Tài chính

Chuyến tàu lượn siêu tốc của Silvergate: Công ty "lẹt đẹt" đổi đời nhờ chuyển thành ngân hàng tiền số, hiện là trung tâm điều tra trong vụ phá sản 40 tỷ USD

“Cuộc sống với tư cách là một công ty tiền số có thể được chia thành 2 giai đoạn: Trước Silvergate và Sau Silvergate”, lời nói của Sam Bankman-Fried từng được trích dẫn trên trang web của ngân hàng có trụ sở tại San Diego. Silvergate chính là ngân hàng mà anh ta đã sử dụng để chuyển tiền của khách hàng sang sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số FTX của mình.

“Thật khó để nói đúng mức độ mà Silvergate đã cách mạng hóa hoạt động ngân hàng cho các công ty blockchain”.

Silvergate từng không phải là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí ngân hàng đứng sau sàn giao dịch tiền số trị giá 40 tỷ USD đã phá sản vào tháng trước.

Trong phần lớn lịch sử 30 năm của mình, Silvergate là một công ty cho vay cộng đồng nhỏ tập trung vào việc tài trợ cho các giao dịch bất động sản nhỏ, với ba chi nhánh ở miền nam California và tài sản dưới 1 tỷ USD.

Nhưng đến năm 2019, nó đã nhanh chóng trở thành ngân hàng tiền số lớn nhất ở Mỹ. Khoảng 1.600 công ty khai thác tiền số, sàn giao dịch và người giám sát hàng đầu thế giới sử dụng Silvergate để gửi và chuyển hàng tỷ USD mỗi tháng.

Tiền gửi đã tăng từ khoảng 2 tỷ USD vào năm 2020 lên hơn 10 tỷ USD vào năm 2021. Đến năm nay, tổng tài sản của họ đã tăng vọt lên 16 tỷ USD. Chỉ 10 tháng sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào cuối năm 2019, ở mức 12 USD/1 cổ phiếu, giá cổ phiếu của Silvergate đã tăng lên hơn 200 USD/1 cổ phiếu.

Một cựu nhân viên cho biết: “Đây là một công ty cho vay bất động sản nhỏ đã đầu tư toàn bộ vào tiền số. Thật kỳ lạ”.

Nhưng chuyến tàu lượn siêu tốc đã đột ngột dừng lại vào tuần trước với việc Silvergate lọt vào tầm ngắm của các thượng nghị sĩ Mỹ đang điều tra sự thất bại của FTX – công ty vốn bị cáo buộc xử lý sai tiền gửi từ những khách hàng hiện đang phải đối mặt với khoản lỗ lên tới 10 tỷ USD.

Theo một lá thư từ các thượng nghị sĩ Mỹ gửi cho CEO Alan Lane của Silvergate thì ngân hàng này “dường như là trung tâm” về cách các khoản tiền đó được di chuyển xung quanh đế chế tiền số của Bankman-Fried. Bức thư cho biết việc không phát hiện ra một “kế hoạch” như vậy có thể có nghĩa là Silvergate đã vi phạm luật chống rửa tiền.

Lane đã cố gắng giải quyết những lo ngại của thị trường về các liên kết của họ với FTX trong một bức thư công khai vào tuần trước cáo buộc những người bán khống đã lan truyền nạn “đầu cơ” và “thông tin sai lệch”. Ông cho biết ngân hàng đã tiến hành “rà soát đáng kể đối với FTX và các đơn vị liên quan”.

Silvergate đã lặng lẽ xóa “lời tri ân rực rỡ” của Bankman-Fried khỏi trang web của mình, cùng với tất cả các tham chiếu đến khách hàng cũ. Sự sụp đổ của FTX đã xóa sổ hai trong số những khách hàng hàng đầu của ngân hàng: Khoảng 10% tổng tài sản của Silvergate thuộc về FTX và khách hàng của họ cũng bao gồm công ty cho vay tiền số như BlockFi - một nạn nhân lớn khác của vụ sụp đổ. FTX và “các tổ chức liên quan” đã nắm giữ khoảng 20 tài khoản khác nhau tại Silvergate, theo hồ sơ phá sản.

Ngân hàng này hiện được cho thời hạn đến ngày 19/12 để trả lời bức thư và cung cấp “bản tường trình đầy đủ về mối quan hệ của họ với FTX”.

Lane, một người 60 tuổi sùng đạo và là ông nội của hơn 20 đứa trẻ sống ở TemeculaCalifornia, là người chủ mưu đằng sau sự thay đổi chiến lược đáng chú ý của Silvergate trong vài năm qua.

Được những người sáng lập Silvergate là Dennis Frank và Derek Eisele thuê vào năm 2008 khi ngân hàng đang gặp khó khăn, Lane đã lên kế hoạch biến nó thành một ngân hàng thương mại đầy đủ dịch vụ. Trước đây Lane cũng đã giữ chức vụ ở một chuỗi các ngân hàng địa phương nhỏ.

Nhưng vào năm 2013, Lane bắt đầu tìm hiểu về tiền số. Bitcoin, khi đó là một công nghệ mới bốn năm tuổi, đã đạt kỷ lục trong năm đó, lần đầu tiên tăng gần 7.000% lên mức 1.000 USD/đồng. Tiền số cũng đang dần bắt đầu đạt được nhận thức chính thống.

Ben Reynolds, chủ tịch của Silvergate, người được Lane thuê vào năm 2016 để tăng cường chiến lược tiền số cho biết: “Chúng tôi cần tiền gửi và Alan bắt đầu thấy rằng các công ty như Coinbase không được chấp nhận bởi các ngân hàng truyền thống. Vì vậy, ý tưởng là: Nếu chúng tôi có thể gửi tiền qua Coinbase, chúng tôi có thể tìm được tiền gửi. Alan đã đến Cục Dự trữ Liên bang và nói rằng chúng tôi muốn cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản cho các công ty Bitcoin và họ đã đồng ý”.

Cảnh giác với một loại tài sản mới nổi có liên quan đến rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp, các tổ chức tài chính lớn đã từ chối giao dịch tiền số qua ngân hàng và bắt đầu chặn chuyển khoản của khách hàng để mua tiền số. Các ngân hàng truyền thống cũng không được thiết lập cho các nhà giao dịch tiền số.

Theo nhân viên cũ, Lane và Reynolds đã nhận ra lỗ hổng và sự kém hiệu quả trong thị trường đang phát triển nhanh chóng và nắm bắt cơ hội. Ông ấy nói: “Những người sáng lập Silvergate đều làm trong lĩnh vực bất động sản nhưng họ yêu thích sự thay đổi theo hướng đó vì đơn giản như vậy kiếm được tiền”.

Trong sáu năm tiếp theo, Lane và Reynolds đã bán bớt nhóm ngân hàng kinh doanh của Silvergate và thu hẹp nhóm bất động sản. Cơ sở khách hàng tiền số của họ đã tăng từ khoảng 20 công ty vào năm 2016, bao gồm Xapo, Paxos và Bitfury, lên hơn 1.000. Ban quản lý của ngân hàng cũng bắt đầu khám phá những cách rủi ro hơn để củng cố bảng cân đối kế toán, bao gồm tung ra một stablecoin và cơ cấu các khoản vay đối với tiền số.

Vào năm 2017, họ đã ra mắt Mạng trao đổi Silvergate (SEN), một nền tảng cho phép các nhà đầu tư tiền số chuyển USD từ tài khoản ngân hàng của họ sang một sàn giao dịch tiền số ngay lập tức và 24/7, miễn là cả sàn giao dịch và nhà đầu tư đều chung ngân hàng là Silvergate.

Sau đó, vào tháng 3 năm nay, Silvergate đã cấp khoản vay 200 triệu USD cho một công ty thuộc sở hữu của tỷ phú tiền số người Mỹ Michael Saylor, bước tiến lớn nhất từ trước đến nay của công ty trong việc cho vay USD được bảo đảm bằng Bitcoin.

“Alan đã nhìn thấy cơ hội này trong tiền số, điều mà tôi vẫn chưa hiểu hết, và anh ấy đã xây dựng nó thành một thứ hoạt động khá hiệu quả”, ông chủ cũ và nhà đầu tư của Silvergate, Frank Mercadante, cho biết.

Nhưng, hoạt động này đầy rủi ro. Theo hai nhân viên cũ, Silvergate đã phải tuyển dụng gấp đôi số nhân viên tuân thủ so với các ngân hàng tương đương cùng quy mô. Thường mất sáu tháng để một sàn giao dịch tiền số mới mở tài khoản ngân hàng. “Những rủi ro chính là hiểu rõ khách hàng của bạn và chống rửa tiền và những rủi ro đó đã được dự tính nghiêm túc từ năm 2014” - khi Silvergate giành được khách hàng tiền số đầu tiên. Vào tháng 6/2021, Silvergate đã chấm dứt mối quan hệ với Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới, vì những lý do không được tiết lộ.

Khi các nhà lập pháp quyết định mối quan hệ của Silvergate với FTX, ngân hàng sẽ buộc phải xem xét khả năng tiếp xúc của mình với một ngành không được kiểm soát, nơi rủi ro gian lận và những kẻ xấu xuất hiện cao hơn bao giờ hết.

Một người thân cận với Silvergate cho biết: “Ngân hàng không có trách nhiệm thực sự trong việc ngăn chặn các giao dịch giữa các thực thể có vẻ hợp pháp. Đây là nguyên nhân cốt lõi của việc không có đủ quy định đối với các công ty tiền số”.

Giá cổ phiếu của Silvergate đã giảm xuống một nửa so với trước khi FTX sụp đổ và giảm gần 85% trong năm nay, mặc dù ở mức 23 USD – giá này vẫn gần gấp đôi giá khi IPO. Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley: “Sự sụp đổ của FTX cũng có thể dẫn đến các vụ kiện tụng và rủi ro hàng đầu trên toàn hệ sinh thái tiền số”.

Nguồn: Financial Times


Cùng chuyên mục

Đọc thêm