Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các F0 cả người lớn và trẻ em đều tự cách ly tại nhà. Do đó, không ít người cảm thấy hoang mang, không biết cần phải uống thuốc gì hay ăn uống ra sao để cải thiện sức khoẻ.
Thấu hiểu nỗi lo lắng của mọi người cũng như để giải đáp thắc mắc chung của các bệnh nhân, Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội đã có chia sẻ chi tiết về phương pháp cách ly và điều trị tại nhà cho các F0.
Yêu cầu cách ly
Phòng đủ tiêu chuẩn: Có cửa sổ thoáng (nên mở ra), phòng vệ sinh khép kín, người nhà nên đeo khẩu trang để hạn chế virus phát tán ra bên ngoài khi mở cửa tiếp tế thức ăn.
Trường hợp cả nhà F0 cùng 1 lúc hoặc theo các ngày khác nhau thì các F0 không cần cách ly nhau. Nếu con nhỏ chưa thể tự chăm sóc cho mình hoặc F0 cần người chăm sóc thì nên cách ly kèm theo 1 người trong phòng riêng và thực hiện 5K. Mẹ bị F0 có con sơ sinh thì mẹ và con cùng cách ly, vẫn cho con bú và thực hiện 4K
Chất thải cần cho vào túi ni lon y tế màu vàng, phun cồn 70 độ trước khi bỏ ra ngoài (đổ cồn 70 độ vào 1 bình xịt phun sương).
Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội
Các loại thuốc cần chuẩn bị
- Thuốc hạ sốt: paracetamol (Efferalgan) x 20 viên
- Thuốc bù nước và điện giải: Oresol x 20 gói
- Thuốc bổ: Vitamin tổng hợp, vitamin C.. x 20 viên
- Nước xúc họng
- Thuốc giảm ho (nếu ho nhiều):
+ Người lớn: Terpincodein x 20 viên
+ Trẻ em: Atussin siro x l lọ
+ Cặp nhiệt độ x 1 chiếc
+ Thiết bị đo nồng độ bão hòa oxy x 1 cái
F0 chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C. Ảnh minh hoạ
Loại thuốc có thể tự dùng
Khi bị sốt, đau đầu, đau người: Người lớn (sốt > 38,5) sử dụng 1 viên paracetamol 0,5g//lần. Có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4-6 lần. Trẻ em (sốt> 38,5 độ) uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần.
Nếu uống thuốc hạ sốt mà không hạ, thì cần chườm ấm liên tục đến khi nhiệt độ dưới 38,5.
Nếu bị ho: Ho là phản ứng tự vệ tốt của cơ thể, nếu ho ít thì không cần uống thuốc còn ho nhiều thì có thể sử dụng thuốc giảm ho. Trong đó, người lớn uống terpincodein uống 1-2 viên/1 lần và uống 2 lần trong ngày. Còn trẻ em dùng Atussin siro uống theo tờ hướng dẫn.
Trường hợp đi ngoài lỏng thì uống bù nước và điện giải Oresol pha mỗi gói vào 200 ml nước.
Loại thuốc phải có hướng dẫn của bác sỹ
Thứ nhất, các loại thuốc kháng virus như Favipiravir 200mg, 400mg (viên) hay Molnupiravir 200mg, 400mg (viên) có tác dụng điều trị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình đều có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Do đó, bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày thì không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp và không sử dụng để dự phòng. Không sử dụng đối với phụ nữ có thai và cho con bú; phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng; không sử dụng cho người dưới 18 tuổi và nam giới sau khi dùng phải 3 tháng sau mới được có con.
Thứ hai, thuốc giảm viêm có thành phần corticosteroid đường uống như Dexamethason 0,5 mg (viên nén), Methylprednisolon 16 mg (viên nén). Đây là loại thuốc chỉ kê đơn điều trị một ngày trong thời gian chờ chuyển đến bệnh viện.
Thứ ba, thuốc chống đông như Rivaroxaban 10 mg (viên), Apixaban 2,5 mg (viên). Đây cũng là loại thuốc chỉ kê đơn điều trị một ngày trong thời gian chờ chuyển đến bệnh viện. Do đó, người dân không được tự phép uống hoặc nghe theo lời mách bảo của người khác.
Số lượng F0 cả người lớn và trẻ em đều tăng nhanh. Ảnh: Kênh 14
Các dấu hiệu F0 cần báo y tế cấp cứu
- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít khi hít vào.
- Nhịp thở: Đối với người lớn, nhịp thở ≥ 20 lần/phút. Đối với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở: ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, nhịp thở: ≥ 30 lần/phút. Lưu ý ở trẻ em, cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.
- SpO2 ≤ 96%: Trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.
- Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...
- Mắc thêm bệnh cấp tính: Sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Chế độ dinh dưỡng và luyện tập
Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt uống đủ nước. Đặc biệt, nếu sốt cao thì nhu cầu nước là rất lớn nên ngoài nước lọc thì có thể uống kèm oresol, nước dừa, sữa…
Bên cạnh đó, các bệnh nhân F0 nên lưu ý tập hít thở sâu tối thiểu 3 lần/ 1 ngày, mỗi lần 30 phút, khi có dấu hiệu bão hòa oxy máu hạ thì hít thở sâu là rất cần thiết trước khi đi cấp cứu.
Nguồn: FBNV