Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình có một ý tưởng kinh doanh mới mẻ, tuyệt vời mà sau đó nhận ra hàng chục, hàng trăm người đã và đang làm rồi chưa? Nếu có thì bạn không hề đơn độc. Nếu bạn chờ đợi một ý tưởng không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn không có sự cạnh tranh nào thì rất khó.
Bản thân bạn hoặc công ty bạn cần có sự khác biệt trong một thị trường đầy tính cạnh tranh. Khi khách hàng thấy được sự độc đáo và mới mẻ trong dịch vụ hoặc sản phẩm của bạn thì khả năng họ mua hàng chỗ bạn sẽ cao hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nổi tiếng và thành công nhờ chiến lược này. Sau đây là 3 cách giúp làm nổi bật thương hiệu của bạn:
1. Cải thiện trải nghiệm
Đây là chiến lược phổ biến nhất để thâm nhập thị trường. Để làm được điều này, bạn cần hiểu khách hàng khi trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ trong lĩnh vực của bạn và tạo trải nghiệm tốt hơn cho họ. Một số công ty lớn hiện nay đã triển khai thành công chiến lược này.
IPod và iPhone là hai ví dụ điển hình. IPod không phải là máy nghe nhạc đầu tiên trên thị trường, cũng giống như iPhone không phải là điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, cả hai thiết bị này đều cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng. Với iPod, người dùng có thể chứa tới một nghìn bài hát, một điều mang tính cách mạng vào thời điểm đó.
Một ví dụ khác gần đây là Uber. Với hàng triệu chiếc xe, Uber bước vào một thị trường cạnh tranh cao và phân loại rõ rệt. Tuy nhiên, bằng cách cung cấp trải nghiệm tốt hơn thông qua định vị GPS, Uber đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2. Đột phá về chi phí
Đột phá về chi phí là một chiến lược thâm nhập thị trường phổ biến khác. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng có lợi cho bạn. Việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với chi phí thấp hơn có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến về giá không có hồi kết.
Tuy nhiên, bạn có thể triển khai chiến lược này thành công với hai điều kiện: (1) bạn có đủ vốn để vượt qua cuộc chiến giá cả và (2) mô hình kinh doanh của bạn cho phép bạn có chi phí hoạt động thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Reliance Industries, một tập đoàn kinh doanh ở Ấn Độ, đã triển khai thành công chiến lược đầu tiên với việc giới thiệu nhà điều hành mạng di động, Jio. Điện thoại di động và Internet rất đắt tiền và xa xỉ với nhiều người Ấn Độ cho đến khi Jio xuất hiện. Trong vòng chưa đầy hai năm, thị phần của công ty đã tăng từ 0 lên 20%.
Là một công ty start up, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn không đủ khả năng thực hiện một chiến lược cạnh tranh về giá cả. Một giải pháp thay thế cho điều này sẽ là những gì Dollar Shave Club đã làm khi họ bắt đầu kinh doanh dao cạo râu dựa trên đăng ký định kỳ. Công ty cắt giảm đáng kể chi phí phân phối bằng cách kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, với mô hình đăng ký định kỳ, Dollar Shave Club không gặp khó khăn khi dự báo nhu cầu trong tương lai. Kết quả là một sản phẩm giá rẻ cung cấp chất lượng cạo tương đương so với các đối thủ cạnh tranh có giá cao hơn.
3. Cá nhân hóa sản phẩm
Đây là một chiến lược lý tưởng cho các công ty start up cạnh tranh trong một thị trường được bao phủ bởi các thương hiệu lớn. Các thương hiệu lớn thường hoạt động ở quy mô công nghiệp, khiến họ khó thích nghi và cá nhân hóa sản phẩm của mình cho phù hợp với thị hiếu của từng khách hàng. Các công ty start up có thể linh hoạt đưa ra một sản phẩm hoặc dịch vụ thu hút khách hàng hơn.
Alala - một thương hiệu cạnh tranh với Adidas trong lĩnh vực trang phục thể thao dành cho nữ, cho phép khách hàng tự do thiết kế trang phục của họ.
Mặc dù đây là một trong những chiến lược phổ biến nhất, nhưng sự khác biệt hóa cũng có thể được thực hiện theo vài cách khác. Ví dụ, Zappos chuyên về dịch vụ khách hàng cao cấp; trong khi đó Zenefits, trong những ngày đầu thành lập, đã cung cấp sản phẩm hoàn toàn miễn phí (đồng thời kiếm tiền thông qua việc gia hạn bảo hiểm).
Một vài chiến lược trong số này không thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là việc tạo ra sự khác biệt độc đáo sẽ giúp doanh nghiệp của bạn được chú ý và đây là một trong những cách hiệu quả nhất để thâm nhập vào một thị trường giàu tính cạnh tranh.