Tài chính

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 1.

2024 là một năm biến động mạnh của tỷ giá USD/VND trước áp lực liên tục từ thị trường quốc tế. Tính đến ngày 31/12, tỷ giá trung tâm tăng 1,93%; tỷ giá USD tại các ngân hàng tăng 4,6%; tỷ giá liên ngân hàng tăng 5,0%, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tăng 4,4%. Với diễn biến trên, đồng VND dự kiến kết thúc năm 2024 với mức mất giá mạnh nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không hạ lãi suất nhanh như kỳ vọng và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã khiến chỉ số USD Index (DXY) liên tục tăng cao.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 2.

Áp lực lớn từ thị trường quốc tế khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp thế khó trong việc điều hành tỷ giá, nhất là tại những thời điểm thị trường trong nước xuất hiện cầu ngoại tệ lớn. Trong năm 2024, NHNN đã phối hợp các công cụ của mình để ổn định thị trường ngoại tệ với biện pháp mạnh tay nhất là hai lần bán USD giao ngay với tổng khối lượng lên tới khoảng 8 tỷ USD. Ngoài ra, NHNN cũng sử dụng các công cụ trên thị trường mở là tín phiếu và OMO để vừa hỗ trợ tỷ giá, đồng thời đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Những động thái của NHNN đã kiềm chế đà tăng tỷ giá, giúp VND trở thành một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trong khu vực. Nhưng ở chiều ngược lại, việc bán USD giao ngay cũng khiến dự trữ ngoại hối đi xuống và là một phần nguyên nhân ảnh hưởng tới thanh khoản hệ thống tại một số thời điểm trong năm.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 3.

Sau khi giảm sâu vào năm 2023 và đầu năm 2024, lãi suất huy động đã chạm đáy và có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 4. Xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn kể từ tháng 6 và diễn ra trên diện rộng từ tháng 7 đến tháng 9, khi có tới hàng chục ngân hàng nâng lãi suất huy động mỗi tháng. Việc tăng trưởng tín dụng tăng nhanh gấp 2-3 lần so với tốc độ tăng của huy đông vốn đã thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thậm chí lãi suất huy động ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 4.

Sau khoảng hai tháng chững lại, lãi suất huy động đã tăng trở lại trong tháng 11 trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng tốc vào những tháng cuối năm. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11 đã tăng 11,9% so với cuối năm 2023 và tiếp tục tăng lên 12,5% vào ngày 7/12, cho thấy sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 khi tín dụng chỉ tăng 9%.

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11 của MBS, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại đạt mức 5% (cao hơn 0,14 điểm % với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm % so với cuối năm 2023.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 5.

Năm 2024, thị trường vàng thế giới và trong nước đã chứng kiến những diễn biến hiếm thấy trong lịch sử.

Trên thị trường thế giới, kim loại quý đã có 40 lần lập đỉnh kể từ đầu năm và có thời điểm tiến sát 2.800 USD/ounce vào cuối tháng 10. Đi cùng với diễn biến giá, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 3 đã lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD – theo Hội đồng vàng thế giới.

Chịu tác động từ diễn biến giá vàng quốc tế cộng hưởng với tâm lý kỳ vọng của người dân, giá kim loại quý trong nước cũng ghi nhận biến động rất mạnh trong năm 2024.

Tính đến ngày 31/12/2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn cùng được các nhà vàng chào bán tại mức giá khoảng 84,2-84,5 triệu đồng/lượng. Kể từ đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng 35% và giá vàng SJC tăng khoảng 15% - đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Mức tăng trên cũng đưa vàng trở thành tài sản "nóng" nhất tại Việt Nam trong năm 2024, bỏ xa tỷ suất sinh lời của các kênh đầu tư truyền thống khác như chứng khoán (Vn-Index tăng 13%), tiền gửi tiết kiệm (6%) và USD (4,5%).

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 6.

Trước diễn biến trên, lần đầu tiên sau 11 năm, NHNN phải tổ chức bán đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường kể từ cuối tháng 4.

Cụ thể, từ 19/4/2024 đến 23/5/2024, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao. Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp, lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để triển khai. Đây là biện pháp can thiệp chưa từng có tiền lệ trong hoạt động điều hành và quản lý thị trường vàng của NHNN.

Kết quả, từ ngày 3/6 đến 29/10/2024, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng). Tổng cộng, NHNN đã bán ra thị trường gần 13,3 tấn vàng trong năm 2024

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 7.

Khác với các năm trước khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng được NHNN chia theo nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị rồi xem xét nới room, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD tương ứng với mức tăng trưởng chung khoảng 15%.

Theo lãnh đạo NHNN, sự thay đổi này mang thông điệp đối với các ngân hàng là vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 8.

Sau khi giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay đầu năm, đến ngày 28/8, NHNN thông báo điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024.

Đến ngày 28/11, NHNN tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.

Như vậy, trong năm 2024, NHNN đã có 2 lần nới room tín dụng cho các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm nhiều khả năng bị giảm hạn mức.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 9.

Thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2024 của 29 ngân hàng này đạt hơn 218 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó có 21/29 ngân hàng tăng trưởng dương.

Vững vàng vị thế dẫn đầu, Vietcombank vẫn là quán quân toàn ngành với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Ngoài Vietcombank và Techcombank, có 6 ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đạt trên mốc 10.000 tỷ đồng gồm BIDV, MB, VietinBank, ACB, VPBank, HDBank. 8 ngân hàng này đang nắm giữ gần 3/4 lợi nhuận toàn ngành và đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 10.

Dù vậy thứ hạng trong Top10 lợi nhuận đã có những xáo trộn mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024. Những ngân hàng cải thiện được thứ hạng gồm Techcombank (từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2), VPBank (từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 7) .Trong khi đó, MB giảm 2 bậc so với cùng kỳ xuống vị trí thứ 4. VietinBank cũng tụt 1 bậc xuống vị trí Top 5 hệ thống. HDBank từ vị trí thứ 7 tụt xuống thứ 8.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 11.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 9 ở mức 253.479 tỷ đồng, tăng 56.160 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 28,5%). Mức tăng này cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Số nợ xấu trên hiện chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của 27 ngân hàng.

Trong khi đó, bộ đệm dự phòng nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng mỏng đi. Dữ liệu từ BCTC cho thấy, cuối tháng 9/2024, chỉ còn 4 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trên 100% (tức 1 đồng nợ xấu thì đã dự phòng hơn 1 đồng) là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank. Phần lớn các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này sụt giảm trong năm qua.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 12.

Theo Công ty chứng khoán VCBS, chất lượng tài sản cũng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu kiểm soát ở mức vừa phải. VCBS cho rằng, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn sau 31/12/2024, và rủi ro nợ kéo theo trên CIC đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 13.

Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

Trong đó, Luật sửa đổi đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến sở hữu chéo và thao túng, hướng đến môi trường tài chính ổn định và đáng tin cậy hơn. Luật quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa cho các cổ đông là tổ chức (bao gồm cả cổ đông gián tiếp) từ 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng xuống 10% và đối với các cá nhân và người có liên quan từ 20% xuống 15%.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung trách nhiệm công bố thông tin toàn diện về các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, bao gồm thông tin về cổ đông, người có liên quan và chi tiết sở hữu.

Cũng bắt đầu từ ngày 01/07/2024, Luật cũng yêu cầu các TCTD phi ngân hàng phải giới hạn hạn mức tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có và 25% đối với một khách hàng và người có liên quan.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 14.

Nhiều quy định quan trọng cũng chính thức có hiệu lực, như việc chính thức nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, người quản lý, điều hành và nhân viên của tổ chức tín dụng thực hiện việc bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung cấp dịch vụ ngân hàng.

Nội dung Luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các TCTD phát triển lành mạnh, ổn định, tuy nhiên cũng tạo ra những thách thức ngắn hạn cho nhiều ngân hàng khi tuân thủ các quy định mới.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 15.

Năm 2024 là năm “bùng nổ” hoạt động tài trợ cho chương trình ca nhạc, gameshow giải trí của các ngân hàng. Hoặc có thể nói, đây là năm mà hoạt động này đem lại hiệu quả tốt nhất từ trước đến nay, trong đó phải kể đến 2 trường hợp ở Techcombank và VIB.

VIB đã để lại dấu ấn thương hiệu khi tài trợ cho chương trình “Anh Trai Say Hi”, trong khi Techcombank thành công khi tài trợ cho “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 16.

Mỗi ngân hàng có mục tiêu và chiến lược khác nhau. VIB thông qua chương trình để gia tăng độ nhận diện thương hiệu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thẻ và phần lớn nhắm đến phân khúc khách hàng thế hệ Millennials và Gen Z.

Techcombank đầu tư vào chương trình để thu hút thêm các khách hàng mới, đặc biệt là cách hàng trẻ. Đồng thời, ngân hàng này cũng tăng cường đẩy mạnh sản phẩm mới “Sinh lời tự động” xuyên suốt chương trình, giúp Techcombank gia tăng được lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 17.

Ngoài ra, 2 ngân hàng khác cũng đẩy mạnh tài trợ cho các chương trình giải trí như MB tài trợ cho “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” và VPBank tài trợ cho “Our song”.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 18.

Trước bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn nghiêm trọng, ngành ngân hàng đã có động thái quyết liệt để hạn chế tình trạng này.

Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2024, Quyết định 2345 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành chính thức có hiệu lực, bắt buộc các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng xác thực sinh trắc học khuôn mặt.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 19.

Tiếp đó, NHNN ban hành thêm nhiều Thông tư quan trọng nhằm tăng cường bảo mật trong giao dịch ngân hàng. Trong đó có Thông tư 17 quy định rằng từ 01/01/2025, các chủ tài khoản chưa hoàn tất việc cập nhật thông tin sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch trực tuyến. Thông tư 18 yêu cầu từ ngày 01/10/2024, tất cả cá nhân mở thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử qua kênh trực tuyến phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Thông tư 50 đưa ra khung pháp lý cụ thể về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng.

Theo NHNN, ngành ngân hàng xác định đích đến là ngày 1/1/2025, dữ liệu tài khoản ngân hàng phải là dữ liệu sống, khẳng định cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo an toàn trong hệ thống tài chính.

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 20.

Ngân hàng Nhà nước đã đạt bước tiến lớn trong xử lý các ngân hàng yếu kém, tái cơ cấu hệ thống trong năm nay.

Ngày 17/10/2024, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) đã chính thức được chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) chuyển giao bắt buộc cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024- Ảnh 21.

Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Sau hai tháng tiếp nhận, MB đã bổ nhiệm nhân sự cấp cao Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc tại OceanBank và đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV); tên Tiếng Anh: Modern Bank of Vietnam Limited; Tên viết tắt: MBV.

Nói về sự kiện chuyển giao bắt buộc này này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận xét: “Việc này đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan”. Đây là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Bài: Minh Vy - Quang Hưng

Thiết kế: Hải An

Cùng chuyên mục

Đọc thêm