Chứng khoán

Chứng khoán KIS: Kỳ vọng xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu vào Mỹ chậm lại

Chứng khoán KIS dự báo giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng tốc trong năm 2025 với mức tăng trưởng 16% so với năm 2024, chủ yếu nhờ sự phục hồi ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ dự kiến sẽ chậm lại do ảnh hưởng của thuế quan cao hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có thể giành được thị phần lớn hơn tại Mỹ nhờ mức tăng thuế thấp hơn so với hàng hóa Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chi phí lao động ở Việt Nam vẫn mang tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Những lợi thế này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp cân nhắc chuyển dịch nhà máy sản xuất về Việt Nam. Về lâu dài, sự dịch chuyển này sẽ tạo thêm hàng hóa xuất khẩu mới cho Việt Nam không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường khác. Vì vậy, Chứng khoán KIS cho rằng các chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ sẽ phần nào có tác động tiêu cực đến xuất khẩu Việt Nam, nhưng tác động này sẽ ở mức khiêm tốn.

Chứng khoán KIS: Kỳ vọng xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong năm 2025- Ảnh 1.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam - Nguồn: GSO, KIS

Chứng khoán KIS: Kỳ vọng xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong năm 2025- Ảnh 2.

Tiền lương hàng tháng ở một số quốc gia - Nguồn: CSIS, PIIE, The Book, KIS

Xét về chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Chứng khoán KIS nhận thấy trọng tâm sẽ tập trung vào các ngành chiến lược như chất bán dẫn và xe điện để củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong các ngành công nghệ tiên tiến. Hướng đi này phù hợp với các chính sách từ chính quyền Biden, như Đạo luật CHIPS, nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn như TSMC và Intel xây dựng nhà máy tại Mỹ. Các chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa và đầu tư vào chuỗi cung ứng xe điện, bao gồm sản xuất, công suất pin và nguyên liệu thô, cũng sẽ được ưu tiên. Với vai trò khiêm tốn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip và EV tại châu Á, Việt Nam ít có khả năng trở thành mục tiêu chính trong các chính sách thương mại từ Mỹ.

Xuất khẩu được thúc đẩy từ thị trường Trung Quốc

Chứng khoán KIS kỳ vọng doanh số bán lẻ ở thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm tới. Theo đó, trước những khó khăn của nền kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát tín hiệu về việc chuyển hướng chính sách sang "nới lỏng vừa phải". Động thái này đã nhận được phản ứng tích cực từ thị trường.

Nhìn chung, diễn biến này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm giải quyết tình trạng suy yếu trong tiêu dùng nội địa và thị trường bất động sản suy thoái. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng sẽ có thêm các biện pháp kích thích khác trong năm tới, đặc biệt khi chính sách thuế quan của ông Trump có thể cản trở tăng trưởng xuất khẩu.

Chứng khoán KIS: Kỳ vọng xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong năm 2025- Ảnh 3.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)

Các động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong thời gian qua cũng củng cố cho quan điểm này. Cụ thể, ngày 03/12, Thống đốc PBoC đã nhấn mạnh lập trường hỗ trợ trong việc thực thi chính sách tiền tệ năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, PBoC đã gỡ bỏ trần lãi suất thế chấp vào tháng 5 và giảm tỷ lệ thanh toán tối thiểu xuống còn 15% đối với người mua nhà lần đầu và lần thứ hai.

Bên cạnh các chính sách tài khóa chủ động nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%, chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tại Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Chứng khoán KIS cho rằng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm tới, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nước ngoài, trong đó hàng hóa Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Chứng khoán KIS: Kỳ vọng xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong năm 2025- Ảnh 4.

Chính sách tài chính của Trung Quốc năm 2024 - Nguồn: SCMP, PBoC, KIS

Cùng chuyên mục

Đọc thêm