Kỹ năng sống

10 biến chứng cực kỳ nguy hiểm hậu COVID-19: Chuyên gia chỉ cách xử lý

Hiện nay, số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh, chúng ta cũng dần chấp nhận sống chung với virus này. Nhưng, nhiều người đã coi nhẹ việc trở thành F0 hoặc thậm chí muốn nhiễm để có miễn dịch sau này. Bởi, nhiều người trong chúng ta đã không biết đến chứng hậu COVID -19 (post COVID-19 condition), không phải ngẫu nhiên mà COVID-19 lại là đại dịch khủng khiếp nhất trong suốt nhiều năm.

Vậy hậu COVID-19 là gì?

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hội chứng hậu COVID-19 là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán khác. Tình trạng này khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Trong số những người bị hậu COVID-19, khoảng 21% có các triệu chứng về chức năng phổi bất thường, 24% có các triệu chứng thần kinh và rối loạn chức năng khứu giác và 55% than phiền về các triệu chứng mệt mỏi và đau mãn tính.

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Đa số là rối loạn nhẹ, tuy nhiên, có một số triệu chứng cực kỳ nguy hiểm sau:

1. Biến chứng phổi: Ho khan, khó thở kéo dài dẫn tới việc phụ thuộc thở oxy. Tình trạng này do người bệnh bị xơ phổi không hồi phục (1 hoặc 2 bên phổi). Đặc biệt, tình trạng suy hô hấp sẽ càng trầm trọng trên nền người bệnh có sẵn bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi, hen phế quản, viêm phế quản mãn tính…

10 biến chứng cực kỳ nguy hiểm hậu COVID-19: Chuyên gia chỉ cách xử lý - Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương kính mờ phổi phải (trái) và đông đặc thùy dưới hai phổi (phải) trên X-quang phổi thẳng. Ảnh: BV 108.

2. Biến chứng về huyết học: Tắc mạch máu do cục máu đông, dẫn tới các di chứng nặng nề như tắc mạch não, mạch phổi, mạch vành của tim, mạch thận, nguy cơ cao ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh dù được chẩn đoán khỏi COVID-19.

3. Biến chứng trên hệ tiêu hoá: Nôn, buồn nôn, đau bụng quặn, đi ngoài nhiều lần hoặc táo bón kéo dài. Nguyên nhân do rối loạn dẫn truyền của đường ruột, mất nước điện giải do sốt…Ngoài ra, các triệu chứng nhẹ hơn như ăn không ngon, mất hoặc giảm vị giác, khứu giác dẫn tới chán ăn, đau thượng vị…đều được ghi nhận với khoảng 15% số người bệnh.

4. Biến chứng trên hệ tim mạch: như đã nói, cục máu đông có thể gây tắc mạch vành, dẫn tới nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh, đánh trống ngực).

5. Biến chứng thần kinh: lo lắng, stress, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tâm trạng tiêu cực. Thậm chí, có thể suy giảm trí nhớ (kể cả người trẻ), chứng sương mù não (giảm nhận thức, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn), nặng hơn nữa là đột quỵ

6. Biến chứng thận: viêm thận kéo dài, dẫn tới suy thận.

7. Biến chứng nội tiết: đái tháo đường, suy giáp.

8. Biến chứng trên da: ban đỏ, viêm da, mề đay, rụng tóc.

9. Biến chứng trên cơ xương khớp: đau nhức cơ, yếu cơ, mỏi cơ, viêm khớp. Có khoảng 50-70% các trường hợp sau khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính nhưng vẫn còn tình trạng đau mỏi cơ khớp. Dù điều này không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng lại gây rất nhiều phiền toái trong công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày.

10. Riêng với trẻ em, còn có thêm cả hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), gây viêm sâu khắp cơ thể của trẻ, 80% sẽ ảnh hưởng tới tim và trên 50% có nguy cơ suy tim trái khi mắc hội chứng này. Nhiều trẻ sau khi xét nghiệm âm tính 5-14 ngày lại xuất hiện diễn biến nặng, phức tạp, điều trị khó khăn và có tỷ lệ tử vong cao.

Đặc biệt, đối với những người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là người mắc bệnh hô hấp đã kể trên, di chứng hậu COVID-19 có thể khiến tổn thương vốn có đó trở nên nặng hơn.

Bên cạnh đó, một số người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn nội tiết tố tuyến giáp, giảm độ lọc cầu thận; rối loạn chức năng hô hấp…

Cảnh giác với hội chứng hậu COVID-19

Hiện nay, có nhiều bệnh viện điều trị cho người bệnh COVID-19, tuy nhiên, những người có hội chứng hậu COVID-19 thì thường được khuyến cáo điều trị tại nhà.

Chúng ta nên tiếp tục cảnh giác với hội chứng hậu COVID-19 bằng việc tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện để phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ như sau:

- Khó thở: nếu tình trạng khó thở kéo dài, nhịp thở trên 21 lần/phút kết hợp đo Sp02 dưới 95% thì cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm nhất.

- Ho khan: nếu ho khan nhẹ thì không cần điều trị. Ho khan nhiều, nặng tiếng thì cần dùng thuốc giảm ho dưới chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Thuốc chống viêm chứa corticoid có thể làm giảm các triệu chứng viêm đường hô hấp, tuy vậy, nó có thể gây ức chế miễn dịch nếu dùng kéo dài. Do vậy, người bệnh chỉ nên dùng sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

10 biến chứng cực kỳ nguy hiểm hậu COVID-19: Chuyên gia chỉ cách xử lý - Ảnh 2.

Tập luyện nhẹ nhàng là biện pháp tốt nhất sau hậu COVID. Ảnh: BYT.

- Thuốc chống đông: nếu bạn có những dấu hiệu như đau tức ngực trái, đau mỏi 2 chi dưới, tim đập nhanh, huyết áp tăng, khó thở…chúng ta sẽ được xét nghiệm đông máu và dùng thuốc chống đông (dự phòng hoặc điều trị) theo chỉ định của bác sĩ.

- Rối loạn đại tiện: dùng oresol nếu đi ngoài lỏng nhiều trên 3 lần/ngày. Nếu táo bón thì cần uống nhiều nước.

- Tăng đề kháng: có thể dùng vitamin tổng hợp, nhưng cũng chỉ nên uống 1 viên một ngày.

- Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% hàng ngày.

- Tập thể dục: Hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, đạp xe đạp chậm, tập dưỡng sinh…, đảm bảo đủ 30 phút mỗi ngày.

- Đi bộ: Nghiên cứu cho thấy, người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ từ 4.000 đến 18.000 bước/ngày. Với người hồi phục sau COVID-19, mục tiêu đi bộ 5.000 - 8.000 bước/ngày là phù hợp nhất.

- Dinh dưỡng: Nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của mỗi người và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn. Nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung kali. Bổ sung các loại vi chất do tác hại của bệnh COVID-19. Nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hàu, nghêu sò…

- Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh.

Với trẻ em, sau khi nhiễm Covid-19, kể cả khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính, bố mẹ vẫn nên cho con đi khám tổng thể để phát hiện những biến chứng nặng có đề cập ở trên.

Đặc biệt, chúng ta vẫn cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc 5K để đảm bảo phòng tránh tái nhiễm cho bản thân và cộng đồng.

Nhóm tác giả:

Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại Học Kỹ Thuật Y-Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng)

Nguyễn Thị Hiền Hậu (Khoa Y, Đại Học Duy Tân, Đà Nẵng)

PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

Tài liệu tham khảo:

1.A Delphi consensus to advance on a clinical case definition for post covid-19 condition: a WHO protocol. Protoc Exch. 2021; (published online June 25.)

2. Nefer, Sinuhe and clinical research assessing post COVID-19 condition. Eur Respir J. 2021; 572004423

3. Towards a universal understanding of post COVID-19 conditions. Bull World Health Organ. 2021; 99: 901-903

4. https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/tai-lieu-truyen-thong/hieu-them-ve-di-chung-hau-covid19-cung-tim-cach-vuot-qua-842b86822d452cd0004d5398726e2d9b.html#:~:text=T%E1%BB%95%20ch%E1%BB%A9c%20Y%20t%E1%BA%BF%20Th%E1%BA%BF,b%E1%BA%B1ng%20ch%E1%BA%A9n%20%C4%91o%C3%A1n%20thay%20th%E1%BA%BF .

5. https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/long-term-effects/index.html

6. Front Med (Lausanne) . 2021 May 4;8:653516.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm