Tài chính

Tín hiệu tốt từ Trung Quốc nới lỏng chống dịch

"Chúng tôi rất hoan nghênh các hành động quyết đoán của chính quyền Trung Quốc trong việc điều chỉnh lại chính sách về dịch COVID-19 nhằm tạo động lực tốt hơn cho sự phục hồi tăng trưởng ở Trung Quốc" - Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva

Hãng tin Reuters cho biết tại các thành phố, nhịp sống đang dần trở lại dù người dân vẫn còn e ngại và các doanh nghiệp cũng đang quan sát tác động của việc nới lỏng chống dịch. Việc tìm kiếm thông tin du lịch cũng tăng mạnh.

Kỳ vọng khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu

"Chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển xã hội, giữ vững trật tự sản xuất và sinh hoạt", báo South China Morning Post dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói ngày 8-12 với nhận định kinh tế nước này sẽ tăng tốc trở lại sau các điều chỉnh mới.

Các tín hiệu từ Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu lạc quan hơn, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với viễn cảnh u ám hơn trong năm sau với tăng trưởng tiếp tục giảm.

Các nhà phân tích hy vọng việc nới lỏng các biện pháp chống dịch của Bắc Kinh sẽ giúp khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và từ đó kiềm chế lạm phát. "Nếu lạm phát giảm xuống, FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) có thể tạm dừng tăng lãi suất", Tim Ghriskey, chiến lược gia trưởng về đầu tư của tổ chức Inverness Counsel ở New York, nói về việc FED tăng lãi suất liên tục trong năm qua.

Trước mắt chuỗi cung ứng được nối lại có thể đẩy giá vận chuyển giảm mạnh trong vài tháng tới. Ngày 8-12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói rằng nút thắt chuỗi cung ứng được gỡ bỏ có thể giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được suy thoái.

"Sự thể hiện của Trung Quốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nền kinh tế thế giới", Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo với lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn ngày 9-12. Trước đó, IMF ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng 3,2% trong năm nay và 4,4% vào năm 2023.

Cửa khẩu Việt - Trung nhộn nhịp trở lại

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-12, ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết từ tháng 11 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu hai nước khá thuận lợi nhờ phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

"Mỗi ngày trung bình khoảng 900 xe, những ngày gần đây lên tới 1.000 xe được thông quan, trong đó phía Việt Nam vào khoảng 400 - 550 xe. Hàng hóa tồn trong ngày rất ít.

Như hôm 8-12, tại các cửa khẩu của Lạng Sơn chỉ còn gần 200 xe, các xe này lên vào chiều tối nên không kịp thông quan và sẽ được thông quan trong ngày hôm sau", ông Duy nói và cho biết so với thời điểm đầu năm nay, năng lực thông quan hiện nay đã tăng gấp 3 - 4 lần.

Ông Duy cũng cho biết từ ngày 12-12 Trung Quốc tiếp tục nới lỏng điều kiện giao nhận hàng hóa ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. "Trước đây hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải dùng dịch vụ đầu kéo chuyên trách của Việt Nam kéo sang Trung Quốc để giao hàng.

Nhưng hiện nay phía bạn đã đồng ý cho đầu kéo và lái xe của Trung Quốc sang Việt Nam kéo hàng hóa về. Việc nới lỏng điều kiện này giúp mỗi chuyến hàng giảm được 3 triệu đồng tiền dịch vụ", ông Duy chia sẻ.

Ông Duy thông tin thêm sang năm 2023, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cũng lên kế hoạch đàm phán với phía bạn khôi phục một số cửa khẩu phụ đã đóng cửa lâu như Na Hình, Bình Nghi, Pò Nhùng.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ ngày 1 đến 7-12, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong tuần tăng 2,9% so với tuần trước.

Tín hiệu tốt từ Trung Quốc nới lỏng chống dịch - Ảnh 1.

Nguồn: REUTERS, NHC - Dữ liệu: TRẦN PHƯƠNG - Đồ họa: TẤN ĐẠT


Nối lại 3 đường bay với Trung Quốc

Ngày 9-12, thông tin từ Vietnam Airlines cho biết chuyến bay VN502 khởi hành từ TP.HCM đi Quảng Châu (Trung Quốc) lúc 9h55 cùng ngày đã đánh dấu chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần ba năm dừng bay vì đại dịch COVID-19.

Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ nối lại ba đường bay đến Trung Quốc bao gồm: đường bay TP.HCM - Quảng Châu từ ngày 9-12, khởi hành vào thứ sáu hằng tuần; đường bay Hà Nội - Thượng Hải từ ngày 12-12 với tần suất hai chuyến/tuần vào thứ hai, thứ sáu; đường bay TP.HCM - Thượng Hải từ ngày 14-12, khởi hành vào thứ tư hằng tuần.

Thời gian mở bán và khởi hành các chuyến bay của Vietnam Airlines trên các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc áp dụng từ nay đến 26-3-2023.

Về thủ tục nhập cảnh tại Trung Quốc, Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách cần chủ động tham khảo các quy định được thông báo chính thức bởi Đại sứ quán Trung Quốc để đảm bảo các giấy tờ, thủ tục cần thiết gồm: xét nghiệm PCR COVID-19 48 tiếng trước giờ bay, khai báo lấy mã sức khỏe và tuân thủ nghiêm quy định đeo khẩu trang N95 khi nhập cảnh, cách ly theo quy định của nhà chức trách.

TUẤN PHÙNG

Chính sách chống dịch mới có gì?

* Nghiêm cấm tự ý mở rộng vùng nguy cơ cao và kêu gọi khoanh vùng nguy cơ COVID-19 một cách khoa học và có mục tiêu.

* Người dân sẽ không phải xét nghiệm hàng loạt theo khu vực hành chính. Người dân cũng không cần trình kết quả âm tính, mã sức khỏe khi đến những nơi công cộng hoặc di chuyển giữa các vùng.

* Người mắc bệnh có thể cách ly tại nhà nếu có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

* Tăng cường nỗ lực tiêm ngừa cho người cao tuổi, đặc biệt nhóm từ 60 đến 79.

* Hoạt động xã hội và các dịch vụ y tế cơ bản phải diễn ra bình thường, không hạn chế đi lại hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh ở khu vực rủi ro thấp. Đảm bảo nhu cầu mua thuốc cơ bản của người dân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm