Năm 1964, Trịnh Tường Linh sinh ra trong một thôn trang nghèo ở huyện Tuy Đức, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Gia cảnh nghèo khó, Trịnh Tường Linh chưa bao giờ dám mơ mộng cuộc đời mình sẽ có ngày thành công hiển hách như hôm nay.
Gia đình 3 đời nhà Trịnh Tường Linh có một "siêu năng lực": Đó chính là nhìn xuyên thấu cơ thể người. Tạm thời chưa nói đến tính chân thực của loại năng lực kì lạ kia, nhưng gia đình bà Trịnh luôn bị người trong làng coi là yêu quái, cả đời bị người khác chỉ trích và mắng mỏ thậm tệ.
Đến thời của Trịnh Tường Linh, bà cũng được thừa hưởng loại "siêu năng lực" này. Lúc thơ ấu, mỗi đêm, bà đều nhìn thấy bố mẹ nói về nội tạng của người trong sự sợ hãi. Vì tuổi còn nhỏ nên bà chưa hiểu được năng lực nhìn xuyên thấu cơ thể người là gì nên bà chỉ biết trốn vào một góc tối khóc thầm.
Khi trưởng thành, Trịnh Tường Linh không còn sợ hãi năng lực của mình nữa. Bà quyết định học cách sống chung và sử dụng năng lực kia. Tin tức về sự thần kì của bà truyền đi nhanh chóng, thậm chí còn hấp dẫn cả phóng viên của tờ báo Tây An đến tìm hiểu sự thật vào năm 1978.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy Trịnh Tường Linh thật sự có loại năng lực nhìn xuyên thấu cơ thể người. Theo đó, bà có thể nhìn thấy rõ từng cơ quan nội tạng và mạch máu lưu thông bên trong con người. Cuốn sách "Mysteries – Bí ẩn mãi mãi là bí ẩn" đã từng viết về câu chuyện năng lực thần kỳ của Trịnh Tường Linh.
Đến năm 15 tuổi, bà được Học viên y Tây An chiêu sinh. Năng lực của bà giờ đây có thể được phát huy một cách triệt để nhất. Sau khi tốt nghiệp, bà tham gia bộ đội quân y và phục vụ 10 năm cho quân khu Thiểm Tây và quân khu Lan Châu.
Trên thực tế, đã có không ít ý kiến lên án và hoài nghi năng lực "siêu nhân" của Trịnh Tường Linh. Nhưng mặc cho ngoài kia phán đoán thế nào thì năng lực này đã trở thành chìa khóa vàng giúp bà có đủ dũng khí thoát khỏi bóng hình của thôn trang nghèo nàn và tìm thấy cơ hội để đi xa hơn trong tương lai.
Đến năm 26 tuổi, vì đã có thâm niên 10 năm phục vụ quân đội nên bà được nhận chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước tỉnh Thiểm Tây. Tại đó, bà đã có cơ hội quen biết với người nối dõi thế hệ thứ 3 của gia tộc Tạ thị giàu có là ông Tạ Tuy. Hai người đã đem lòng yêu nhau.
Mặc dù Tạ Tuy lớn hơn Trịnh Tường Linh 12 tuổi, nhưng cách biệt về tuổi tác không hề ảnh hưởng đến tình yêu của họ. Hai năm sau, Trịnh Tường Linh và Tạ Tuy chính thức kết hôn và sinh được một trai một gái vô cùng tài giỏi là Tạ Kỳ Nhuận và Tạ Thừa Nhuận.
Theo lý mà nói, Trịnh Tường Linh đã bước vào hào môn thế gia thì đáng lẽ bà chỉ cần ngồi nhà mát ăn bát vàng, hưởng thụ cuộc sống giàu sang, an nhàn đến hết đời. Thế nhưng Trịnh Tường Linh không chấp nhận làm con dâu "bình hoa di động" của gia tộc giàu có, mà bà đã mượn sức lực tiền tài của chồng để tạo dựng nên đế chế thương nghiệp cho riêng mình.
Dựa vào thế mạnh vốn có, Trịnh Tượng Linh dấn thân vào ngành nghề y dược. Bà đã sử dụng nguồn vốn khổng lồ để đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm và đưa công ty phát triển đến mức đỉnh điểm.
Nghiên cứu dược phẩm là ngành nghề đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và đương nhiên nguy cơ mất trắng cũng rất cao. Trịnh Tương Linh đã dũng cảm mạo hiểm với niềm tin và tầm nhìn xa trông rộng của mình.
Trải qua nhiều năm nghiên cứu, bất kể tiền vốn đổ vào liên tục, áp lực muôn trùng, Trịnh Tường Linh đã tạo ra được chuỗi dược phẩm dùng cho Liệu pháp trúng đích (Liệu pháp trúng đích hay còn gọi là liệu pháp trúng đích phân tử, một phương pháp trị liệu ung thư bằng cách sử dụng thuốc).
Dược phẩm công nghệ cao của Trịnh Tường Linh vừa mới lên sàn đã càn quét toàn bộ thị trường dược phẩm sinh học và mở ra cục diện mới cho ngành y dược Trung Quốc. Sự thành công của dược phẩm sinh học mới đã mang về cho công ty của Trịnh Tường Linh tổng lợi nhuận lên đến gần 200 tỷ Đô la HongKong (gần 585 nghìn tỷ VND), trở thành một truyền kỳ chưa từng có trong giới y dược Trung Quốc.
Trịnh Tường Linh và chồng Tạ Tuy cùng sáng lập nên Tập đoàn sản xuất dược phẩm Chính Đại. Ngoài sản xuất dược phẩm sinh học, Trịnh Tường Linh còn điều hành hơn 20 công ty khác. Bà đã trở thành người đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng Top 10 nữ đại gia giàu có nhất Trung Quốc nội địa với tổng giá trị tài sản cá nhân lên đến 28,7 tỷ NDT (hơn 100 nghìn tỷ VND).
Sau khi được gả vào hào môn gia tộc Tạ thị, Trịnh Tường Linh đã sớm khẳng định được vị thế của mình trong gia tộc. Thậm chí cho đến hiện tại, bản thân Trịnh Tường Linh còn có thể tự thành lập nên một hào môn thế gia cho riêng mình.
Một cô gái nông thôn bần cùng phấn đấu để có sự thành công của ngày hôm nay đã khiến cho không ít người phải trầm trồ và ngưỡng mộ.
Thế nhưng, điều khiến cho Trịnh Tường Linh được người đời ca tụng nhất không phải là khả năng kiếm tiền, mà chính là khả năng tiêu tiền – Sự nghiệp từ thiện!
Trịnh Tường Linh chia sẻ với truyền thông: "Tôi mãi mãi không quên được quê nhà Thiểm Tây! Sự thành công của một người không chỉ thể hiện ở tài sản tiền bạc, mà còn ở cách họ kiếm ra tiền và mục đích sử dụng những đồng tiền đó".
Từ những năm 90, Trịnh Tương Linh bắt đầu sự nghiệp công tác từ thiện ở quê nhà Thiểm Tây. Bà lập nên "Quỹ khuyến học Tường Linh", xây dựng trường học, trợ cấp cho những em nhỏ có gia cảnh khó khăn được cơ hội đến trường, cung cấp đồ dùng sinh hoạt và sách vở phân phát đến những vùng khó khăn.
Chứng kiến được những em nhỏ được hạnh phúc đến trường và cơm áo no đủ, Trịnh Tường Linh mới cảm thấy mục đích kiếm tiền của mình là đúng đắn nhất. Từ đó, bà quyết tâm phải kiếm ra nhiều tiền hơn nữa, vì có như vậy thì mới càng có nhiều số phận kém may mắn được cưu mang hơn.
Không những thế, Trịnh Tường Linh còn thành lập "Quỹ kính lão Tường Linh", giúp đỡ người già neo đơn cho đến những ngày cuối đời. Theo thống kê, bà đã giúp đỡ được hơn 3000 người lớn tuổi, giải quyết vô số tình trạng không nơi nương tựa.
Ngoài ra, Trịnh Tường Linh còn đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thành thị cho quê nhà, bao gồm đường sá, thông tin liên lạc, cầu cống, hệ thống phòng lũ,… Số tiền từ thiện cá nhân đã lên đến hơn 20 triệu NDT (70 tỷ VND), đó là còn chưa tính đến các hệ thống quỹ hỗ trợ mà bà mở ra lấy nguồn vốn từ tập đoàn.
Quan niệm của Trịnh Tường Linh rất đơn giản: Quê hương đã nuôi dưỡng bà, nên khi có năng lực, bà sẽ trả lại cái ân sinh thành kia bằng cách cống hiến từ thiện và xây dựng đất nước.
Từ cô gái quê trở thành nữ đại gia nghìn tỷ, Trịnh Tường Linh chính là truyền kỳ chân thật được người người ngưỡng mộ.
(Nguồn: 163)