" Jack Ma " là một từ khóa thông dụng ở Trung Quốc đến nỗi bất cứ một đứa trẻ nào cũng có thể đã được nghe và nhắc đến cái tên ngay khi mới học tiểu học. Với thế giới bên ngoài quốc gia tỷ dân này thì hầu như mọi động tĩnh của người đàn ông giàu thứ 5 ở Trung Quốc đều được truyền thông quốc tế săn đón và phản ánh, kể cả khi ông đã nghỉ hưu và rời khỏi các vị trí quản lý của tập đoàn Alibaba từ tháng 9/2019.
Không phải ngẫu nhiên mà người đàn ông trông có vẻ dị tướng này với 36.7 tỷ USD tài sản ròng trong trương mục ngân hàng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng lẫn giới truyền thông đến như vậy. Ông chính là người đã xây dựng nên một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới theo đúng nghĩa "tay không bắt giặc": không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực thương mại điện tử hay công nghệ thông tin, không phải là người giỏi toán, và thậm chí còn không có trong tay một bản kế hoạch kinh doanh cho đàng hoàng.
Chọn tiếng Anh để tìm cơ hội đổi đời
Jack Ma sinh năm 1964. Ngay từ khi đang là một cậu bé, ông đã quyết tâm bằng mọi giá phải học tiếng Anh bởi ông hiểu rằng, đây chính là con đường duy nhất giúp một người thân cô thế cô không có mối quan hệ có thể vươn lên trong xã hội Trung Quốc.
Jack Ma đặc biệt yêu thích các tác phẩm văn học nguyên bản bằng tiếng Anh của đại văn hào người Mỹ Mark Twain và xem việc đọc sách như là một phương pháp hiệu quả để trau dồi và nâng cao khả năng tiếng Anh của mình.
Jack Ma (bên trái) thời niên thiếu chăm chỉ làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí để được luyện tiếng Anh với khách quốc tế (Ảnh: 60 minutes)
Sự kiên trì trong hành trình chinh phục tiếng Anh của ông còn thể hiện rõ khi ở tuổi 12, khi trời vừa tờ mờ sáng là ông đã đạp xe 40 phút đến một khách sạn trong vùng để đứng đợi du khách thức giấc nhằm tìm cơ hội bắt chuyện cùng họ. Ông bảo với du khách nước ngoài rằng, ông sẵn sàng đưa họ đi dạo quanh thị xã mà không tính phí, đổi lại họ sẽ dạy tiếng Anh cho ông.
Một ngày nọ, ông gặp một gia đình người Úc tại khách sạn trong thị trấn. Sau những buổi trò chuyện thân tình, họ trở thành những người bạn thân thiết đến nổi gia đình kia mời ông sang Úc chơi. Và lần đầu tiên trong đời được đặt chân ra khỏi biên giới Trung Quốc, Jack Ma như bị choáng ngợp bởi cuộc sống hiện đại mà người dân Úc đang được hưởng thụ so với thực tế đầy khác biệt ở quê nhà.
Cơ duyên với internet
Khả năng tiếng Anh của Jack Ma ngày càng được cải thiện thấy rõ trong khi môn Toán thì vẫn dậm chân tại chỗ. Đây cũng là điểm yếu chết người khiến ông "trượt vỏ chuối" trong kỳ thi tuyển sinh đại học với điểm số môn Toán chỉ là 1/120 điểm sàn.
Lần thi tiếp theo ông cũng chỉ đạt được 19/120 điểm. Kết quả thi quá thấp khiến cho cổng trường đại học trở nên cao vời vợi so với tầm tay, cuối cùng ông đành phải chấp nhận vào học trường Cao đẳng sư phạm địa phương. Đến năm 1998, ông tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân tiếng Anh và bắt đầu công việc đầu đời của mình trong vai trò giáo viên dạy tiếng Anh.
Jack Ma bắt đầu với công việc dạy tiếng Anh sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm (Clip: Insider)
Chuyến đi Mỹ đầu tiên đến thành phố Seattle vào năm 1995 được xem là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông giáo làng dạy tiếng Anh Jack Ma. Ở đây, người bạn thân ở Mỹ đã chỉ cho ông biết đến internet và những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại cho con người. Những gì mắt thấy tai nghe đã gieo vào đầu chàng trai trẻ này khao khát kiếm tiền từ internet.
Ngay trong năm đó, Jack Ma quyết định mở công ty mang tên China Yellow Pages tại quê nhà bằng tất cả vốn liếng mình có được. Văn phòng công ty lúc ấy chỉ là một căn phòng chật hẹp có chứa hệ thống máy trạm và một chiếc máy tính để bàn cũ.
Thế nhưng, cũng ngay sau đó, người đàn ông đầy tham vọng và quyết tâm này vấp phải một bài toán cực kỳ nan giải: thời điểm bấy giờ, kết nối internet là một khái niệm quá xa lạ và chưa từng xảy ra ở Hàng Châu quê ông. Điều này đồng nghĩa với việc thành lập một doanh nghiệp kinh doanh dựa vào nền tảng mạng internet là một nhiệm vụ bất khả thi đối với bất cứ ai.
Nhưng Jack Ma lại nghĩ khác. Ông trình bày cho tất cả bạn bè người quen của mình về những lợi ích và tiềm năng to lớn của internet trong làm ăn kinh doanh, đồng thời thuyết phục một số đối tác chịu giao cho ông nhiệm vụ thiết kế website cho họ theo một quy trình "không tưởng": khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp cho Jack Ma, sau đó ông dịch sang tiếng Anh và gửi những tài liệu đã được dịch thuật này sang Seattle (Mỹ) cho bạn mình bằng đường bưu điện.
Ở đó, bạn của ông sẽ đảm nhận nhiệm vụ thiết kế các website theo yêu cầu rồi chụp màn hình giao diện của website đã hoàn thiện, in ra gửi qua đường bưu điện về Hàng Châu (Trung Quốc) cho Jack Ma để ông mang đi trình bày cho khách hàng. Bằng cách làm độc đáo này, ông đã kiếm được khoảng 2.400 USD cho mỗi website được tạo ra thành công, giúp công ty của mình tồn tại được 3 năm kể từ những ngày đầu mới thành lập.
"Công ty của tôi phải là số 1 thế giới"
Trong vòng vài năm sau đó, Jack Ma liên tục thực hiện việc thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách kết hợp giữa những thử nghiệm thực tế cộng với sự kiên trì của bản thân.
Năm 1999, Jack Ma quyết định thành lập tập đoàn Alibaba theo hình thức kinh doanh B2B (Business To Business – mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau) dựa trên nền tảng thương mại điện tử. Mọi chuyện khởi đầu không hề dễ dàng chút nào.
Sau lưng Jack Ma là căn phòng nơi ông bắt đầu khởi nghiệp với Alibaba trong những ngày đầu ở Hàng Châu vào năm 1999 (Ảnh:Alizila)
"Tuần đầu tiên, công ty chỉ có 7 nhân viên, kể cả nhà sáng lập là tôi. Chúng tôi đóng vai khách hàng và tự mua đi bán lại nhiều loại hàng hóa khác nhau trên nền tảng thương mại điện tử của chính mình", Jack Ma nhớ lại.
"Đến tuần thứ 2 thì bắt đầu đầu có vài khách hàng đưa hàng hóa của họ lên website của chúng tôi để bán. Trong 2 tuần đầu tiên ấy, căn phòng trong công ty chúng tôi chất đống những món hàng mà chúng tôi mua về để rồi không sử dụng, và thành rác thải sau đó. Tất cả chỉ để cho khách hàng cảm thấy rằng, trang web đang hoạt động một cách ổn thỏa mà thôi".
Ngay từ ban đầu khi mới bắt đầu khởi nghiệp với Alibaba, Jack Ma đã có suy nghĩ lớn và tự đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho bản thân.
"Chúng tôi không chỉ muốn trở thành tập đoàn số 1 ở Trung Quốc. Đích đến mà chúng tôi mong muốn chính là ngôi vị số 1 thế giới", Jack Ma tuyên bố với phóng viên báo chí trong những ngày đầu chập chững của tập đoàn Alibaba. Nhà sáng lập của Alibaba còn tự tin đến nỗi tháng 2/2019, ông đã mời phóng viên truyền hình đến quay và làm phóng sự tài liệu về hoạt động của tập đoàn Alibaba ngay sau khi mới khai trương một thời gian ngắn "để sau này khi đã nổi tiếng thì có cái mà nhìn lại".
Trong tâm trí của Jack Ma luôn thường trực với câu hỏi: "Trong vòng 5 năm và 10 năm tới, Alibaba sẽ trở thành như thế nào?". Và câu trả lời mà ông tự đưa ra chính là: Phải xác định đối thủ của Alibaba không phải ở Trung Quốc mà là ở thung lũng Silicon của Mỹ, và vì vậy, cần phải xây dựng một website quốc tế cho Alibaba.
Jack Ma cũng tìm cách huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Palo Alto, thung lũng Silicon… nhằm có thêm nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn.
Trong tất cả các buổi gặp gỡ với nhà đầu tư, ông không hề mang theo bất cứ một bản kế hoạch kinh doanh nào, mà các "ông lớn" công nghệ của Mỹ như Bloomberg, Google và nhiều nhà sáng lập thành công khác thường làm những ngày đầu mới hoạt động. Ngược lại, ông luôn nói với nhà đầu tư phương châm của ông, rằng: "Nếu bạn lập kế hoạch, bạn sẽ thất bại. Nhưng nếu bạn không có kế hoạch thì bạn sẽ thắng".
Tư duy ngược đời này của Jack Ma đã khiến nhiều nhà đầu tư không thể hiểu được cách tiếp cận của ông.
"Đúng là chúng tôi thật sự không hề có một bản kế hoạch kinh doanh rõ ràng", Jack Ma thừa nhận. "Nếu bạn xem Yahoo! là một cỗ máy tìm kiếm, Amazon là một tiệm sách trực tuyến, eBay là một trung tâm đấu giá các mặt hàng thì Alibaba chính là một cái chợ điện tử. Thế nhưng chúng tôi không hề xem đó là những mô hình hoàn hảo. Cái chúng tôi đang hướng đến chính là cần phải biến Alibaba thành mô hình dịch vụ tốt nhất trong lĩnh vực mà nó hoạt động".
Trụ sở tập đoàn Alibaba ngày nay (Ảnh: Ticker News)
Chính nhờ sự ngẫu hứng trong cách tiếp cận của Jack Ma đã giúp ông thuyết phục được Goldman Sachs chấp nhận đầu tư vào tập đoàn Alibaba với khoản tài chính 5 triệu USD để kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.
Trực giác và kinh nghiệm quan trọng hơn kiến thức sách vở
Tấm gương thành công của Jack Ma là một ví dụ điển hình cho tầm quan trọng của cái gọi là "trực giác doanh nhân", và trên hết là thái độ sẵn sàng mở toang mọi cánh cửa để đón nhận những ý tưởng mới cũng như khả năng thích ứng linh hoạt trong việc áp dụng các mô hình kinh doanh phù hợp cho từng thời điểm cụ thể. Với Jack Ma, những điều này quan trọng hơn nhiều so với kiến thức sách vở hàn lâm được dạy tại các chương trình quản trị kinh doanh ở trường đại học khắp nơi trên thế giới.
Trong một buổi thuyết trình cho sinh viên ở trường đại học, Jack Ma nói rằng: "Không nhất thiết phải theo học các khóa học MBA. Hầu hết chúng không hữu ích cho công việc kinh doanh thực tế trên thương trường. Vì vậy, hãy tạm cất những kiến thức đã được học trên giảng đường để áp dụng sự khôn ngoan có được từ kinh nghiệm thực tiễn. Kiến thức có thể có được bằng bằng nhiều cách, trong đó, kiến thức thu lượm được từ quá trình làm việc chăm chỉ là hữu ích nhất".
Với trường hợp cụ thể của Jack Ma thì thậm chí ông cũng không hề có kiến thức hay nền tảng gì về công nghệ cả, thế nhưng ông vẫn vươn lên và trở thành một doanh nhân xuất sắc trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng internet.
"Sự thật là tôi không hề giỏi về công nghệ", Jack Ma nói trong một lần phỏng vấn vào năm 2014. "Tôi vốn được đào tạo để trở thành giáo viên trong trường phổ thông. Thế mà buồn cười thay, giờ đây tôi đang điều hành một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất ở Trung Quốc, và thậm chí lớn nhất ở quy mô quốc tế mà không hề có nhiều kiến thức về máy tính. Kỹ năng máy tính mà tôi giỏi nhất cũng chỉ là gửi và nhận email và lướt web".
Trong nhiều lần trả lời công chúng, Jack Ma luôn đề cao kinh nghiệm thực tiễn hơn là kiến thức lý thuyết từ sách vở (Ảnh: Alibaba/AP)
Với khởi đầu của một nhân viên thiết kế website, rồi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực B2B, năm 2003, Jack Ma tiếp tục phát triển doanh nghiệp của mình theo những hướng đi mới bằng cách sáng lập Taobao - trang mạng mua sắm trực tuyến bằng tiếng Hoa tương tự như eBay và Amazon - theo hình thức B2C (Business – To – Customer).
Ban đầu, kế hoạch này cũng nhận được nhiều mối nghi ngại từ các nhà đầu tư và thậm chí với ngay các lãnh đạo cấp cao trong tập đoàn Alibaba. Thế nhưng cuối cùng, Jack Ma lại đi đúng hướng khi vào năm 2007, ông đã dẫn dắt Taobao đánh bại đối thủ khó chơi nhất là eBay vốn có nhiều kinh nghiệm thương trường lẫn vốn tài chính hơn Taobao nhiều lần tại thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Cũng trong năm 2004, Jack Ma tiếp tục khai trương Alipay, dịch vụ thanh toán điện tử qua nền tảng internet lớn nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại.
Jack Ma thường xuyên tâm niệm rằng, những ý tưởng mới là điều sống còn của doanh nghiệp. Cạn ý tưởng đồng nghĩa với cái chết của bất cứ doanh nghiệp nào.
"Và có một điều cũng hết sức quan trọng, đó là không bao giờ dừng lại khi gặp phải khó khăn hay thách thức. Đã chấp nhận đặt chân vào thương trường thì phải luôn sẵn sàng để đón nhận sai lầm và thất bại. Miễn là chúng ta không bỏ cuộc", ông vua trong lĩnh vực thương mại điện tử chia sẻ.
Việt Nam và Đông Nam Á - Thị trường tiềm năng nhưng khó nhằn của Alibaba
Đầu tháng 11/2017, sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng trở nên sôi nổi hơn khi có sự hiện diện của Jack Ma, người sáng lập và là Chủ tịch tập đoàn Alibaba của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người rằng, đây là chuyến viếng thăm lần đầu tiên của vị tỷ phú người Trung Quốc thì ông lại tiết lộ rằng, ông đã từng đến Việt Nam tìm cơ hội làm ăn từ cách đó 15 năm với một vài hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ.
Jack Ma và tập đoàn Alibaba đặt nhiều kỳ vọng vào "canh bạc" Lazada tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á (Ảnh: Vulcan Post)
Còn lần này, Jack Ma đến Việt Nam với một tư cách khác: là chủ sở hữu 83% cổ phần cổ phần của Lazada sau khi chi ra 2 tỷ USD thông qua tập đoàn Alibaba để nắm quyền kiểm soát Lazada. Đây là sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đang hoạt động hiệu quả tại 6 thị trường chủ chốt là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam.
Đây được cho là một bước khi khôn ngoan của Alibaba khi đầu tư vào Lazada bởi đây chính là nền tảng chủ chốt chiếm tới 1/3 thị phần thương mại điện tử của Việt Nam.
"Thị trường Đông Nam Á có tiềm năng rất lớn, và không giống như các đối thủ – chỉ tập trung vào ngắn hạn, chúng tôi tham gia vào cuộc chơi dài hạn", một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Alibaba phát biểu như vậy sau những nỗ lực đổ tiền vào Lazada ở một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, Alibaba đặt mục tiêu dài hạn là nâng tổng giá trị hàng hóa của Lazada lên gấp 5 lần, nâng tổng số giao dịch trên các nền tảng của Lazada lên mốc 100 tỷ USD. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn kỳ vọng Lazada có thể nâng công suất phục vụ lên hơn 300 triệu người dùng.
Trong suốt năm 2021, ban lãnh đạo của Lazada tại Singapore đã tăng tổng lượng hàng hóa (GMV) lên khoảng 21 tỷ USD. Công ty cũng mở rộng số lượng người dùng tích cực gấp 1,8 lần, tương đương 130 triệu người từ tháng 3/2020-9/2021.
Đây cũng là chiến lược mà Lazada tập trung thực hiện nhằm đối phó với sự cạnh tranh không khoan nhượng của một số đối thủ khó chịu như Shopee, Grab hay Goto đang không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng tại thị trường thương mại trực tuyến của Đông Nam Á.
Khu vực này hiện đang sở hữu dân số hơn 650 triệu người, nơi mà "thương mại điện tử vẫn đang còn trong giai đoạn sơ khai" như lời nhận xét của chuyên gia Lim Kuo-Yi thuộc Quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures (Singapore).