quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (cả trên đất liền và trên biển). Hoàng Sa nằm ở phía nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Liên Hiệp Pháp quản lý. Năm 1956, Pháp rút quân khỏi Việt Nam, Quốc gia Việt Nam đứng ra quản lý.

Cùng với việc luôn tuyên bố chủ quyền, chính phủ Việt Nam cộng hòa cũng tập trung duy trì các quyền chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 4.

Cơ sở hành chính và kỹ thuật của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, 1958

ẢNH: UBND ĐẶC KHU HOÀNG SA

Tháng 8.1956, chính phủ Việt Nam cộng hòa điều Đại đội 42 (Tiểu đoàn 142, địa phương quân tỉnh Thừa Thiên) ra bảo vệ Hoàng Sa. Năm 1957, Bộ Tư lệnh hải quân Việt Nam cộng hòa đưa 1 đại đội thủy quân lục chiến ra đóng giữ Hoàng Sa, thay cho lực lượng địa phương quân.

Ngày 13.7.1961, Việt Nam cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam và thành lập xã Định Hải (quận Hòa Vang) quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa. 

Cuối tháng 10.1969, xã Định Hải (quản lý hành chính Hoàng Sa) được sáp nhập vào xã Hòa Long của quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 19.1.1974, quân đội Trung Quốc tấn công quân đồn trú Việt Nam cộng hòa và chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và chiếm giữ, xây dựng trái phép, cho đến nay.

Đặc khu Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ 1974 

Tháng 6.1976, hơn 2 năm sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân có báo cáo đánh giá về sự kiện Hoàng Sa 19.1.1974, như sau:

Tháng 1.1974, trong bối cảnh Mỹ rút khỏi Việt Nam, quân đội Việt Nam cộng hòa suy sụp, ngày 19 và 20.1.1974, Trung Quốc tiến hành đánh chiếm quần đảo Trường Sa.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 5.

Cột hải đăng và thiết bị khí tượng của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, năm 1973

ẢNH: UBND ĐẶC KHU HOÀNG SA

Trước khi xảy ra trận đánh, quân lực Việt Nam cộng hòa bố trí thường xuyên ở Hoàng Sa 1 trung đội địa phương quân, 4 nhân viên kỹ thuật trông coi đài khái tượng. Vũ khí chủ yếu là cá nhân, không được huấn luyện chống đổ bộ.

Ngày 11.1.1974, Trung Quốc tuyên bố đòi Hoàng Sa. Những ngày sau họ bí mật cho tàu thuyền trinh sát, đổ quân chiếm đóng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.

Trước hành động trên, hải quân Việt Nam cộng hòa phái tàu HQ-16  ra đuổi tàu thuyền Trung Quốc, sau đó tổ chức hành quân thực hiện kế hoạch chiếm lại Hoàng Sa. 

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 6.

Tàu cá vũ trang Trung Quốc khiêu khích, tấn công tàu hải quân Việt Nam cộng hòa ở Hoàng Sa, năm 1974

ẢNH: UBND ĐẶC KHU HOÀNG SA

18 giờ ngày 16.1.1974, tàu HQ-16 cho 15 binh sĩ lên đảo Vĩnh Lạc nhổ cờ Trung Quốc, cắm cờ Việt Nam cộng hòa và được tăng cường thêm tàu HQ-4

16 giờ ngày 17.1.1974, khoảng 27 binh sĩ Việt Nam cộng hòa đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, nhổ cờ Trung Quốc, phá bia chủ quyền của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc tăng cường thêm 2 tàu chiến và máy bay lượn trên khu vực Hoàng Sa. Quân lực Việt Nam cộng hòa bổ sung thêm tàu HQ-5, HQ-10 và 43 biệt kích.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 7.

Đảo Cây (Hoàng Sa) do Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam, từ năm 1974. Đến năm 2010, Trung Quốc đã đưa nhiều hộ dân chài ra sinh sống

ẢNH: TƯ LIỆU

8 giờ sáng 19.1, binh sĩ Việt Nam cộng hòa đổ quân chiếm lại đảo, bị Trung Quốc phản ứng kịch liệt, phải rút về tàu.

10 giờ 24 phút, tàu hải quân Việt Nam cộng hòa chủ động bắn cháy tàu 274 của Trung Quốc khiến nó phải ủi vào bãi. 10 phút sau, tàu HQ-5 bị trúng đạn.

Ở tây bắc đảo, tàu HQ-10, HQ-16 bắn cháy tàu 396 Trung Quốc. Tàu 389, 281, 282 Trung Quốc thả khói mù và phản kích. Tàu HQ-10 bị trúng đạn, chìm lúc 11 giờ 10 phút. Tàu HQ-16 bị ngập nước, tự động rời vùng chiến sự.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 8.

Đảo Phú Lâm (đặc khu Hoàng Sa), Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ đầu năm 1974

HÌNH: TƯ LIỆU

11 giờ 20 phút, tàu HQ-5 phát hiện 3 tàu tên lửa Komar và máy bay Mic của Trung Quốc đến gần đảo Quang Hòa, nên chạy về đảo Hoàng Sa.

12 giờ ngày 19.1.1974, chính phủ Việt Nam cộng hòa điều không quân, nhưng do không chuẩn bị trước, nên không thực hiện được nhiệm vụ chiến đấu.

Do lực lượng chênh lệch, chi viện còn xa và bị thiệt hại nhiều, nên hải quân Việt Nam cộng hòa rút khỏi Hoàng Sa.

10 giờ 30 phút ngày 20.1.1974, Trung Quốc chiếm xong các đảo.

Từ sau năm 1945, với sự ra đời của Liên Hiệp Quốc và nhiều văn bản pháp luật quốc tế quan trọng, nguyên tắc "Cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế" đã được thiết lập.

Theo đó, các hành vi xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực bị nghiêm cấm.

Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa là đã vi phạm vào nguyên tắc này, và do đó, không bao giờ là căn cứ hợp pháp cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, nêu rõ: "Nếu một quốc gia chính thức từ bỏ, hoặc im lặng không lên tiếng phản đối chính thức trước một hành động xâm chiếm trái phép lãnh thổ đó, thì mới bị coi là đánh mất chủ quyền trên lãnh thổ đó".

Như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền của mình với Hoàng Sa - Dù một phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 9.

Cảng Phú Lâm (đặc khu Hoàng Sa) - Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ tháng 1.1974 đến nay

ẢNH: TƯ LIỆU

Ðối với việc kiện đòi lại Hoàng Sa, luật pháp quốc tế quy định: "Để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tòa án quốc tế chỉ có thẩm quyền xét xử, nếu các bên đồng thuận trong việc đưa tranh chấp ra tòa án để giải quyết".

Tuy nhiên, Trung Quốc luôn từ chối việc đưa ra tòa án xét xử. 

Chính vì vậy, việc khởi kiện về chủ quyền chưa thể thực hiện được.

(Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Viên, giảng viên Đại học Luật TTPHCM)

Về thiệt hại của quân lực Việt Nam cộng hòa: Chìm tàu HQ-10, hỏng 3 tàu còn lại; chết 10 người, bị thương 33 người, mất tích 53 người (34 binh sĩ Việt Nam cộng hòa bị Trung Quốc bắt tại đảo Hoàng Sa, được trao trả ngày 31.1 và 17.2.1974)

Về phía Trung Quốc, có 2 tàu (274, 276) bị hỏng nặng, 2 tàu (271, 389) hỏng thường. 

Đánh giá về mặt chiến thuật: Nếu tính cả lực lượng dự bị của Việt Nam cộng hòa ở Đà Nẵng thì so sánh lực lượng 2 bên chưa chênh lệch lớn. Trung Quốc có cách đánh rõ ràng, được chuẩn bị trước. Việt Nam cộng hòa bị động, thiếu tinh thần chiến đấu, hỏa lực phân tán, không chi viện được cho nhau do bị rối loạn chỉ huy và đội hình.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 10.

Tàu KN-628 của Kiểm ngư Việt Nam (trái) đấu tranh xua đuổi tàu hải cảnh bảo vệ và giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, hoạt động trái phép trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, Việt Nam), ngày 3.5.2014

HÌNH: MAI THANH HẢI

Kiên trì khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa

Sau ngày 30.4.1975, nhà nước Việt Nam thống nhất tiếp tục tuyên bố, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 15.2.1977, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng.

Trong các năm sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều công bố các Bạch thư về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 11.12.1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi còn nắm giữ trọng trách Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thật sự, ít nhất là từ thế kỷ 17, khi quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình.

Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc, phù hợp với Công ước luật Biển năm 1982.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 11.

Hiện vật tàu cá ĐNa - 90152 TS kiên cường bám biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, được trưng bày cạnh trụ sở đặc khu Hoàng Sa

ẢNH: THƯƠNG HUYỀN

Ngày 1.1.1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương. Huyện Hoàng Sa trực thuộc Đà Nẵng, trụ sở đặt tại đường Yên Bái, quận Hải Châu và ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch UBND đầu tiên của huyện Hoàng Sa (4.2009).

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 12.

Tàu kiểm ngư KN-762 (trái) của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vượt qua sự ngăn cản của tàu hải cảnh Trung Quốc (phải), kiên cường đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981, do Trung Quốc hạ đặt trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, Việt Nam), ngày 4.5.2014

ẢNH: MAI THANH HẢI

Ngày 16.6.2025, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết số 1659/NQ-UBTVQH15, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Hoàng Sa thành đặc khu Hoàng Sa, thuộc TP.Đà Nẵng.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 13.

Trụ sở UBND đặc khu Hoàng Sa, từ ngày 1.7.2025

ẢNH: THƯƠNG HUYỀN

Ngày 1.7.2025, tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP.Đà Nẵng (khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026), ông Phan Văn Bình (nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, cũ) được chỉ định giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch UBND đặc khu Hoàng Sa và đây là chủ tịch thứ 5 của Hoàng Sa.

Hiện nay, UBND đặc khu Hoàng Sa đặt trụ sở tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (nằm đường Hoàng Sa, phường Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).

Trụ sở đặc khu Hoàng Sa đặt tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (đường Hoàng Sa, phường Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 14.

Trụ sở UBND đặc khu Hoàng Sa ở Nhà trưng bày Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng

ẢNH: THƯƠNG HUYỀN

Tòa nhà trưng bày Hoàng Sa được xây dựng theo phương án kiến trúc "Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam" do công ty kiến trúc Nhật Bản làm tư vấn thiết kế. 

Khi nhìn ở góc nghiêng, mặt tiền Nhà Trưng bày Hoàng Sa nổi bật với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ Việt Nam và là biểu tượng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đây là nơi trưng bày, giới thiệu và tuyên truyền những tư liệu lịch sử và pháp lý minh chứng về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế.

13 đặc khu của Việt Nam: Hoàng Sa máu thịt nghìn trùng- Ảnh 15.

Học sinh và du khách thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa

ẢNH: THƯƠNG HUYỀN

Không gian trưng bày 4 tầng, chia thành nhiều chủ đề, được giới thiệu song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, như: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên trên quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam ở thời nhà Nguyễn (1802 - 1945); bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (1945 - 1974); bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ 1974 đến nay...

Các tin khác

Chứng khoán lập đỉnh mới

VN-Index tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới - 1.415 điểm. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, vốn nội, ngoại cùng giải ngân, trong đó, khối ngoại duy trì chuỗi 5 phiên liên tiếp mua ròng.

Bí mật đằng sau gói mì Hảo Hảo

Đằng sau mỗi gói mì Hảo Hảo chỉ vài nghìn đồng là cả một hành trình bền bỉ, một hệ sinh thái sản xuất hiện đại, được đầu tư hàng chục triệu USD và vận hành bởi hàng nghìn con người với sự tâm huyết trong từng công đoạn. Tất cả đều hướng đến lời hứa "Cook happiness" – cống hiến cho xã hội thông qua ẩm thực.

Ghép thận cứu bé gái mắc đột biến gen hiếm gặp

Lần đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca ghép thận cho một bé gái mắc hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gen WT1 – một thể bệnh hiếm gặp. Đây là trường hợp có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư tuyến sinh dục và u Wilms (ung thư thận).