Dưới đây là 10 thói quen hàng ngày tưởng chừng vô hại nhưng lại rất hại thận.
Ăn nhiều protein
Báo VnExpress dẫn nguồn trang Boldsky cho biết, protein cần thiết cho tăng trưởng, sửa chữa các bộ phận trong cơ thể. Tuy nhiên, ăn nhiều protein động vật tạo ra lượng axit cao trong máu có thể hại thận và gây nhiễm toan - tình trạng thận không thể loại bỏ axit đủ nhanh. Do đó, mỗi người nên ăn uống cân bằng, nên có nhiều rau quả mỗi ngày.
Lạm dụng caffeine
Caffeine trong cà phê, trà, soda. Người uống nhiều thức uống này mỗi ngày có thể hại thận vì caffeine là chất kích thích làm tăng lưu lượng máu, huyết áp. Hơn nữa, chúng còn có tác dụng lợi tiểu, gây mất nước.
Ngồi quá nhiều
Thiếu vận động, ngồi nhiều dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Theo nghiên cứu trên PLoS One, dân văn phòng hoạt động thể chất 1 tiếng mỗi ngày như tập thể dục, đi bộ, đạp xe,... giảm đáng kể khả năng mắc bệnh suy thận.

Ăn mặn là một trong những thói quen rất hại cho thận.
Thức khuya
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn trang Taco Relish cho biết, vào năm 2016, các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago tìm ra mối liên hệ giữa giấc ngủ kém với nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn.
Những người ngủ 6,5 tiếng mỗi đêm (nghĩa là thiếu ngủ đôi chút) có nguy cơ mắc bệnh suy thận cao hơn 19%. Lý do là chu kỳ ngủ của bạn báo cho thận biết khi nào nên làm việc và khi nào nên nghỉ ngơi.
Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ lý giải, khi bạn thức khuya, thận của bạn sẽ tiếp tục phải làm việc chăm chỉ, theo thời gian, thận sẽ bị "mệt mỏi". Nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm tùy theo độ tuổi và thể trạng.
Lười uống nước
Một trong những vai trò chính của thận là lọc nước, vì vậy bạn cần phải giữ cho thận đủ nước. Hội đồng Hydrat hóa quốc gia Mỹ cho biết hầu hết trường hợp sỏi thận là do mất nước mạn tính.
Khi cơ thể mất nước, nước tiểu của bạn có nồng độ khoáng chất cao hơn. Những khoáng chất này có thể hình thành nên tinh thể bên trong thận và phát triển thành sỏi thận.
Ăn quá nhiều thịt đỏ
Theo Hiệp hội Thận học Mỹ, bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn thịt đỏ với hàm lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều để tránh tổn thương thận.
Chế độ ăn protein từ thực vật góp phần "chữa lành" cho thận.
Tập luyện quá sức
Hoạt động thể chất thường xuyên cải thiện huyết áp và trao đổi chất, tốt cho thận. Tuy nhiên, tập luyện quá sức trong thời gian dài có thể gây ra tiêu cơ vân. Tình trạng này đưa các chất vào máu quá nhanh khiến thận không thể xử lý được, gây suy yếu thận.
Tốt nhất người tập luyện nên tham khảo ý kiến bác sĩ, huấn luyện viên thể hình trước khi tăng dần cường độ. Không đột ngột tăng cường hoạt động thể chất và tránh tập luyện ở nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao.
Tự dùng thuốc giảm đau
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID (thuốc chống viêm không steroid) và thuốc giảm đau có thể giảm đau nhức nhưng chúng có thể hại cho thận, nhất là với người đã mắc bệnh thận. Người bị đau dai dẳng và cần nhiều hơn lượng thuốc không kê đơn được khuyến nghị nên đến bác sĩ khám để có biện pháp kiểm soát cơn đau nhức.
Ăn mặn
Ăn mặn quá mức hại thận vì chúng không chỉ tạo ra nhiều natri mà còn gây tăng huyết áp. Thực phẩm chế biến sẵn cũng chứa nhiều natri và phốt pho. Mỗi người nên chọn thực phẩm tươi, ít natri như súp lơ, quả việt quất, hải sản và các loại ngũ cốc tốt cho sức khỏe.
Uống nhiều soda, nước ngọt
Không giống như những loại đồ uống khác, soda không cung cấp chất dinh dưỡng nào khác ngoài đường. Theo các nhà nghiên cứu, uống 2 cốc nước ngọt trở lên mỗi ngày tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận.
Ngoài đường, acid phosphoric trong các loại soda, nước ngọt còn gây tổn thương thận theo thời gian.
Để thận khỏe, bạn nên hạn chế uống soda, nước ngọt. Chỉ nên uống 1 lần/tuần để tốt cho sức khỏe.