Xuất khẩu thuỷ hải sản vượt khó, thiết lập kỷ lục 10,17 tỷ USD. Trong ảnh, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu chúc mừng tại sự kiện - Ảnh: D.D
Đây là thông tin được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra tại "Lễ mừng xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD" được tổ chức chiều ngày 10-12, tại TP.HCM.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nhận định hoạt động xuất khẩu thuỷ sản bứt phá mạnh mẽ, thiết lập kỷ lục là nhờ những yếu tố thuận lợi của giai đoạn nửa đầu năm như: nhu cầu Nhập khẩu cao, giá Xuất khẩu sang các thị trường tăng mạnh 15 - 50%, nguồn nguyên liệu dồi dào từ lượng tồn kho sau làn sóng Covid quý III/2021
Bên cạnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, nên các Doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh Xuất khẩu trong năm 2022.
Theo ông Tiến, dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ còn cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021 - mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Tuy chứng kiến những con số tăng trưởng ấn tượng tuy nhiên theo VASEP kể từ tháng 11/2022, tình hình đã xấu đi. Tháng 11 là lần đầu tiên kể từ đầu năm, tăng trưởng XK thuỷ sản rơi xuống mức âm (giảm trên 14%) so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định năm 2023 tiếp tục sẽ là một năm đầy khó khăn bởi kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng kéo giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản; nhiều nhà Nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng;…
Một số mặt hàng tăng trưởng ấn tượng năm qua có xuất khẩu tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Đây là mặt hàng số một trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu của 11 tháng.
Cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 704 triệu USD, chiếm 6,9%; các loại khác mang lại kim ngạch 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%...
Trong 11 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc, khoảng 1,6 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ ba với khoảng 1,6 tỷ USD; EU khoảng 1,2 tỷ USD. Khối thị trường CPTPP (tính cả Nhật Bản) đạt khoảng 2,7 tỷ USD.