Phiên 30/12, cổ phiếu của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) tăng 11%, lập đỉnh mới 260.000 đồng/cp. Tính qua một tháng và một năm, MCH đã tăng lần lượt 22% và 245%.
Vốn hóa hiện đạt trên 188.000 tỷ đồng (xấp xỉ 7,5 tỷ USD, tạm tính 1 USD đổi 25.000 VND). Mức vốn hóa này đã vượt Vinamilk (Mã: VNM) (hơn 132.000 tỷ đồng) để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất ngành thực phẩm - đồ uống (F&B).
Trên UPCoM, vốn hóa công ty con của Masan Group hiện chỉ kém Viettel Global Investment (Mã: VGI) (280.000 tỷ đồng) và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) (gần 274.000 tỷ đồng).
Tính trên toàn thị trường, Masan Consumer đang xếp thứ 7, cao hơn Vinhomes (Mã: VHM), Techcombank (Mã: TCB), Hòa Phát (Mã: HPG), PV Gas (Mã: GAS) hay Vingroup (Mã: VIC) của sàn HOSE.
Masan Consumer có kế hoạch niêm yết, đã được ĐHĐCĐ thông qua. Vào đầu tháng 10, hội đồng quản trị công ty đã chốt thời điểm chuyển sang HOSE là trong năm 2025.
Công ty còn có kế hoạch chào bán 326,8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:45,1 (cổ đông sở hữu 1.000 cp có quyền mua thêm 451 cp mới). Giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được dự kiến đạt 3.268 tỷ đồng, được dùng phần lớn để trả nợ. Vốn điều lệ theo đó dự kiến tăng lên mức 10.623 tỷ đồng.
Mặt khác, Masan Consumer liên tục trả cổ tức với tỷ lệ cao trong thời gian gần đây. Gần nhất, công ty chốt danh sách vào 20/12 để trả tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ 95% (mỗi cổ phiếu nhận 9.500 đồng). 30/12 là ngày thanh toán lượng cổ tức này (gần 7.000 tỷ đồng).
Trước đó, cho năm 2023, công ty đã chi khoảng 19.000 tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ tổng cộng 268% (chia làm nhiều đợt).
Tại báo cáo phân tích doanh nghiệp mới đây, SSI Research cho biết trong quý III, Masan Consumer đã đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt ở mức 8.000 tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ) và 2.100 tỷ đồng (tăng 14,5% so với cùng kỳ), nhờ doanh thu từ thực phẩm tiện lợi, đồ uống và hàng tiêu dùng nhanh (HPC) đều đạt mức tăng trưởng hai chữ số.
Các sáng kiến đổi mới sản phẩm và nâng cao chất lượng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng doanh thu với 125 sản phẩm mới được ra mắt trong 12 tháng qua để đáp ứng các xu hướng tiêu dùng mới. Doanh thu từ các sản phẩm mới đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 46,5% so với cùng kỳ) trong giai đoạn 9 tháng trên tất cả các danh mục như: nước giặt Chante, trà Bupnon Tea 365, tương ớt Chinsu Sriracha...
Đối với nước mắm và thực phẩm tiện lợi, tỷ lệ sản phẩm cao cấp/tổng doanh thu đã tăng từ 14,8% lên 15,8% và từ 47,0% lên 52,4% trong quý III.
Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt là 22.000 tỷ đồng (tăng 11,2% so với cùng kỳ) và 5.500 tỷ đồng (tăng 13,8% so với cùng kỳ). Theo đó, công ty đã đạt 68% dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận cho cả năm 2024.
Về triển vọng, theo nhóm phân tích, ban lãnh đạo tự tin sẽ tiếp tục đạt được lợi nhuận cao trong quý IV với mức tăng trưởng hai chữ số về cả doanh thu và lợi nhuận cho cả năm 2024.
Chính sách tái cấu trúc phân phối gần đây, nhằm giảm các chương trình khuyến mãi cho các nhà phân phối và tập trung vào bán hàng trực tiếp cho các nhà bán lẻ GT nhỏ, dự kiến sẽ giúp xây dựng thương hiệu và mở rộng tệp khách hàng trong dài hạn.
SSI Research tin rằng lợi thế cạnh tranh về R&D (nghiên cứu và phát triển) của Masan Consumer, với vai trò là một công ty luôn nỗ lực đẩy nhanh sự đổi mới, ra mắt sản phẩm mới và cải thiện thị phần, sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Chiến lược Go-Global được kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng dài hạn cho các danh mục chính như gia vị và thực phẩm tiện lợi.
Xuất khẩu hiện chiếm 5% tổng doanh thu và công ty đã thâm nhập vào các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và đã ghi nhận các kết quả tích cực ban đầu đối với dòng sản phẩm của công ty. Các danh mục sản phẩm khác vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trên thị trường nội địa.
Sang năm 2025, nhóm phân tích dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ lần lượt đạt 32.300 tỷ đồng (tăng 13,1% so với cùng kỳ) và 9.200 tỷ đồng (tăng 13,3% so với cùng kỳ).
Yếu tố hỗ trợ là việc chuyển sang niêm yết HOSE trong thời gian tới có thể giúp thanh khoản của cổ phiếu cải thiện. Và đây là doanh nghiệp tập trung vào mảng tiêu dùng, có thể hấp dẫn hơn so với cấu trúc phức tạp của Masan Group.
Về khía cạnh rủi ro, tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến có thể gây áp lực lên tăng trưởng doanh thu, hay việc khó xác định các giao dịch của các bên liên quan.