1. Giảm hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống
Khủng hoảng tuổi trung niên cũng giống như khủng hoảng tuổi dậy thì, nó đến dù bạn muốn hay không. Khi bước vào tuổi trung niên, nhiều người cho biết sự hài lòng trong cuộc sống rơi xuống mức thấp nhất trong cuộc đời họ. Các nhà nghiên cứu nói rằng trong cuộc đời con người, biểu đồ hạnh phúc có hình chữ U, khoảnh khắc chạm đáy là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tuổi trung niên.
Theo các chuyên gia, khủng hoảng tuổi trung niên là sự mất tự tin và cảm giác lo lắng hoặc thất vọng có thể xảy ra ở độ tuổi từ 35 đến 50. Điều này liên quan đến nhận thức về việc bản thân ngày càng già đi, đời sống tình dục suy giảm, thành tựu của bản thân chưa bằng người khác đồng trang lứa...
2. Thay đổi hành vi
Các cuộc khủng hoảng tinh thần thường thể hiện bằng những thay đổi trong thói quen của một người. Người đó có thể thay đổi thói quen ngủ, bắt đầu ít quan tâm đến vệ sinh hơn hoặc đơn giản là ăn uống khác đi. Đôi khi những thay đổi này đột ngột và rõ ràng hơn.
3. Cảm giác trống rỗng
Một dấu hiệu cho thấy ai đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn của tuổi trung niên là họ có thể nghĩ rằng cuộc sống của họ đang thiếu hứng thú và ý nghĩa. Nghĩ về tuổi già đang đến khiến họ xem đó là cơ hội cuối cùng để làm điều thú vị hoặc điên rồ khiến cuộc đời đáng nhớ. Đối với một số người, nó có thể dẫn đến những hành động hấp tấp và có hại hoặc là cơ hội để thực hiện ước mơ cả đời.
4. Đặt câu hỏi về niềm tin lâu đời
Cả nam giới và phụ nữ đều có xu hướng đánh giá lại các lựa chọn trong cuộc sống của họ. Một người tưởng chừng như đang kết hôn hạnh phúc có thể đệ đơn ly hôn. Hoặc một người thích cuộc sống ở một vùng nông thôn có thể muốn chuyển đến một thành phố lớn và ngược lại. Nếu người thân của bạn bắt đầu thay đổi các giá trị sống của họ, hãy kiên nhẫn. Nó có thể chỉ là một giai đoạn, với sự giúp đỡ của bạn đời, họ sẽ hiểu bản thân hơn và có cuộc sống ý thức hơn.
Tuổi trung niên là giai đoạn mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu những quyết định nghề nghiệp họ đưa ra trong cuộc đời là đúng hay sai, hoặc họ bắt đầu so sánh mình với những người bạn khác.
5. Cảm xúc nhớ nhung mãnh liệt
Những người khoảng 40 tuổi được xem đã có cuộc sống ổn định cũng thể trở nên hoài niệm về quá khứ. Trong khi trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, người đó có thể bị mắc kẹt với ý nghĩ rằng quá khứ luôn tốt đẹp hơn.
6. Không ngừng so sánh mình với người khác
Đột nhiên người trung niên cảm thấy mọi người xung quanh họ hạnh phúc hơn, giàu có hơn, có sự nghiệp tốt hơn... Nếu bạn nhận thấy rằng một người đang đếm số lần họ bị tụt lại phía sau, thì đã đến lúc nhắc họ về tất cả những thành tựu họ đạt được trong cuộc đời.
Khủng hoảng này khác với trầm cảm. Cảm xúc tích cực sẽ cải thiện dần theo thời gian, vì vậy hãy kiên nhẫn với người thân của bạn.
Một số điều bạn có thể làm để cho phép họ trải qua giai đoạn này:
Lắng nghe người thân của bạn mà không phán xét, cố gắng trò chuyện lành mạnh.
Cho họ thời gian và không gian để giải quyết tình cảm của họ.
Theo đuổi sở thích của riêng bạn. Khi người bạn đời của bạn đang trải qua một cơn khủng hoảng có thể sẽ khiến bạn chán nản. Vì vậy đây là thời điểm hoàn hảo để tập trung vào bản thân nhiều hơn.
Gặp bác sĩ trị liệu cùng với bạn đời đang trải qua cuộc khủng hoảng.
Hà Vi(Theo Bright Side)